Xin ông cho biết một số đánh giá về những cơ hội và thách thức mà Hiệp định EVFTA đem lại đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói riêng, nền kinh tế nói chung?
Ngành gỗ sẽ có cơ hội tăng xuất khẩu khi EVFTA được thực thi |
Ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra cơ hội, điều kiện để DN Việt Nam tiếp cận một trong những thị trường lớn hàng đầu thế giới với nhu cầu đa dạng, chất lượng rất cao. Không chỉ vậy, đây là điều kiện để chúng ta khơi thông dòng chảy đầu tư có chất lượng cao từ thị trường EU, bởi vốn dĩ, Liên minh châu Âu (EU) luôn là nơi khởi nguồn của rất nhiều chuỗi giá trị toàn cầu chất lượng hàng đầu thế giới. Mặt khác, hiệp định sẽ là nhịp cầu không chỉ riêng dòng đầu tư từ EU mà nguồn đầu tư của các quốc gia khác ngoài EU cũng sẽ đổ về Việt Nam. Qua đó, sẽ có thêm cơ hội xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) |
Bên cạnh đó, hợp tác kinh doanh với EU cũng là cơ hội để nâng cấp và nâng tầm hoạt động kinh doanh. Bởi kinh doanh với EU đồng nghĩa chúng ta phải thích ứng với yêu cầu, đòi hỏi khắt khe từ đối tác; bắt buộc tuân thủ đòi hỏi các chuẩn mực rất cao về trách nhiệm xã hội, quan hệ lao động, môi trường. Mặt khác, so với các hiệp định thương mại tự do khác, với EVFTA, hợp tác giữa các nền kinh tế có tính bổ sung, bổ trợ, cộng sinh tương tác lẫn nhau rất rõ, nên trong quá trình thực thi hiệp định, cả hai bên cùng được lợi. Tuy nhiên, không chỉ có cơ hội mà các thách thức phía trước rất lớn khi gia nhập thị trường EU, trong đó có DN phải đảm bảo yêu cầu về xuất xứ. Với EU, quy định xuất xứ hàng hóa rất nghiêm ngặt, đòi hỏi phải có nguyên liệu, vật tư từ nền kinh tế Việt Nam hoặc từ EU. Mặt khác, khi mở cửa thị trường, chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh với các DN hàng đầu thế giới. Rất nhiều lĩnh vực từ EU có mức độ cạnh tranh với trình độ rất cao, nên DN cần không ngừng thúc đẩy, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình.
Hiệp định EVFTA được nhận định sẽ gia tăng áp lực về mặt thể chế. Theo ông, cần tháo gỡ các điểm nghẽn từ vấn đề này ra sao?
Ký kết EVFTA cũng như đang đi trên “con đường cao tốc” để đến với thị trường rộng lớn của thế giới. Vì vậy, muốn DN Việt Nam thành công trên “con đường cao tốc” này, chính “con đường thể chế” trong nội bộ nền kinh tế Việt Nam cũng phải tăng tốc. Trước hết, Chính phủ, các bộ, ngành cần cải thiện nhanh chóng về thể chế, các điều kiện kinh doanh gây khó khăn, cản trở DN trong nước. Đây là điều cốt lõi quyết định thành công của DN, hướng tới cạnh tranh trên thị trường EU.
Trong “sân chơi” hội nhập, nếu người dân, DN vừa và nhỏ không được hưởng lợi, chưa thể thành công. Theo đó, làm thế nào để lợi ích của người dân, DN vừa và nhỏ có thể tham gia vào chuỗi giá trị là nhiệm vụ của cơ chế từ Chính phủ. Trước mắt, Chính phủ sẽ có một khối lượng công việc đồ sộ cần giải quyết, từng bước tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, cũng nhưng tích cực đổi mới hệ thống pháp luật để chúng ta tuân thủ cam kết, vượt lên cam kết với EU, thúc đẩy cộng đồng DN, đặc biệt là cộng đồng DN vừa và nhỏ, tự tin trong “sân chơi” lớn này.
Khi quá trình đàm phán khép lại, chúng ta bước vào giai đoạn thực thi Hiệp định EVFTA, DN sẽ đóng vai trò chính. Theo ông, cộng đồng DN cần lưu ý vấn đề gì để có thể thụ hưởng lợi ích do hiệp định này mang lại?
Đối với cộng đồng DN, trước hết, phải lập tức tìm hiểu, tìm kiếm kỹ những quy định, cam kết của Hiệp định EVFTA liên quan đến lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh của mình. Tuy nhiên, không thể tìm hiểu chung chung, vĩ mô, cần cụ thể, thực tế. Mặt khác, muốn hiệu quả, DN cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội DN, ngành nghề. Trên cơ sở đó, để định vị lại mình trong bối cảnh thực thi hiệp định, cần sớm thay đổi cách thức quản trị DN, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng các nền tảng hiện đại trong sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi gắt gao từ đối tác. Ngoài ra, DN cần chủ động, tích cực tìm kiếm nhà cung ứng đáp ứng được quy tắc xuất xứ và tìm được những đối tác kinh doanh phù hợp từ EU.
Thực thi Hiệp định EVFTA, muốn thành công, cộng đồng DN Việt Nam cần nỗ lực toàn diện để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, cần đầu tư mạnh về công nghệ hạ tầng bởi đây là yếu tố quyết định thành công trong “sân chơi” hội nhập.
Xin cảm ơn ông!