Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Lào và Thái Lan Vì sao hàng Việt khó mở rộng thị phần tại thị trường Lào, Thái Lan? |
Thị trường Lào là đích đến của nhiều doanh nghiệp Việt Nam bởi khá “dễ tính”, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm không cao và chấp nhận hầu hết các chứng nhận về tiêu chuẩn của các nước xuất khẩu. Lào cũng là quốc gia nhập khẩu phần lớn hàng hoá phục vụ tiêu dùng trong nước, hàng Việt được người dân Lào đánh giá cao.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt 708,2 triệu USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 247,2 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Lào gồm sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, phân bón các loại, sản phẩm từ chất dẻo, rau quả.
Dù có nhiều điểm thuận lợi cho xuất khẩu nhưng hàng Việt hiện yếu thế hơn hàng Thái trên thị trường Lào. Nguyên do được bà Lê Thị Phương Hoa - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Lào, lý giải: Vị trí địa lý của Lào và Thái Lan rất gần nhau, từ phía Đông Bắc của Thái Lan đi sang thủ đô Viêng Chăn của Lào có thể đi lại trong ngày. Phía Nam của Lào sát với các tỉnh của Thái Lan thuận lợi cho vận chuyển với chi phí rẻ, thời gian nhanh.
Cuối năm 2021, tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung Quốc đã đi vào vận hành, hàng hóa vận chuyển lên vùng Bắc Lào thuận tiện hơn, do vậy hàng Thái phổ cập cũng nhanh hơn. Trong khi hàng Việt muốn đi lên vùng Bắc Lào phải đi từ biên giới vào thủ đô Viêng Chăn, sau đó mới có thể dùng tuyến đường sắt này vận chuyển. Như vậy, hàng Việt đã chậm hơn 1 nhịp so với hàng Thái.
Với tuyến đường sắt này, di chuyển từ thủ đô Viêng Chăn của Lào đến cửa khẩu biên giới Lào- Trung Quốc chỉ mất hơn ba giờ đồng hồ, vận chuyển hàng hóa rất nhanh và rẻ. Hàng Việt ngoài cạnh tranh với hàng Thái Lan còn phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh với hàng giá rẻ Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đang thực hiện chính sách zero Covid, mức độ cạnh tranh chưa cao nhưng khi quốc gia này kiểm soát được dịch và mở cửa chắc chắn hàng Việt sẽ gặp đối thủ “nặng ký”.
Hàng Việt đang chịu sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường Lào |
Mặt khác, ngôn ngữ Lào và Thái Lan khá tương đồng. Người dân Lào xem kênh tivi, Facebook của Thái Lan thường xuyên do vậy có sự gần gũi và dễ hiểu. Hơn nữa, chiến lược marketing, bán hàng của doanh nghiệp Thái Lan rất linh hoạt, kênh phân phối chuyên nghiệp. Ví dụ, ở Việt Nam có hệ thống siêu thị BigC thì ở Lào có chuỗi siêu thị mini BigC đáp ứng đúng phân khúc và năng lực tiêu dùng của người dân Lào.
Hệ thống phân phối hàng Việt tại Lào chưa được quan tâm, hàng hoá chủ yếu vẫn bán tại một số cửa hàng nhỏ lẻ. “Hiện đã có doanh nghiệp đầu tư chuỗi siêu thị Vmart tại Lào nhưng hàng Việt bán trong đó chưa nhiều, hàng Thái vẫn chiếm ưu thế do lợi thế về giá”, bà Hoa nói.
Theo bà Hoa, trước đây, người Việt kinh doanh tại Lào nhiều, là kênh để bán hàng Việt nhưng trong thời gian Covid-19, người dân về Việt Nam tránh dịch. Khi dịch ổn định bà con quay lại gặp khó khăn vì chi phí nhập cảnh cao, thời gian ở lại tốn chi phí.
Mặt khác, mật độ dân cư thưa, sau hai năm ảnh hưởng dịch bệnh cộng thêm cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến cho giá nhiên liệu tại Lào tăng cao, khan hiếm, dẫn đến giá cả tiêu dùng tăng, lạm phát tăng. Điều này càng khó khăn hơn cho bà con đưa hàng Việt thâm nhập thị trường Lào.
Dù có nhiều thách thức nhưng đại diện Thương vụ Việt Nam tại Lào vẫn khẳng định hàng Việt có khả năng mở rộng xuất khẩu sang Lào. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần hiểu rõ thói quen và văn hoá tiêu dùng của người dân Lào.
Theo đó, để hoá giải vấn đề bất đồng ngôn ngữ, khi sang Lào, hàng hoá cần được dán tem, nhãn bằng tiếng Lào để người tiêu dùng có thể đọc được tên sản phẩm, công dụng, cách dùng sản phẩm. Điều này cũng để đáp ứng quy định trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng của Lào: Hàng hóa lưu thông trong nước phải dán mác bằng tiếng Lào, trong đó ghi cụ thể về loại hàng, nhãn hiệu, nơi sản xuất, nguyên liệu, nhà nhập khẩu, phân phối, nước sản xuất, giá tiền, hạn sử dụng; logo của sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường do Bộ Văn hóa Thông tin quy định.
Doanh nghiệp cũng cần làm thương hiệu để ăn vào nếp tiêu dùng và tạo được uy tín, dành niềm tin với người tiêu dùng Lào.
Trong tìm kiếm đối tác mới, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Lào gợi ý: Doanh nghiệp tham gia các hội chợ thương mại để xúc tiến thương mại và không chỉ tham gia hội chợ quy mô quốc gia mà nên tham gia cả hội chợ cấp địa phương sẽ giúp hàng Việt thâm nhập sâu hơn với cuộc sống của người Lào.
Với những doanh nghiệp quan tâm mà không có điều kiện sang Lào để quảng bá sản phẩm, Thương vụ Việt Nam tại Lào định kỳ lập danh sách doanh nghiệp gửi đến các cơ quan đầu mối của Lào để thông tin tới doanh nghiệp nước sở tại.