Khí thải gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân chính dẫn tới biến đổi khí hậu toàn cầu
CôngThương - Phát biểu với giới báo chí, Bộ trưởng Môi trường Nam Phi Edna Molewa đã tuyên bố nêu rõ nước này không mong muốn Hội nghị lần thứ 17 (COP 17) của các thành viên Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đánh dấu sự chấm dứt của Nghị định thư Kyoto. Chính phủ Nam Phi coi việc duy trì Nghị định thư này là điều cốt yếu.
Nghị định thư Kyoto là một thỏa thuận quốc tế được đưa ra năm 1997 nhằm giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Giai đoạn cam kết đầu tiên của thỏa thuận này sẽ hết hạn hiệu lực vào năm 2012.
Năm nay, COP 17 được tổ chức nhằm mục đích phát triển các thỏa thuận được kết luận tại COP 16 diễn ra ở Cancun (Mexico) hồi cuối năm 2010. Hội nghị lần này cũng đặt không ít hy vọng vào việc đưa ra một cơ chế mới để giám sát và quản lý tốt hơn hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.
"Giai đoạn này là đặc biệt quan trọng đối với tất cả chúng ta, bởi vì trong Nghị định thư Kyoto, chúng ta đã thiết lập các quy tắc triển khai (…) và không ai trong chúng ta mong muốn mất đi các quy tắc triển khai đó", bà Molewa tuyên bố.
Bên cạnh đó, bà Molewa cũng lưu ý tới sự cần thiết phải dành cho các nền kinh tế mới nổi thêm nhiều không gian và thời gian hơn nữa để phát triển.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra ở Cancun hồi năm ngoái, các quốc gia tham dự đã không thể đi đến thống nhất cho ra đời một văn bản mang tính ràng buộc pháp lý thay thế Nghị định thư Kyoto. Vì vậy, vấn đề quy định định mức cắt giảm khí thải hiện vẫn còn đang để ngỏ. Thế giới vẫn đang ngày đêm tranh cãi về các tỷ lệ cắt giảm khí CO2 vốn được xem là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tại Hội nghị Durban năm nay, khả năng đưa ra được bản thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý quy định mức cắt giảm khí CO2 là không nhiều. Do vậy, đề xuất gia hạn thêm Nghị định thư Kyoto được Nam Phi, nước chủ nhà của COP 17 đưa ra vào lúc này không phải không hợp lý song việc đề xuất này có trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào các ý kiến từ phía các nước thành viên của UNFCCC. Thế giới vẫn còn nửa năm để bàn thảo trước khi chính thức đi đến thống nhất trong cuộc gặp gỡ cấp cao tại Durban. Dù tiến hành theo cách thức nào thì mục tiêu chung vẫn là cắt giảm khí thải, hạn chế sự nóng lên của khí hậu toàn cầu.