Thị trường Nga từ lâu đã là đích ngắm của nhiều DN Việt Nam
CôngThương - Quan hệ kinh tế- thương mại Việt Nam và Liên bang Nga vốn có truyền thống từ lâu đời. Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga những năm gần đây tăng đều đặn. Năm 2011, Việt Nam xuất siêu sang Nga 593 triệu USD, chủ yếu là các mặt hàng điện thoại các loại, linh kiện, thủy hải sản, hàng dệt may, giày dép, rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, chè.
Việc Nga gia nhập WTO được kỳ vọng là cơ hội lớn để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường này. Gia nhập WTO, Nga cam kết hạ thuế suất nhập khẩu và một số cam kết cụ thể đối với 11 lĩnh vực dịch vụ. Tính trung bình, mức thuế ràng buộc cuối cùng (final bound tariff) Nga áp dụng cho hàng nhập khẩu xuống còn 7,8%; một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Nga chỉ chịu khoảng 75% thuế suất tối huệ quốc (MFN), trong đó có dệt may.
Hiện Việt Nam là nước đầu tiên được ưu tiên đàm phán đàm phán FTA với Liên minh hải quan (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan). Đây là một thuận lợi lớn để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, chuyển hướng sang thị trường các nước Liên Xô cũ và Đông Âu, khi mà các thị trường chính nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ đang rơi vào khủng hoảng.
Với việc FTA giữa Việt Nam và Liên minh hải quan được thành lập, hàng rào phi thuế quan (thủ tục hải quan, thanh toán hàng hóa, các quy định về kỹ thuật…) với thị trường này sẽ được rỡ bỏ, nhiều loại thuế sẽ được cắt giảm; điều kiện phát triển dịch vụ (trong đó có dịch vụ du lịch, kiều hối,...) và đầu tư sẽ thuận lợi hơn.Bên cạnh đó, các DN Việt Nam cũng sẽ phải chịu sức ép về cạnh tranh với những đối tác xuất khẩu mặt hàng tương tự tại thị trường Nga (khi Nga thực hiện cam kết gia nhập WTO); yêu cầu về các tiêu chuẩn và quy tắc xuất xứ hàng hóa…
Tuy nhiên, thuận lợi lớn đối với các DN đầu tư vào Nga, đó là hàng hóa của Việt Nam khá quen thuộc với người Nga và được người Nga rất ưa chuộng. Tại Nga, nhiều doanh nghiệp do người Việt quản lý và kinh doanh trong các lĩnh vực từ xây dựng, bất động sản, sản xuất hàng tiêu dùng cho đến bán buôn bán lẻ tại các trung tâm thương mại. Chính vì vây, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có được sự hậu thuẫn rất lớn từ các doanh nghiệp Việt Nam đã có lịch sử làm việc rất lâu dài tại Nga, có các mối quan hệ, sự hiểu biết văn hóa kinh doanh, văn hóa nước bản địa, kinh nghiệm giao thương...
Theo khuyến cáo từ Vụ thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), nghiên cứu kỹ các cam kết gia nhập WTO của Nga để sớm tận dụng được những cơ hội mở cửa thị trường của Nga là việc DN cần làm trong giai đoạn này. Đồng thời, ngoài mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp có thể tìm kiếm các cơ hội đầu tư và cung cấp dịch vụ vào Nga.
Bên cạnh đó, DN nên thông qua các kênh như Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, các Hiệp hội cũng như liên hệ trực tiếp với các Bộ, ngành nhà nước để kịp thời tham vấn với Đoàn đàm phán chính phủ trong quá trình đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam – Liên minh hải quan.
Năm 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Nga đạt trên 1,981 tỷ USD. Năm 2012, phấn đấu đạt 3 tỷ USD và con số này dự kiến sẽ là 5 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020 |