CôngThương - Năm 2011, xuất khẩu vào thị trường Nam Phi được dự đoán thuận lợi dựa trên cơ sở kinh tế Nam Phi được đánh giá sẽ tiếp tục tăng trưởng, cộng thêm việc Chính phủ nước này gia tăng đầu tư công nhằm tạo việc làm mới khiến nhu cầu nhập khẩu tăng. Trong khi đó, hàng hóa Việt Nam đã dành được tín nhiệm tại thị trường này.
Kết thúc năm 2011, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nam Phi tăng 103,38% đạt 1,8 tỷ USD, với các mặt hàng chính xuất khẩu là đá quý, kim loại và sản phẩm, điện thoại các loại và linh kiện, giày dép, máy vi tính, hàng dệt may, cà phê, than đá… Trong số các mặt hàng kể trên thì đá quý, kim loại và sản phẩm là mặt hàng đạt kim ngạch cao nhất, đạt 1,5 tỷ USD, chiếm 80,6% thị phần, tăng 747,9% so với năm 2010.
Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản, thủy hải sản chưa xuất hiện nhiều trong cơ cấu hàng xuất khẩu vào Nam Phi (mới chỉ có gạo, cà phê, tiêu và điều). Người tiêu dùng Nam Phi hiện đang có xu hướng ưa thích mua sắm các loại thực phẩm tươi sống hoặc đông lạnh như cá, hải sản có thể lưu trữ được lâu tại siêu thị và ngày càng quan tâm tới an toàn thực phẩm. Các mặt hàng sữa, kem, sữa chua uống liền, trái cây tươi, hạt ngũ cốc, các loại cây họ đậu đang tăng mạnh trong nhu cầu tiêu dùng của những người có thu nhập trung bình trở lên. Thật đáng tiếc, các doanh nghiệp Việt Nam đang bỏ ngỏ mảng thị trường này!
Theo ông Đỗ Quang Liên- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nam Phi: Nam Phi nói riêng và các nước châu Phi khác nói chung mặc dù là lục địa nghèo nhưng nhờ có nguồn thu từ xuất khẩu nhiều loại tài nguyên quý và với dân số đông nên châu lục này hiện là thị trường có sức mua khá mạnh. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt được nhu cầu này mà lên kế hoạch xâm nhập thị trường với những phương thức như đẩy mạnh quảng cáo, giới thiệu, trưng bày sản phẩm cụ thể, thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của mình thông qua các chiêu thức như khuyến mại, tặng sản phẩm dùng thử… Đặc biệt là chú trọng đến thị hiếu cũng như sở thích của người tiêu dùng bản địa để bán những thứ họ cần chứ không thể kinh doanh theo lối mòn bán mãi thứ mình có.
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần thường xuyên thay đổi mẫu mã sản phẩm, bao bì, hình thức quảng cáo; sẵn sàng và đủ sức đáp ứng được các hợp đồng (về mặt số lượng cũng như mẫu mã mới). Riêng về mặt số lượng sản phẩm, doanh nghiệp cần lưu ý đặc điểm của thị trường Nam Phi. Thị trường này đã hình thành hệ thống phân phối rất lớn mạnh cho cả hình thức bán buôn và bán lẻ. Vì vậy, khi họ đã đặt đơn hàng nhập khẩu là đặt cho toàn bộ đơn hàng của cả hệ thống siêu thị và mạng lưới bán lẻ rộng khắp, không những chỉ ở Nam Phi, mà còn ở nhiều nước châu Phi khác.
Thêm nữa thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào Nam Phi tương đối đơn giản, hầu hết các sản phẩm thực phẩm sẽ được kiểm tra ngẫu nhiên ở các điểm nhập cảnh. Danh sách các mặt hàng giới hạn nhập khẩu đã giảm. Riêng mặt hàng cá và các sản phẩm từ cá vẫn phải xin giấy phép nhập khẩu. Đây là một thuận lợi cho nhà xuất khẩu mà ít thị trường có, vì thế doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt đẩy mạnh xuất khẩu hàng vào Nam Phi để từ đó tỏa đi khắp thị trường châu lục này.