Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thông báo, Phòng giao dịch Bạch Mai, chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội (địa chỉ tầng 2 - 3 nhà số 361 Bạch Mai, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chấm dứt hoạt động kể từ ngày 8/4.
Trước đó, trong tháng 3, SCB cũng đã chấm dứt hoạt động đối với Phòng giao dịch Điện Biên Phủ chi nhánh Tân Định (số 261 - 263 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh).
Kể từ tháng 10/2022 (khi bị kiểm soát đặc biệt) đến nay, SCB đã đóng cửa, dừng hoạt động 54 phòng giao dịch tại 9 tỉnh thành. Trong đó, đóng cửa 33 phòng giao dịch tại TP. Hồ Chí Minh, 8 phòng giao dịch tại Hà Nội, 5 phòng giao dịch tại Đà Nẵng. Các địa phương khác là: Hải Phòng, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Gia Lai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang mỗi địa phương đóng 1 phòng giao dịch.
Như vậy, sau hơn 1 năm bị kiểm soát đặc biệt, SCB đã đóng cửa hơn 1/4 số phòng giao dịch trên cả nước, trong khi vẫn giữ nguyên số chi nhánh ở mức 50. Đến nay, SCB chỉ còn 87 điểm giao dịch trên cả nước. SCB khẳng định mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch của SCB.
Ngân hàng SCB đóng cửa hơn 50 phòng giao dịch, lãi suất tiền gửi cũng ở mức thấp nhất thị trường |
Cùng với việc đóng cửa hơn 1/4 số phòng giao dịch, trong hơn 1 năm bị kiểm soát đặc biệt, thêm vào đó là xu hướng chung của thị trường, lãi suất huy động tại SCB cũng đã giảm rất mạnh. Trước đó, SCB từng áp dụng mức lãi suất lên tới gần 10% vào cuối năm 2022 và là một trong những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất hệ thống ngân hàng ở thời điểm đó. Tuy nhiên, hiện nay lãi suất tiền gửi tại SCB ở mức thấp nhất thị trường, có những kỳ hạn nhà băng này điều chỉnh giảm dưới mức lãi suất của nhóm Big4. Cụ thể, lãi suất tiền gửi tại SCB còn 1,6 - 3,9%/năm tại các kỳ hạn 1 - 36 tháng, áp dụng cho hình thức tiết kiệm thông thường, lãi cuối kỳ.
SCB vốn là ngân hàng có mạng lưới rộng lớn sau khi hợp nhất từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) vào năm 2012. Ở thời điểm đỉnh cao, SCB có vốn điều lệ 20.000 tỷ đồng và từng có thời điểm sở hữu tới 239 điểm giao dịch trên cả nước.
Tuy nhiên, việc nhóm cổ đông Vạn Thịnh Phát, đứng đầu là bà Trương Mỹ Lan, nắm cổ phần thao túng ngân hàng này trong nhiều năm đã dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng trong cho vay, khiến SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ năm 2022. Việc Ngân hàng Nhà nước đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt để ổn định hoạt động của ngân hàng này. Đây là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cũng lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank để tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng SCB.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu đề nghị tham gia cơ cấu lại SCB của một số nhà đầu tư để sớm trình Chính phủ phương án cơ cấu lại ngân hàng này theo quy định.