Ảnh minh họa |
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Diện tích đất canh tác lúa gạo giai đoạn 2005-2013 tăng đều đặn, nhưng từ năm 2013 đến nay đang có nguy cơ giảm xuống. Tuy vậy, sản lượng lúa gạo lại không giảm mà tăng lên khoảng 10 triệu tấn trong giai đoạn từ 2005-2015. Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn cho biết, năm 2014, năng suất lúa của Việt Nam đạt 57,6 hạ/ha, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy sản lượng lúa gạo không giảm, song các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn đang đứng trước rất nhiều thách thức. Cụ thể, sản lượng lúa gạo khó có sự tăng đột biến trong thời gian tới, nguyên nhân là do quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp không còn nhiều, thậm chí còn đang bị thu hẹp. Đất nông nghiệp chủ yếu vẫn manh mún, nhỏ lẻ, nên khó áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đang diễn ra khó lường, nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra tại nhiều địa phương, nguy cơ thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp xuất hiện trong bối cảnh nhiều đập thủy điện được xây dựng. Thói quen canh tác dùng nhiều hóa chất khiến nguồn đất, nước bị ô nhiễm, khó phát triển bền vững.
Ngoài các thách thức trên, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, chất lượng gạo Việt Nam vẫn thấp, nhiều chủng loại gạo không đồng đều, do đó giá gạo Việt Nam vẫn thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Đặc biệt, theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Thách thức lớn nhất mà chuỗi sản xuất lúa gạo Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay là vấn đề thể chế quản lý chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo chưa thực sự hiệu quả.
TS Đặng Quang Vinh - Chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Hiện nay, các chính sách pháp luật liên quan đến chuỗi giá trị lúa gạo đang tác động đến năng suất và thu nhập của nông dân. Đơn cử như việc phân mảnh đất đai và chính sách dồn điền, đổi thửa, chính sách chia đều ruộng đất cả về số lượng và chất lượng khiến mỗi hộ gia đình có vài mảnh ruộng ở những vị trí khác nhau, điều này làm tăng chi phí sản xuất và gây khó khăn cho cơ giới hóa nông nghiệp...
Từ những phân tích trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng, để tạo được chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, đã đến lúc chúng ta phải tạo ra những thay đổi mang tính chất bước ngoặt. Cụ thể, thay đổi từ thể chế đến cách thức quản lý sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, chứ không phải chỉ một vài thay đổi nhỏ mang tính đơn thuần.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cần có chính sách đất đai riêng cho từng vùng, từng quỹ đất thay vì thực hiện đồng đều như hiện nay. Cụ thể, đất trồng lúa cần cho thời gian ít nhất lên tới 40 năm và đất trồng rừng, cây lâu năm lên tới 60-70 năm. Có như vậy, nhà đầu tư mới yên tâm đầu tư cho sản xuất.