Kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực bán lẻ: Hành vi tiêu dùng là nhân tố quan trọng Giải pháp giảm thiểu chất thải, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn |
Ông Cù Huy Quang – Phó Chánh văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương |
Để xanh hóa các hoạt động sản xuất và tiêu dùng, trong những năm qua, bên cạnh công tác hoàn thiện chính sách, đào tạo nhân lực quản lý cho lĩnh vực này cũng được Bộ Công Thương hết sức quan tâm. Nhằm tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Vuasanca đã có cuộc trao đổi với ông Cù Huy Quang – Phó Chánh văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương.
Thưa ông, trong Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn đoạn 2021-2030 (Chương trình SCP), nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đóng vai trò như thế nào?
Chương trình SCP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 889/QD-BCT ngày 24/6/2020, mục tiêu giảm mức tiêu hao nguyên vật liệu từ 5 đến 7% trong giai đoạn đến năm 2025 và giảm từ 7 đến 10% trong giai đoạn đến năm 2030 của các ngành sản xuất chính như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu, bia, nước giải khát, giấy, chế biến thủy - hải sản và một số ngành sản xuất khác.
Đây là mục tiêu quan trọng trong chiến lược chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn, trong đó bắt đầu từ quá trình quản lý khai thác tài nguyên bền vững đến sản xuất bền vững, phân phối bền vững, tạo ra lối sống bền vững, tiêu dùng bền vững và quản lý chất thải bền vững, bảo vệ môi trường và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ sang nền kinh tế xanh, ít phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, công tác đào tạo nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Chương trình không chỉ đào tạo được đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững mà còn đào tạo cho các cán bộ thuộc doanh nghiệp, đồng thời nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ quản lý nhà nước tại địa phương nhằm quản lý và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nắm bắt và chuyển đổi mô hình sản xuất sang các mô hình sản xuất xanh, bền vững.
Ông đánh giá gì về hiện trạng nguồn nhân lực cho sản xuất và tiêu dùng bền vững tại các địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ tư vấn, thưa ông?
Thông qua quá trình triển khai thực hiện Chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp giai đoạn 2009-2020 theo Quyết định số 1419/QD-TTg ngày 07/9/2009, Bộ Công Thương đã đào tạo được đội ngũ cán bộ quản lý về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp tại địa phương cũng như đội ngũ chuyên gia tư vấn về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp tương đối đầy đủ và chuyên sâu.
Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ quản lý, tư vấn này đã có nhiều thay đổi về số lượng cũng như chất lượng cần được nâng cao vì Chương trình SCP tiếp cận theo vòng đời sản phẩm, tức là từ khâu khai thác, sản xuất, phân phối, thu hồi, tái chế, tái sử dụng cho đến khâu thải ra môi trường. Do vậy, việc đào tạo nâng cao về những giải pháp mới, toàn diện hơn từ khai thác, sản xuất tới phân phối và quản lý chất thải đối với đội ngũ cán bộ quản lý tại địa phương trong thời gian tới rất cần thiết.
Ngoài ra, nguồn nhân lực được xem là yếu tố cốt lõi, quyết định mọi sự thành công của doanh nghiệp. Vì vậy, việc đào tạo cho các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về chuyển đổi sang các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuàn hoàn, hướng đến phát triển bền vững cũng là ưu tiên của chúng tôi trong thời gian tới.
Công tác đào tạo thời gian tới cho hoạt động này sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?
Như đã trao đổi, thông qua triển khai các hoạt động thuộc Chương trình SCP, chúng tôi sẽ tập trung vào đào tạo nâng cao cho đội ngũ cán bộ quản lý tại địa phương, các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững và cán bộ thuộc các doanh nghiệp.
Về nội dung đào tạo, chúng tôi tập trung vào các giải pháp khai thác và quản lý tài nguyền bền vững; thiết kế sinh thái, thiết kế bền vững nhằm xem xét và tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường ngay từ khâu thiết kế; các giải pháp và các mô hình sản xuất bền vững; quá trình phân phối bền vững bao gồm cả thay đổi hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng; các mô hình về thu hồi, tái chế, tái sử dụng và các nội dung về quản lý chất thải.
Xin cảm ơn ông!