Nam Định nỗ lực cải thiện môi trường làng nghề
Nhiều doanh nghiệp phát triển mạnh sản xuất sau khi chuyển vào cụm công nghiệp |
Theo Sở Công Thương Nam Định, trên địa bàn tỉnh hiện có 131 làng nghề với nhiều loại hình sản xuất đa dạng, phong phú. Riêng lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) có 98 làng nghề, trong đó 18 làng nghề thuộc diện ô nhiễm điển hình như: Làng nghề gia công cơ khí, mạ Bình Yên; dệt may Liên Tỉnh; chế biến lương thực, thực phẩm Làng Kênh; bún bánh Nam Phong…
Với công nghệ sản xuất thủ công, hàng ngày các làng nghề thải ra môi trường nhiều loại chất thải đi kèm các chất độc hại chưa được xử lý, gây tác động xấu tới môi trường và sức khỏe người dân. Ngoài tác động đến môi trường nước, hoạt động của làng nghề còn gây ảnh hưởng đến môi trường không khí do các loại ô - xít như SO2, CO2, CO, bụi…phát sinh từ quá trình sử dụng than, dầu; các loại hóa chất bay hơi như HCl, aldehyt, axeton… nhưng chưa được xử lý. Việc xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại cũng chưa được thực hiện nghiêm túc, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Trước thực trạng trên, những năm qua, Nam Định đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ cải thiện môi trường làng nghề. Ông Vũ Hữu Từ - Phó giám đốc Sở Công Thương Nam Định - cho biết: Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) tỉnh giai đoạn đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tạo mặt bằng di dời các làng nghề ra CCN vừa giúp cơ sở phát triển sản xuất vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu vực dân cư.
Cụ thể, tỉnh đã quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng CCN tại các làng nghề: Tống Xá, Vân Chàng, Xuân Tiến, Đồng Côi; đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho 2 CCN Xuân Tiến và Tống Xá; hỗ trợ xây dựng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tại 12 xã, thị trấn có làng nghề…
Các làng nghề, chủ yếu là sản xuất đơn lẻ, tự phát do vậy công tác quản lý nhà nước tại khu vực này rất khó khăn. Hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường khá đầy đủ, tuy nhiên việc triển khai chưa quyết liệt nên hiệu quả đạt được còn hạn chế.
Theo ông Vũ Hữu Từ, để giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, phải bắt đầu từ ý thức của người dân. Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cần hình thành các hội nghề nghiệp tại làng nghề làm đầu mối tập hợp ý kiến của người dân, tạo thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động.
Ông Nguyễn Văn Khanh - Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí đúc huyện Ý Yên - đề xuất: Cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, môi trường… làng nghề và CCN. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng vừa sản xuất, vừa sinh hoạt trong các CCN đã được xây dựng. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức người dân trong bảo vệ môi trường và tác hại của ô nhiễm môi trường
Ông Vũ Hữu Từ - Phó giám đốc Sở Công Thương Nam Định: Cần gắn kết chặt chẽ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường với hương ước, quy ước làng nghề nhằm tăng hiệu quả quản lý nhà nước tại khu vực này. |