Vi phạm ngày càng tinh vi hơn
Theo Cục TMĐT & Kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐT tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua từ 25% -30%/năm. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, internet và TMĐT cũng có những mặt trái và đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt là tình trạng vi phạm pháp luật, kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên các website, ứng dụng TMĐT.
Báo cáo của Cục TMĐT & Kinh tế số cho thấy, tính đến hết năm 2018, tổng số sản phẩm vi phạm đã gỡ bỏ trên các sàn TMĐT là 35.943 và hơn 3.126 tài khoản/gian hàng trên các sàn đã bị khóa. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2019, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn TMĐT rà soát và gỡ bỏ trên 3.750 sản phẩm vi phạm từ gần 600 gian hàng và website. Gần đây, Cục TMĐT và Kinh tế số đã tiến hành thanh tra sàn giao dịch TMĐT Lazada và phát hiện 11 hành vi vi phạm, dự kiến mức xử phạt gần 400 triệu đồng.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân- Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) - khẳng định, trung bình hàng năm, cục tiếp nhận trên 1.500 khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng; trong đó có khoảng trên 50% liên quan đến các giao dịch TMĐT hoặc vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Các vi phạm điển hình bao gồm: Chất lượng hàng hóa, hàng nhận được không giống với quảng cáo; thông tin sai về xuất xứ, giá cả, không thực hiện nghĩa vụ bảo hành, không xuất hóa đơn.
Cần bộ lọc tốt hơn
Để chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả vấn nạn hàng giả trong TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, tại Lễ khai trương "Hệ thống quản lý và giải quyết khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong TMĐT" và Lễ ký cam kết "Nói không với hàng giả trong TMĐT" lần 2, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết: Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch tăng cường công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT giai đoạn 2018 - 2020. Trong đó, Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong TMĐT là một trong 6 nhóm giải pháp quan trọng để đạt mục tiêu trên. "Đây là cổng dịch vụ công mức độ 4 giúp kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu và phối hợp quản lý, giám sát thực thi và hỗ trợ giải quyết phản ánh, khiếu nại của các đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ Công Thương như: Cục TMĐT & Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các Sở Công Thương..." - Thứ trưởng nêu cụ thể.
Thứ trưởng lưu ý, cần hướng dẫn các doanh nghiệp tuân thủ cam kết đã ký và các quy định pháp luật liên quan về kinh doanh hàng hóa, TMĐT, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Đối với các nhãn hàng, hãng và các doanh nghiệp tham gia ký cam kết, cần nâng cao trách nhiệm và quyết tâm, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương để phản ứng nhanh và giải quyết kịp thời, hiệu quả các khiếu nại, phản ánh của người dân.
Về mặt pháp lý, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - cho rằng, các quy định hiện hành chưa gắn chặt trách nhiệm của chủ sàn TMĐT đối với đối tác bán hàng trên sàn, vì vậy cần sửa đổi khung khổ pháp lý về quản lý sàn TMĐT theo hướng tăng trách nhiệm của các chủ sàn.
"Bộ Công Thương vừa thành lập Tổ soạn thảo để sửa đổi Thông tư số 47 quy định về quản lý website TMĐT theo hướng quy định rõ trách nhiệm của các chủ sàn điện tử. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP trong năm 2020, vì Nghị định đã ban hành 6 năm, chưa cập nhật loại hình kinh doanh mới, nên thiếu chế tài xử lý" - ông Trần Hữu Linh thông tin.