CôngThương - Nguy cơ vỡ nợ
Mỹ chưa hề vỡ nợ và Đảng Dân chủ cũng như Đảng Cộng hòa cho biết họ không muốn điều đó xảy ra lúc này. Tuy nhiên, với tình trạng căng thẳng giữa hai đảng đã lên cao độ và việc hai đảng vẫn còn bất đồng về cách ngăn chặn thâm hụt ngân sách, điều không thể tưởng tượng là việc Mỹ vỡ nợ bất ngờ được đưa ra xem xét.
Hiện trong 1 USD mà Chính phủ chi tiêu có đến 42 cent là tiền đi vay. Chúng ta có thể hình dung được rằng một ngày gần đây, khi nợ công của Mỹ vượt mức trần 14.3 ngàn tỷ USD và Quốc hội không thể nâng mức nợ trần, toàn bộ nền kinh tế có thể gánh chịu tổn thất rất lớn, và cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến từng người dân Mỹ cũng như khiến các thị trường toàn cầu chao đảo.
Mỹ sẽ vỡ nợ nếu Chính phủ không thể hoàn thành các cam kết tài chính, bao gồm việc thanh toán các khoản vay hoặc lãi suất của các khoản vay này. Chính phủ Mỹ vay mượn chủ yếu thông qua việc bán trái phiếu đến các cá nhân và chính quyền địa phương với cam kết thanh toán trong một khoản thời gian nhất định và đồng ý trả lãi suất đều đặn cho số trái phiếu này.
Quỹ đầu tư, ngân hàng và khối ngoại về đâu?
Một trong những đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng trực tiếp sẽ là các quỹ đầu tư nắm giữ chứng khoán kho bạc; các ngân hàng mua trái phiếu trực tiếp từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và bán lại cho các khách hàng, bao gồm các quỹ tương hỗ và quỹ hưu trí; và cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài, đối tượng nắm giữ gần 50% chứng khoán kho bạc Chính phủ Mỹ.
Nếu Mỹ không thể thanh toán được lãi suất hay các khoản vay, những người cho vay sẽ yêu cầu lãi suất cao hơn đối với số trái phiếu mới, tương tự như tại Hy Lạp, Bồ Đào Nha và các quốc gia nợ nần khác.
Đến một thời điểm nào đó, Chính phủ Mỹ sẽ phải cắt giảm chi tiêu cho một số lĩnh vực nhằm tạo điều kiện cho việc bán trái phiếu và tín phiếu kho bạc. Động thái này có thể cắt xén bớt các khoản thanh toán đối với các nhà thầu liên bang và tác động đến chương trình phúc lợi xã hội, các khoản thanh toán trợ cấp khác của Chính phủ, cũng như lương cho viên chức liên bang.
Hộ gia đình "mất trắng" 50% tài sản
Việc nỡ nợ cũng sẽ châm ngòi cho sự hoảng loạn trong lĩnh vực tài chính như năm 2008 và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái trở lại trong lúc tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao và tình hình thị trường nhà ở vẫn còn xấu. Chủ tịch FED Ben Bernanke cho rằng sự thất bại trong việc nâng trần nợ sẽ khiến đà phục hồi của nền kinh tế tạm dừng. Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ lao dốc, cướp đi xấp xỉ 50% tài sản của các hộ gia đình hay cá nhân tại Mỹ có nắm giữ cổ phiếu hay các quỹ hưu trí 401(k).
Do đó, lãi suất đối với các loại hình tín dụng sẽ gia tăng. Các loại hình tín dụng này bao gồm các khoản vay doanh nghiệp, tiêu dùng đến các khoản vay thế chấp, các khoản tài trợ, và thẻ tín dụng.
Tình trạng bế tắc kéo dài cũng có thể tiếp tục gây sức ép lên đồng USD và thách thức đến vị thế đơn vị tiền tệ dự trữ chủ chốt trên thế giới của đồng tiền này.
Trung Quốc và các quốc gia khác hiện đang nắm giữ khoảng 50% trong tổng số chứng khoán kho bạc Mỹ và có thể tiến hành bán tháo số trái phiếu này, đẩy lãi suất lên cao và làm gia tăng nợ công. Như vậy, Mỹ sẽ tiếp tục bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của lãi suất ngày càng cao và nợ công ngày càng phình to.
Mất dần tín nhiệm
Từ lâu, Mỹ là một trong những chuẩn mực toàn cầu về sự ổn định tài chính và mức độ tín nhiệm với việc các chứng khoán kho bạc được xem là một kênh đầu tư an toàn. Tuy nhiên, sau lần suýt đóng cửa của Chính phủ Mỹ và động thái hạ triển vọng tín nhiệm của Standard & Poors (S&P) trong tuần qua đã làm dấy lên nghi ngờ về sức khỏe của hệ thống tài chính Mỹ, trái phiếu và tín phiếu kho bạc Mỹ đang dần đánh mất tính hấp dẫn vốn có.
Nếu vấn đề nâng trần nợ rơi vào bế tắc, thì đến mùa hè này, Chính phủ không thể vay mượn thêm tiền một cách hợp pháp để thanh toán các hóa đơn, bắt đầu với việc trả lãi vay và dần dần là các hoạt động hàng ngày của liên bang. Đến một thời điểm nhất định, Chính phủ sẽ quyết định loại hóa đơn nào cần ưu tiên thanh toán trước và hóa đơn nào cần được đặt sang một bên.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết nước này sẽ chạm trần nợ vào khoảng ngày 16/05. Không giống như nguy cơ đóng cửa của Chính phủ, tác động của việc nâng trần nợ sẽ nhẹ hơn nhưng có thể mạnh dần đến khi tổn thất quá nghiêm trọng đến nỗi không có nhà lãnh đạo chính trị hay nhà kinh tế nào muốn dự báo về điều này. Tuy nhiên, ngày chạm trần nợ có thể trì hoãn ít nhất cho tới tháng 7 nếu Mỹ có các biện pháp kế toán sáng tạo.
Khi Nhà Trắng từ chối gói giải cứu ngân hàng trị giá 600 tỷ USD của chính quyền cựu Tổng thống Bush vào tháng 9/2008, chỉ số Dow Jones lao dốc khoảng 778 điểm. Một vụ sụp đổ tương tự đã xảy ra vào thứ Hai tuần trước khi S&P hạ triển vọng tín nhiệm của Mỹ từ “ổn định” xuống “tiêu cực”. Đây có thể là bước đi đầu tiên nhằm hạ mức xếp hạng tín nhiệm AAA của Mỹ.
Nhà kinh tế trưởng David Wyss của S&P cho biết: “Chúng tôi chưa hạ bậc tín nhiệm của Mỹ nhưng nếu nước này không có bất kỳ biện pháp nào, chúng tôi sẽ phải thực hiện điều này”.
Bài toán nâng trần nợ
Người phát ngôn Hạ viện John Boehner và đa số các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa đều nhất trí cần phải nâng trần nợ và không muốn chịu trách nhiệm cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Dù vậy, họ muốn Tổng thống Obama cắt giảm chi tiêu mạnh hơn trước đây. Trong khi đó, các nghị sỹ Đảng Dân chủ cho rằng Tổng thống Obama đã nhân nhượng quá nhiều.
Một lý do khiến hai Đảng không tìm được tiếng nói chung là nguyên nhân gây nên thâm hụt ngân sách cao. Các nghị sỹ Đảng Dân chủ đổ lỗi cho chính sách của cựu Tổng thống George W. Bush: hai cuộc chiến tranh, các biện pháp cắt giảm thuế, và chương trình y tế đắt đỏ. Đảng Cộng hòa lại xem chi tiêu của chính quyền Tổng thống Obama là thủ phạm.
Trên thực tế, nguyên nhân chính là cuộc suy thoái sâu từng khiến doanh thu thuế sụt giảm và dẫn đến các khoản chi tiêu hàng trăm tỷ USD. Được biết, nợ công của Mỹ đứng ở mức 9 ngàn tỷ USD vào năm 2007, tức trước cuộc Đại suy thoái và hiện sắp chạm mức trần 14.3 ngàn tỷ USD.
Dù các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa cho biết họ muốn tránh đẩy nền kinh tế vào cảnh hỗn loạn, nhưng có rất nhiều nghị sỹ Đảng Cộng hòa đe dọa từ chối việc nâng trần nợ trong bất kỳ trường hợp nào. Các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ người Mỹ phản đối việc nâng trần nợ là rất cao.
Trong vòng một thập kỷ qua, Mỹ đã nâng trần nợ tổng cộng 10 lần. Với vai trò là một thượng nghị sỹ, vào năm 2006, ông Obama đã bỏ phiếu phản đối việc nâng trần nợ của chính quyền Tổng thống Bush. Tuy nhiên, gần đây, ông đã xin lỗi vì đã phản đối một việc làm quan trọng đối với nước Mỹ.