Nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam tại thị trường EU thông qua chứng nhận bên thứ ba
Thị trường tiềm năng cho nông sản Việt
Nói đến EU là nói đến một thị trường tiềm năng đối với mặt hàng nông sản của Việt Nam. Quy mô thị trường rộng lớn và nhu cầu theo mùa của EU chính là cơ hội thuận lợi cho các nhà cung ứng ở các nước có khí hậu nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.
Nông sản Việt Nam có tiềm năng tại thị trường EU |
Với thế mạnh về sản xuất nông sản nhiệt đới đặc trưng, Việt Nam có triển vọng trở thành nguồn cung ứng nông sản ổn định cho thị trường EU khi thị trường này ngày càng có nhu cầu nhập khẩu cao đối với các sản phẩm nông sản nhiệt đới.
Tuy nhiên hiện tại thị phần hàng nông sản của Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ hết sức khiêm tốn trong tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm của EU từ thị trường ngoại khối, phần nhiều mang tính bổ trợ. Bên cạnh đó,
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 01/8/2020 đã và đang là cơ hội để nông sản Việt Nam gia tăng giá trị xuất khẩu và mở rộng thị phần; đồng thời cũng tạo sức ép để ngành nông sản nâng cao năng lực sản xuất nội tại, sức cạnh tranh, chinh phục thành công các thị trường cao cấp. Đồng thời, EVFTA cũng thúc đẩy mạnh mẽ thu hút đầu tư trực tiếp từ EU và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ chế biến sâu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng nông sản của Việt Nam, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Vượt qua rào cản
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường EU cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ quá trình chế biến nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, chế biến nông sản. Đồng thời phải có các phương pháp canh tác/biện pháp sản xuất phù hợp để đảm bảo các nguyên vật liệu đầu vào không tồn dư các chất cấm theo yêu cầu của thị trường EU.
Để làm được việc đó, đối với hoạt động sơ chế, chế biến cần thiết phải áp dụng các hệ thống quản lý liên quan đến an toàn thực phẩm ISO 22000, HACCP, … để kiểm soát tốt các mối nguy phát sinh trong quá trình sơ chế, chế biến, hạn chế tối đa các mối nguy mất an toàn vệ sinh thực phẩm trên sản phẩm do quá trình sơ chế, chế biến mang lại, đồng thời là cơ sở cho việc cải tiến thường xuyên liên tục nhằm thích ứng với những thay đổi của thị trường.
Trong số các tiêu chuẩn trên thì tiêu chuẩn FSSC 22000 là tiêu chuẩn chứng nhận đã được Sáng kiến An toàn Thực phẩm Toàn cầu (GFSI - Global Food Safety Initiative) công nhận và thường được các đối tác tại EU yêu cầu áp dụng.
Đối với hoạt động sản xuất các sản phẩm/nguyên vật liệu nông sản tươi sống, để kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường EU, trong đó là kiểm soát việc sử dụng hoá chất/thuốc bảo vệ thực vật hoá học nhằm đảm bảo dư lượng hoá chất/thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường EU và có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường EU một cách bền vững. Để làm được điều đó, việc áp dụng các tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalG.A.P…) hay các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ có ý nghĩa quyết định trong việc kiểm soát dư lượng hoá chất/thuốc bảo vệ thực vật hoá học trên sản phẩm.
Tuy nhiên, việc áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalG.A.P…) ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự giải quyết triệt để được bài toán về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoá học trên sản phẩm do các nguyên nhân: Chưa đồng bộ giữa danh mục thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và của EU, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật mặc dù vẫn được sử dụng ở Việt Nam nhưng đã bị cấm ở thị trường EU.
Bên cạnh đó, nhiều nhà xuất khẩu ở Việt Nam đang tiến hành thu gom sản phẩm từ rất nhiều nhà cung cấp sau khi có đơn hàng. Trong khi đó bản thân các nhà sản xuất thường không phải là đơn vị xuất khẩu trực tiếp do vậy bản thân các nhà sản xuất thường không nắm được một cách chính xác thị trường tiêu thụ sản phẩm, để có thể điều chỉnh bộ thuốc BVTV cho phù hợp. Do vậy để hạn chế được các nguy cơ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì các đơn vị xuất khẩu cần thiết phải có định hướng, kiểm soát cụ thể từ vùng nguyên liệu, thậm chí là tập trung vào các mặt hàng nông sản hữu cơ là vô cùng cần thiết để hạn chế các rủi ro khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Thị trường EU đang chấp nhận một số chứng nhận như chứng nhận GLOBALG.A.P., chứng nhận nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn của EU, hay FSSC 22000 đối với thực phẩm sơ chế, chế biến như điều kiện tiên quyết để xuất khẩu sản phẩm nông sản vào thì trường này (EU còn kết hợp với việc kiểm tra ngẫu nhiên các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm đang được lưu thông).
Do vậy nhà sản xuất của các nước xuất khẩu phải được chứng nhận nếu muốn xuất khẩu vào EU. Ở nước ta hiện nay, các doanh nghiệp muốn chứng nhận theo các tiêu chuẩn FSSC 22000, Nông nghiệp hữu cơ EU đang bắt buộc phải sử dụng các dịch vụ chứng nhận của cáctổ chức nước ngoài (ngoài trừ đối với GLOBALG.A.P.) với chi phí tương đối cao. Đây là những rào cản đối với nông sản Việt Nam đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều bên liên quan.
Trong khuôn khổ chương trình quốc gia “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2023”, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) được Bộ Khoa học và Công nghệ giao chủ trì nhiệm vụ “Nâng cao năng lực cho tổ chức chứng nhận trong nước để thực hiện chứng nhận nông sản xuất khẩu vào thị trường châu Âu”.
Theo đó, nhiệm vụ thực nghiên cứu để xây dựng năng lực cho tổ chức chứng nhận, đạt được công nhận, thừa nhận của EU và FSSC đối với hoạt động cung cấp dịch vụ chứng nhận theo tiêu chuẩn NHHC Eu và tiêu chuẩn FSSC 22000. Từ đó, dịch vụ cung cấp của QUACERT sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đạt được các chứng nhận với mức chi phí tốt hơn so với dịch vụ của các tổ chức nước ngoài. Với việc đạt được công nhận, thừa nhận, chứng chỉ do QUACERT cấp ra sẽ được thừa nhận rộng rãi trên thị trường EU.