Nâng cao hiệu quả của hệ thống điện
- Dự báo, tổng sản lượng điện thương phẩm toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015 sẽ tăng trưởng 12,7%/năm và đến giai đoạn 2016-2020 sẽ là 11,4%/năm. Điện năng thương phẩm bình quân năm 2015 là 2.220 kWh/người và tăng lên 3.488 kWh/người vào năm 2020. Để đáp ứng nhu cầu này, Hà Nội đang gặp khó khăn lớn nhất từ lưới điện
Lưới điện chưa đáp ứng nhu cầu phụ tải
Hiện nay, hệ thống lưới điện 220kV của thành phố được cấp từ 5 trạm 220kV với tổng công suất 2.375MVA và được hỗ trợ cấp điện từ các trạm 220kV Phố Nối công suất 375MVA, Vĩnh Phúc công suất 125MVA và Phủ Lý công suất 125MVA. Từ đầu năm 2009, nhiều trạm 220kV đã đầy tải và quá tải, không đủ công suất dự phòng khi sự cố, luôn đe dọa độ an toàn cung ứng điện. Mặc dù EVN đã đầu tư nâng công suất cho 3 trạm 220kV Chèm, Hà Đông, Mai Động, giải quyết tạm thời tình hình cấp điện cho Hà Nội giai đoạn 2010-2011 nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu tải điện cho thành phố. Bán kính cấp điện ở các trạm còn dài, tiết diện đường dây nhỏ nên một đường dây bị sự cố cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Các trạm 220kV cấp điện cho khu vực nội thành chưa được liên kết mạch vòng, trung tâm thành phố chưa có trạm 220kV, các đường dây 220kV chưa có sự liên kết nên các nguồn cấp điện cho Hà Nội không hỗ trợ được nhau.
Ông Bùi Duy Dụng, Phó Tổng giám đốc EVN Hà Nội cho biết, mùa khô vừa qua, đã có lúc Hà Nội dùng tới 90% công suất, nghĩa là không còn dự phòng. Theo tính toán, phụ tải cực đại của Hà Nội năm 2015 vào khoảng 3.220MW và năm 2020 lên tới 5.240MW, ứng với điện thương phẩm là 16.196 triệu kWh và 27.753 triệu kWh. Nếu nhu cầu phụ tải tăng trưởng đúng như dự báo thì nguy cơ quá tải nghiêm trọng chắc chắn sẽ xảy ra, thậm chí có nơi quá tải tới 159%. Trong tình trạng hệ thống lưới điện truyền tải 110kV phần lớn đã đầy tải, hầu hết các đường dây 110kV đều vận hành hở nên tổn thất lớn, độ tin cậy giảm thì ngay trong mùa hè năm 2012 và các năm sau rất dễ xảy ra tình trạng cả nước đủ điện nhưng Hà Nội có thể phải tiết giảm cắt điện luân phiên tới 15-20% phụ tải.
Nâng cao hiệu quả của hệ thống điện
Nhằm góp phần giảm tổn thất điện năng, phát triển hài hòa giữa phát triển nguồn và lưới điện với chất lượng điện tốt nhất, Hà Nội dự kiến đầu tư hơn 20.733 tỷ đồng thực hiện phân vùng phụ tải.
Cụ thể, lưới truyền tải 500, 220, 110kV được thiết kế với cấu trúc đa mạch vòng, trong đó lưới 500kV là vòng ngoài, tiếp đến là vòng 220kV và các vòng 110kV. Các trạm biến áp 500kV được xây dựng, cải tạo mở rộng với 710 máy biến áp 1 pha công suất đến 300MVA, trong đó có 1 máy dự phòng. Đường dây 500kV sử dụng dây dẫn có tiết diện trên 330mm2,trường hợp truyền tải công suất lớn có thể dùng dây phân pha trên 400mm2. Cột đường dây 500kV sử dụng cột thép nhiều mạch để có thể kết hợp nhiều cấp điện áp.
Để có đủ dự phòng công suất khi xảy ra sự cố hoặc sửa chữa, các trạm biến áp 220, 110kV cũng được thiết kế mang tải không lớn hơn 75% công suất định mức ở chế độ vận hành bình thường. Cải tạo lưới trung áp từ 6 - 10kV lên 22kV để tiêu chuẩn hóa vận hành lưới điện trung áp thành phố Hà Nội ở cấp điện áp 35 - 22kV.
Lưới trung thế tại khu vực nội thành, thị trấn, thị tứ, khu công nghiệp và khu đô thị được thiết kế mạch vòng vận hành hở được cấp điện từ 2 trạm biến áp 110kV hoặc từ 2 thanh cái phân đoạn của trạm 110kV có 2 máy biến áp, mang tải từ 60-70% công suất định mức. Khu vực nông thôn ngoại thành, khu vực phụ tải đơn lẻ được thiết kế hình tia. Hệ thống các trạm trung áp phải đảm bảo cung cấp điện trong vòng bán kính từ 50 - 300m với khả năng mang tải 65% trở lên. Nâng cao chất lượng và khả năng tải của 1.027 km đường dây hạ áp. Xây dựng mới 2.635 km đường dây hạ áp, lắp đặt thêm 1.346.530 công tơ.Ngoài các công trình đã và đang triển khai đầu tư xây dựng, giai đoạn 2011-2015, Hà Nội sẽ xây dựng mới và cải tạo 236 km đường dây 220kV, 517 km đường dây 110kV, tổng dung lượng xây dựng mới và cải tạo trạm 220kV là 3.250MVA và trạm 110kV là 2.499MVA.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Theo các chuyên gia, việc qui hoạch phát triển lưới điện bước đầu thực hiện phân vùng phụ tải, thiết kế kết cấu lưới điện phù hợp phân khu chức năng và phát triển mô hình chùm đô thị với đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh. Qui hoạch cũng góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống điện, giảm tổn thất điện năng, bảo đảm các các mục tiêu về tiết kiệm năng lượng.
Tuy nhiên, vấn đề dư luận lo ngại là việc thực hiện sẽ không đơn giản. Thực tế, các dự án giai đoạn 2005-2010 cũng đặt ra mục tiêu rất rõ ràng nhưng việc thực hiện rất chật vật. Đến cuối năm 2010, tất cả các công trình lưới điện 220 kV xây mới đều không thực hiện được. TBA 110 kV cũng chỉ hoàn thành 3/4 trạm và khối lượng đường dây 110 kV đạt 13,4%. Các công trình nâng cấp cải tạo TBA 110 kV cũng chỉ đạt 81,6%, đường dây 110 kV chỉ đạt 73,8%. Ngay các công trình trọng điểm cấp bách thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP Hà Nội cũng cũng chỉ có 3/11 MBA 220 kV đóng điện được, 9/12 TBA 110 kV được cải tạo và 2/11 TBA 110 kV được xây mới. Đường dây 220 kV và 110 kV thì không xây mới được công trình nào. Lý do cơ bản là thiếu vốn và không có mặt bằng để thi công. Thủ tục hồ sơ xin cấp đất cũng rất rườm rà phức tạp. Sự thiếu đồng bộ giữa các ban ngành, địa phương, những vướng mắc về quy hoạch đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ.
Với mục tiêu đảm bảo chất lượng cung cấp điện, an toàn, tin cậy và mỹ quan đô thị, Hà Nội đang chỉ đạo các ban ngành, đơn vị liên quan tranh thủ mọi nguồn vốn để triển khai các công trình, đặc biệt là nguồn vốn vay nước ngoài với lãi suất thấp. Ngoài việc tuân thủ theo đúng quy hoạch, các dự ánphải được tính kỹ hiệu quả kinh tế, xã hội và tiết kiệm.
Việc hạ ngầm lưới điện để đảm bảo mỹ quan đô thị cũng được đặc biệt chú trọng với mục tiêu đến năm 2015, toàn thành phố sẽ ngầm hóa 35 - 40%, riêng khu vực trung tâm ngầm hóa 90- 100%. Khó khăn nhất là vấn đề tài chính sẽ được UBND thành phố báo cáo và thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ. UBND thành phố Hà Nội sẽ bố trí quỹ đất theo quy hoạch đã được phê duyệt. EVN Hà Nội và NPT được giao trách nhiệm lập kế hoạch và phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất cho các công trình điện. Đặc biệt, do vốn dành cho ngành điện còn hạn hẹp nên địa phương sẽ xem xét hỗ trợ lưới điện phân phối.Theo các chuyên gia, để đẩy nhanh tiến độ các công trình, các ban ngành, các ban ngành cần tăng cường quản lý Nhà nước để việc đầu tư phát triển điện lực theo đúng quy hoạch được duyệt. Các địa phương cần giảm bớt các thủ tục hành chính và giải quyết thỏa đáng trong các khâu lựa chọn địa điểm, giải phóng mặt bằng, đền bù, di dân, tái định cư.
Ngọc Loan