Ngành Công Thương triển khai công tác phòng chống thiên tai và an toàn đập thủy điện 2018
Tin hoạt động 07/06/2018 15:00
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo |
Theo Báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, năm 2017 đã có 16 cơn bão và nhiều cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông. Lũ lịch sử đã được ghi nhận tại một số sông tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế. Lần đầu tiên, Hồ Hòa Bình phải xả lũ khẩn cấp 8 cửa xả đáy. Ngành Công Thương chịu thiệt hại tập trung chủ yếu vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành điện, xăng dầu. Tổng giá trị thiệt hại gần 600 tỷ đồng.
Về công tác khắc phục sự cố hệ thống điện do thiên tai, ông Trịnh Xuân Nguyên – đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2017, do diễn biến bất thường của thời tiết, ngành Điện đã chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Mặc dù vậy, EVN đã nhanh chóng khắc phục các khó khăn và thực hiện việc cấp điện trở lại cho khách hàng một cách nhanh nhất. Công tác vận hành, điều tiết xả lũ đã được quan tâm, đầu tư, hiện nay, tất cả các hồ chứa thủy điện thuộc EVN đều được trang bị thiết bị quan trắc tự động đo mực nước hồ và lắp camera quan sát mực nước hồ chứa và tình trạng hạ lưu công trình, nhờ vậy EVN vẫn đảm bảo an toàn vận hành các đập thủy điện, các hồ chứa đã góp phần quan trọng trong việc cắt lũ, xả lũ trên lưu vực các sông trong cả nước.
Hội nghị thu hút đông đảo các đại biểu tham gia |
Ông Ngô Xuân Thế - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương - chia sẻ, qua thực tiễn các năm quản lý vận hành của nhà máy thủy điện A Vương, việc thực hiện phối hợp tốt với chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan trong công tác điều tiết nguồn nước và phòng chống lụt bão đã phát huy được những tác động tích cực của công trình thủy điện, giảm thiểu các tác động bất lợi, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng nguồn nước cũng như phối hợp điều tiết giảm một phần lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du.
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - phát biểu |
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh - ghi nhận sự phối hợp có hiệu quả giữa các chủ hồ thủy điện với ban PCTT địa phương và các cơ quan khí tượng thủy văn trong thực hiện vận hành hồ chứa. Theo đó, đã giảm lũ được cho hệ thống sông Vu Gia 20%, Thu Bồn 24,6%. Ông Lê Trí Thanh kiến nghị cần sớm cập nhật bổ sung điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Thu Bồn bởi quy trình vận hành liên hồ hiện nay thực chất như vận hành đơn hồ. Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du chung; các chủ hồ cần đánh giá và chủ động lắp đặt trạm quan trắc phục vụ công tác dự báo lượng mưa lũ về hồ vì trên thực tế các chủ hồ gần như phó mặc cho các đơn vị khí tượng thủy văn nên việc ra quyết định xả lũ rất bị động; đề nghị Bộ Công Thương xây dựng quy định mật độ quan trắc, tháp báo lũ và hệ thống cảnh báo đối với vùng hạ du; nghiên cứu tính toán vận hành an toàn công trình cho liên hồ đối với thủy điện bậc thang; tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp khai thác nguồn lợi trong lòng hồ hoặc phát triển du lịch.
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị |
Hội nghị cũng ghi nhận những sáng kiến, ứng dụng công nghệ phục vụ công tác cảnh báo tại hạ du; công tác dự báo, quan trắc phục vụ vận hành hiệu quả. Ông Nguyễn Tấn Triết – Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuop - thông tin, ngay từ năm 2009, nhận thức được sự nguy hiểm có thể xảy ra cho khu vực dọc hạ du, khi các hồ đang vận hành điều tiết – xả lũ, Công ty thủy điện Buôn Kuop đã nghiên cứu và ứng dụng thành công “hệ thống cảnh báo xả lũ từ xa” sử dụng sóng điện thoại lắp đặt dọc hạ du hồ. Còn theo ông Phạm Phong - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Ba - để đảm bảo vận hành hiệu quả hơn cho hồ thủy điện cần điều chỉnh một số điểm trong quy trình vận hành liên hồ như khi bắt đầu có mưa dông mùa hè thì chủ hồ hạ thấp mực nước hồ, càng thấp càng tốt để đón lũ đầu tiên trong năm, không hạn chế mức thấp nhất, cuối mỗi trận lũ lớn, tích nước đầy hồ, không đưa về mực nước trước lũ, thành lập tổ điều hành liên hồ từ các chủ hồ trực thuộc Sở Công Thương.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị trong ngành Công Thương đã thực hiệc tốt công tác xây dựng kế hoạch, bố trí xử lý kịp thời các sự cố do thiên tai gây ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản. Các nhà máy thủy điện đã tuân thủ các quy định về xây dựng phương án phòng chống lũ lụt, phối hợp với địa phương ngày một hiệu quả, trong đó, năm 2017 ,nhiều chủ hồ đã chủ động đề xuất vận hành hồ chứa làm sao cho an toàn, giảm thiểu tối đa tác động, thiệt hại cho hạ du. Công tác dự trữ hàng hóa, quản lý thị trường được các Sở Công Thương và các đơn vị QLTT thực hiện tốt, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, khan hiếm hàng hóa, xăng dầu trong thời điểm sau bão lũ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, phê bình một số đơn vị chưa thực sự coi trọng công tác phòng chống thiên tai, công tác diễn tập PCTT chưa được thực hiện thường xuyên. Các nhà máy thủy điện mặc dù đã có cảnh báo và có phối hợp với địa phương nhưng vận hành xả lũ vẫn còn ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân vùng hạ du.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng trao Bằng khen cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quản lý, vận hành đập thủy điện |
Để công tác quản lý, vận hành đập thủy điện và phòng chống thiên tai ngành Công Thương năm 2018 đạt hiệu quả, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 09/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018; tùy theo đặc điểm sản xuất của từng đơn vị để có phương án PCTT phù hợp, rà soát các hạng mục công trình để có biện pháp phòng chống phù hợp với đặc thù của đơn vị giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai.
Đối với ngành Điện, cần thực hiện nghiêm túc về quản lý an toàn điện, tổ chức kiểm tra các công trình trước và sau bão để kịp thời khắc phục sự cố; các công trình thủy hiện phải thực hiện nghiêm các quy định về vận hành liên hồ, đơn hồ, đầu tư các trạm quan trắc trên hồ đập để vừa vận hành an toàn hộ đập vẫn đảm bảo hiệu quả hoạt động của nhà máy, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, cảnh báo khi vận hành, xả lũ, tuyên truyền cho người dân các phòng chống, xử lý tình huống khi xả lũ, tăng cường cảnh báo cho khu vực hạ du.
Đối với các đơn vị truyền tải, phân phối điện, cần rà soát xác định rõ các phủ tải quan trọng, các công trình phòng chống thiên tai để có biện pháp đảm bảo cung cấp điện trong quá trình thiên tai, bão lũ xảy ra. Tổ chức kiểm tra toàn bộ lưới điện để xác định các điểm, khu vực xung yếu của lưới điện để gia cố, chuẩn bị phương tiện, vật tư dự phòng, nhân lực để kịp thời khắc phục các sự cố do thiên tai gây ra, nhanh chóng khôi phục cấp điện trở lại đảm bảo an toàn, đặc biệt có phương án duy trì vận hành lưới điện truyền tải, phương án đảm bảo cung cấp điện cho các công trình phòng chống thiên tai; đối với các đơn vị dầu khí, khai thác khoáng sản và xăng dầu tùy theo tình hình thực tế của các đơn vị để chủ động có phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản đồng thời vẫn thực hiện hoạt động kinh doanh có hiệu quả.
Đối với các Sở Công Thương, rà soát xác định cụ thể các khu vực thuộc địa bàn quản lý có nguy cơ ngập lụt, chia cắt để xây dựng kế hoạch, phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ các hàng hóa thiết yếu cho nhân dân; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để hiện tượng lợi dụng thiên tai xảy ra nâng giá, găm hàng và đưa hàng kém chất lượng phục vụ nhân dân; chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra các chủ hồ thủy điện, các cơ sở công nghiệp tổ chưc thực hiện các quy định về phòng chống thiên tai và quản lý an toàn đập thủy điện.
TIN LIÊN QUAN | |