Đoàn công tác Bộ Công Thương kiểm tra tại đập thủy điện Nậm Pông (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) |
Siết quản lý kinh doanh đa cấp
Đối với hoạt động kinh doanh đa cấp, Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý doanh nghiệp (DN) không tuân thủ pháp luật, từng bước lập lại trật tự thị trường, bảo vệ quyền lợi cho người dân.
Đầu năm 2016, cả nước có 67 DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thì đến cuối năm 2016 và hết tháng 4/2017, loại hình DN này chỉ còn 36, giảm 46%. Số người tham gia bán hàng đa cấp giảm 44% so với cuối năm 2015 cho thấy nhận thức của người dân được cải thiện đáng kể.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tập trung vào công tác xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp. Theo đó, Bộ chủ trì xây dựng và trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp với nhiều điểm mới, chặt chẽ hơn, công khai, minh bạch hơn; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo và đề xuất bổ sung một số điều khoản trong Bộ Luật hình sự để ngăn chặn và hạn chế các hoạt động đa cấp bất chính.
Bảo đảm an toàn môi trường
Trên quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, với quyết tâm chỉ rõ nguyên nhân và xử lý triệt để, tận gốc nguy cơ gây tác động xấu tới môi trường, tháng 10/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương. Trong đó, tập trung rà soát, đánh giá rõ thực trạng để đề xuất các quyết định; kiên quyết loại bỏ, cải tạo, cải tiến, lựa chọn đầu tư công nghệ tiên tiến nhằm xử lý dứt điểm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Bộ Công Thương cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ký kết Chương trình phối hợp công tác nhằm tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại giai đoạn 2017-2020.
Bên cạnh đó, từ giữa năm 2015 đến nay, Bộ Công Thương tập trung cho công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đánh giá môi trường chiến lược; tăng cường các đợt kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật môi trường của DN.
Bảo đảm an toàn hộ đập thủy điện luôn được Bộ Công Thương chú trọng |
Theo đó, đã kiểm tra 71 đơn vị nằm trong danh sách theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương; cấp giấy chứng nhận hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để cho 64/71 đơn vị; số còn lại đã yêu cầu tạm ngừng hoạt động hoặc tạm dừng bộ phận gây ô nhiễm môi trường. Kiểm tra 30 DN trong công tác chấp hành Luật Bảo vệ môi trường và kiểm tra những cơ sở có hoạt động xả thải ra cửa sông, ven biển và cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc danh mục theo Chỉ thị số 11/CT-BCT
Đặc biệt, đối với nhiệt điện than, Bộ Công Thương chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện than có phương án đầu tư, cải tiến công nghệ giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Đến nay, một số nhà máy và dự án đã hoàn thành việc cải tiến như: Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 2...
Vận hành, an toàn hồ đập thủy điện
Thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV trong lĩnh vực thủy điện và các Nghị quyết, Chỉ thị khác liên quan, tháng 2/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có Quyết định số 396/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương để xử lý triệt để vấn đề này.
Theo đó, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các Sở Công Thương, chủ đập thủy điện khẩn trương, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ bảo đảm vận hành, xả lũ an toàn đập và vùng hạ du đập; phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai trong công tác điều hành xả lũ, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du đập.
Tháng 3/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì Hội nghị về vận hành an toàn, hiệu quả công trình thủy điện, lắng nghe các ý kiến của các chủ hồ, địa phương, chuyên gia, các cơ quan quản lý… nhằm tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ Công Thương tổ chức 10 đoàn công tác làm việc và trực tiếp kiểm tra quy hoạch, chất lượng xây dựng công trình, quy trình vận hành hồ chứa, công tác an toàn, phòng chống cháy nổ, phòng, chống lụt, bão và các vấn đề liên quan đến lĩnh vực thuỷ điện trên địa bàn 17 tỉnh trên cả nước; trực tiếp thực hiện và hỗ trợ, hướng dẫn Sở Công Thương các tỉnh thực hiện công tác thẩm tra sau thiết kế cơ sở theo quy định tại các nghị định của Chính phủ; chỉ đạo, triển khai thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa các lưu vực sông, nhất là khu vực miền Trung, bảo đảm tuân thủ đúng quy định trước mùa mưa lũ năm 2017.
Về công tác xây dựng và phê duyệt Phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập, đến nay, 235/265 đập có phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt/phê duyệt lại/cho phép tiếp tục sử dụng phương án năm trước; 14/265 đập được xây dựng/bổ sung nhưng chưa được duyệt, 16/265 đập của công trình có công suất lắp máy đến 30MW thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh chưa được chủ đập xây dựng/bổ sung.
Bộ Công Thương đã thẩm định, phê duyệt phương án phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn đập của 28/80 đập thủy điện có công suất lắp máy trên 30MW thuộc trách nhiệm của Bộ. Số còn lại đang được Bộ Công Thương yêu cầu các chủ đập tiếp tục rà soát, bổ sung phương án gửi Bộ thẩm định, phê duyệt trước mùa mưa bão 2017.
Về xây dựng và phê duyệt Phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập: 213/265 đập có phương án được phê duyệt/phê duyệt lại; 32/265 đập đang xây dựng; 20/265 đập chưa được chủ đập thực hiện. Hiện nay, các chủ đập đang rà soát, bổ sung phương án năm 2017 trình ủy ban nhân dân các tỉnh phê duyệt.
Bên cạnh những nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương còn triển khai quyết liệt việc cải cách tổ chức bộ máy và cải cách thể chế gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý của Bộ cũng như tạo thuận lợi cho DN và người dân. |