21 ngân hàng thương mại và 6 công ty tài chính được chấp thuận tăng vốn điều lệ Đầu năm, ngân hàng “ồ ạt” tăng vốn Thấy gì từ tình hình kinh doanh của Ngân hàng Quốc dân? |
Tăng vốn điều lệ lên hơn 11.800 tỷ đồng
Ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Theo đó, Đại hội đồng cổ đông NCB đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2024, với mục tiêu đạt 105.892 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 10% so với năm 2023; dư nợ cho vay khách hàng dự kiến đạt 64.344 tỷ đồng và huy động khách hàng đạt 86.050 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 16% và 8% so với cuối năm 2023.
NCB cũng quyết tâm tăng quy mô khách hàng đến cuối 2024 thêm 15%, đạt 1,15 triệu khách hàng. Lũy kế khách hàng sử dụng ứng dụng ngân hàng số NCB iziMobile đến cuối năm 2024 dự kiến đạt 595.051 khách hàng, tăng 34%; lũy kế số lượng thẻ tín dụng đạt 31.991 thẻ, tăng 28% so với năm 2023. Qua đó, ngân hàng kỳ vọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 6.075 tỷ đồng, tăng 24% so với kết quả 2023.
Để thực hiện kế hoạch này, NCB cho biết, sẽ đưa ra nhiều gói giải pháp tài chính mới “đo ni đóng giày” cho khách hàng. Theo đó, NCB sẽ tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân ở các đô thị lớn, có mức thu nhập từ khá trở lên; khách hàng thuộc hệ sinh thái của các doanh nghiệp lớn và các đối tác; gia tăng giá trị cho khách hàng hiện hữu thông qua các chính sách bán hàng, khuyến mãi. Đối với phân khúc khách hàng doanh nghiệp, NCB sẽ phát triển sản phẩm theo hướng “may đo” cho khách hàng lớn, khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, ra mắt sản phẩm trọn gói theo ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh để phù hợp với từng đối tượng khách hàng.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) được tổ chức ngày 13/4, tại Hà Nội |
Trước đó, năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng từ nền kinh tế chung, NCB vẫn hoạt động ổn định, đảm bảo an toàn hoạt động nhờ nắm bắt nhanh nhạy cơ hội thị trường và không ngừng đổi mới sản phẩm dịch vụ. Kết thúc 2023, NCB đã thành công cán mốc 1 triệu khách hàng theo mục tiêu đã đề ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Tổng tài sản đạt gần 96.250 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với cuối 2022 và vượt kế hoạch đề ra.
Đại hội đồng cổ đông NCB cũng thông qua tờ trình tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ và các tờ trình khác. Trong đó, năm 2024, NCB tiếp tục triển khai phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm 6.200 tỷ đồng. Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 5.602 tỷ đồng lên 11.802 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư sẽ được dùng bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh (5.300 tỷ đồng); công nghệ và chuyển đổi số (500 tỷ đồng); xây dựng nhận diện thương hiệu (200 tỷ đồng) và cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất (200 tỷ đồng).
Đại hội đồng cổ đông đồng ý giao/uỷ quyền cho HĐQT quyết định tất cả các công việc và vấn đề liên quan để tổ chức triển khai, thực hiện các công việc cần thiết theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm hoàn thành việc tăng vốn điều lệ theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và quy định nội bộ NCB.
Về tiến độ triển khai, Ngân hàng cho biết đã lập hồ sơ đề nghị và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. NCB đang triển khai các thủ tục tăng vốn theo quy định, bao gồm chuẩn bị hồ sơ trình Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận chào bán cổ phần riêng lẻ.
Bà Bùi Thị Thanh Hương, Chủ tịch HĐQT NCB chia sẻ với cổ đông tại đại hội |
Quyết liệt triển khai phương án cơ cấu
Bên cạnh các bước đi mang tính đột phá để hướng tới mục tiêu chiến lược mới, tại Đại hội, HĐQT NCB đã chia sẻ với cổ đông về công tác tái cơ cấu toàn diện ngân hàng. Theo đó, triển khai “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, NCB đã cùng Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (E&Y) triển khai đánh giá và nhận diện độc lập, khách quan, toàn diện về thực trạng ngân hàng, chủ động xác định mục tiêu và đưa ra giải pháp toàn diện cơ cấu lại ngân hàng. NCB cũng hợp tác với KPMG để đánh giá thực trạng hệ thống kiểm soát nội bộ, xây dựng lộ trình hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp với định hướng phát triển của NCB trong những năm tiếp theo.
Đến nay, NCB là tổ chức tín dụng đầu tiên hoàn thành việc xây dựng và trình lên NHNN phương án cơ cấu lại và được Ngân hàng Nhà nước cho ý kiến ngày 07/02/2024 vừa qua. Hiện phương án cơ cấu lại của NCB cơ bản đã được hoàn thiện theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, trong đó trình bày đầy đủ, toàn diện thực trạng hoạt động của NCB trên mọi khía cạnh, trên cơ sở đó xác định mục tiêu, giải pháp tổng thể, toàn diện khắc phục các vấn đề tồn tại và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng, đảm bảo NCB phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.
Trên cơ sở ý kiến của đại hội đồng cổ đông về Báo cáo tiến độ và kết quả xây dựng phương án cơ cấu lại, HĐQT NCB sẽ hoàn chỉnh, phê duyệt phương án cơ cấu lại theo quy định của Điều lệ Ngân hàng và tổ chức triển khai thực hiện. Ban kiểm soát có trách nhiệm tổ chức việc giám sát tiến độ và kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt.