Tấp nập cửa khẩu quốc tế Cha Lo
CôngThương - Ông Phan Văn Thường - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình- cho biết, 62 năm qua kể từ ngày thành lập, các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành Công Thương luôn kề vai sát cánh cùng với nhân dân cả tỉnh làm lên những thành tích lớn. Đặc biệt trong hơn 25 năm đổi mới và tái lập tỉnh, ngành công thương đã bám sát các nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, khai thác tiềm năng thế mạnh về tài nguyên, nhân lực; chủ động phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn cho DN… Nhờ vậy, ngành Công Thương Quảng Bình đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng vào xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Hiện nay, ngành Công Thương chiếm trên 63% GDP của tỉnh. Các DN trong ngành đóng góp trên 90% tổng thu ngân sách của các DN trên địa bàn. Năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) toàn tỉnh đạt 3.535 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 18,6%, năm 2011 tăng 14,5%.
Tỷ trọng giá trị công nghiệp-xây dựng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2000 chỉ chiếm 24,8%, năm 2005 là 32,1% và năm 2010 là 37,7%. 6 tháng đầu năm 2013, tốc độ tăng trưởng GDP cả tỉnh đạt 6,3%, trong đó giá trị SXCN tăng 9,8%; giá trị sản xuất dịch vụ tăng 5,9%, tổng mức bán lẻ trên địa bàn đạt hơn 7.800 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 75,1 triệu USD…
Ông Phan Văn Thường - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình: Trong chặng đường sắp tới, ngành Công Thương Quảng Bình tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của ngành, thực hiện công tác xúc tiến đầu tư và triển khai các dự án SXCN lớn trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... |
Điều đáng nói, đến nay, một số sản phẩm công nghiệp đã khẳng định thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường cả nước và khu vực như: Xi măng Sông Gianh, gạch ceramic, bia, sản phẩm mộc mỹ nghệ, may mặc... Một số DN đã đầu tư ứng dụng công nghệ mới, dây chuyền sản xuất hiện đại, khai thác tốt thế mạnh sẵn có của địa phương để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.
Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn được chú trọng, nhiều nghề mới được phát triển, đã hình thành các DN đầu mối cung cấp nguyên liệu và thu mua sản phẩm cho người lao động, góp phần tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động và ngành nghề. Đặc biệt công tác xúc tiến đầu tư và triển khai các dự án công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Một số dự án đã hoàn thành đi vào sản xuất và phát huy hiệu quả như: Nhà máy xi măng Sông Gianh, Xí nghiệp May xuất khẩu Hà Quảng, Công ty Cổ phần bia Hà Nội-Quảng Bình, Nhà máy xi măng Áng Sơn 2, Nhà máy phân bón NPK Sao Việt, các nhà máy chế biến gỗ và dăm gỗ... Một số dự án có quy mô lớn đang tiếp tục triển khai như: Xi măng Văn Hóa, bột đá siêu mịn Châu Hóa, que hàn Kim Tín, nâng công suất Xí nghiệp may Hà Quảng lên 1.000 công nhân, dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời, các dự án cải tạo lưới điện nông thôn...
Cùng với phát triển công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu có những tiến bộ vượt bậc, thị trường xuất khẩu được mở rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, sản phẩm xuất khẩu ngày càng đa dạng. Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 150 triệu USD, ăm 2012, đạt 126 triệu USD. Hoạt động thương mại và dịch vụ không ngừng phát triển, mạng lưới phân phối ngày càng được mở rộng, hình thức đa dạng từ thành thị đến nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa…