Quảng Bình: Người dân miền núi khó khăn về nguồn nước sạch sinh hoạt Khu vực miền Trung: Nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) |
Nhiều hồ, đập tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh hiện có 151 hồ chứa thủy lợi (giảm 2 hồ so với báo cáo năm 2023: Hồ Trén, xã Quảng Đông và hồ Thôn 8 xã Quảng Thạch huyện Quảng Trạch do không còn nhiệm vụ tưới nước nông nghiệp). Trong đó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý 35 hồ chứa vừa và lớn, 3 đập dâng và công trình ngăn mặn, giữ ngọt (đập Mỹ Trung). UBND cấp huyện giao cho UBND cấp xã và các tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý khai thác 116 hồ chứa và 190 đập dâng.
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Trần Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cho hay, Quảng Bình là một trong những tỉnh ở miền Trung chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu – nước biển dâng, thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan và phức tạp. Các công trình hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh phần lớn được xây dựng những năm 1980, trải qua thời gian dài khai thác, hầu hết các công trình đều có hư hỏng, xuống cấp hiện đang tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hồ chứa.
Một hồ chứa nước trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. |
Theo đó, theo kết quả kiểm tra an toàn hồ, đập chứa nước của Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, qua kiểm tra 151 hồ, hiện có kết quả đánh giá an toàn là 112 hồ, số lượng các hồ chứa có kết quả đánh giá cơ bản an toàn 22 hồ, Số lượng các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao 17 hồ, số lượng hồ tích nước hạn chế: 15 hồ; số lượng hồ không được phép tích nước: 2 hồ (hồ Dạ Lam, hồ Hóc Chọ); Số lượng hồ đã bố trí vốn nâng cấp sửa chữa: 03 hồ (hồ Cơn Ruộng: 5 tỷ đồng, hồ Eo Hụ: 10 tỷ đồng, hồ Khe Chè: 18 tỷ đồng); số lượng hồ chưa có vốn sửa chữa, nâng cấp: 36 hồ.
Còn nhiều khó khăn vướng mắc
Theo Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, hiện có nhiều khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý, quan trắc, duy tu, bảo dưỡng các hồ đập trên địa bàn. Theo đó, mức giá tối đa sản phẩm công ích dịch vụ thủy lợi do Bộ Tài chính ban hành đang ở mức thấp, chưa đảm bảo tính đúng, tính đủ các khoản mục chi phí theo quy định tại Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ, do đó nguồn thu từ sản phẩm công ích dịch vụ thủy lợi của các tổ chức, cá nhân quản lý khai thác công trình thủy lợi chủ yếu thực hiện chi cho công tác quản lý, vận hành tưới tiêu; các chi phí cho công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên rất hạn chế. Vì vậy, những hư hỏng nhỏ của các hạng mục công trình đập, hồ chứa vừa và nhỏ không được xử lý, sửa chữa kịp thời.
Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị quản lý, quan trắc, thông tin liên lạc, vật tư, vật liệu tại chỗ chuẩn bị cho việc ứng cứu công trình của các hồ chứa địa phương quản lý không có, hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu về công tác quản lý, vận hành.
Đồng thời, một số vướng mắc chủ quan khác như, nguồn nhân lực cho công tác chuyên môn về thủy lợi còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, đặc biệt là ở cấp cơ sở chưa đáp ứng được với yêu cầu đổi mới công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi.
“Một số dự án không cần tập trung vốn quá lớn để nâng cấp cùng lúc nhiều hạng mục một công trình trong đó bao gồm cả những hạng mục vẫn đang đảm bảo ổn định, chưa cấp thiết. Vì vậy, không làm phát huy hết hiệu quả của nguồn vốn đầu tư trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn hiện nay. Một số địa phương đề xuất đầu tư hoặc bố trí vốn đầu tư nâng cấp sửa chữa các công trình đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp chưa đánh giá mức độ cần thiết và ưu tiên đầu tư theo báo cáo của Hội đồng an toàn đập, hồ chứa nước”- ông Trần Hoài Nam cho hay.
Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khi bố trí nguồn lực phục vụ công tác đầu tư đảm bảo an toàn đập, hồ trong tỉnh phải căn cứ vào danh mục, thứ tự ưu tiên.Xem xét bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp sửa chữa khẩn cấp các công trình đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp. Bố trí kinh phí đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công nhân vận hành đập, hồ chứa của thủy lợi.
Vừa qua, trong chuyến kiểm tra tình hình các hồ đập trên địa bàn, ông Vũ Đại Thắng- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã trực tiếp kiểm tra hồ chứa nước Dạ Lam (xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy) và hồ Troóc Vực (xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch), là hai công trình đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Tại buổi kiểm tra, ông Vũ Đại Thắng đã đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan khẩn trương phối hợp rà soát lại việc phân cấp quản lý hệ thống hồ đập trên địa bàn nhằm bảo đảm tính thống nhất, tạo thuận lợi trong công tác quản lý để phát huy hiệu quả hoạt động cũng như công tác đầu tư nâng cấp, sửa chữa.