Ngành du lịch đang thiếu nhân lực chất lượng cao |
Nhằm tạo điều kiện cho lao động lành nghề di chuyển trong khu vực, từ đó thúc đẩy hoạt động đầu tư và thương mại, các nước ASEAN đã ký kết 8 Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRAs). Theo đó, cho phép chứng chỉ của lao động lành nghề được cấp bởi cơ quan chức năng tương ứng tại một quốc gia sẽ được thừa nhận bởi nước thành viên khác trong khu vực. Trong lĩnh vực du lịch là thỏa thuận MRA-TP.
Việc triển khai MRA-TP giúp cho ngành du lịch Việt Nam và các nước ASEAN có thêm nhiều cơ hội tuyển lao động tay nghề cao, giúp nâng cao được chất lượng sản phẩm và dịch vụ, cải thiện sức cạnh tranh. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức đối với nhân lực ngành Du lịch Việt Nam. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch năm 2015, chỉ số về nguồn nhân lực và lao động du lịch của Việt Nam chỉ đứng thứ 55/141 quốc gia và vùng lãnh thổ, thua rất xa so với 3 nước trong ASEAN: Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Đáng lo hơn, MRA-TP quy định: Khung trình độ nghề quốc gia của một nước phải tương đồng với khung trình độ nghề của khu vực. Nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa ban hành được Khung trình độ nghề quốc gia. Thậm chí, Việt Nam đang cùng tồn tại 3 bộ tiêu chuẩn nghề du lịch gồm: Bộ tiêu chuẩn do Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch ban hành với 8 nghề; Bộ tiêu chuẩn VTOS do dự án Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ thực hiện với 10 nghề và Bộ tiêu chuẩn nghề tham khảo của ASEAN với 6 nghề.
Việc tồn tại cùng lúc 3 bộ chuẩn nghề du lịch khiến cho các đơn vị đào tạo về du lịch gặp nhiều lúng túng trong quá trình giảng dạy. Không những thế, mỗi doanh nghiệp, cơ sở đào tạo lại lựa chọn một bộ chuẩn nghề mà họ cho là tốt và phù hợp nhất. Bên cạnh đó, không sử dụng thống nhất bộ chuẩn nghề du lịch là rào cản đối với lao động Việt Nam nếu có nhu cầu tìm việc ở nước khác trong nội khối và ngược lại.
Trong 3 bộ tiêu chuẩn trên, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên sử dụng Bộ tiêu chuẩn VTOS và sớm chuyển đổi thành bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia. VTOS được xây dựng dựa trên 6 lĩnh vực nghề chính: Lễ tân, phục vụ buồng, nhà hàng, chế biến món ăn, điều hành du lịch và đại lý lữ hành và hướng dẫn du lịch. Đáng chú ý, VTOS được xây dựng tương thích với Tiêu chuẩn Năng lực chung về nghề Du lịch trong ASEAN (ACCSTP) và đáp ứng các quy định của MRA-TP.
Triển khai MRA-TP giúp cho ngành du lịch Việt Nam và các nước ASEAN có thêm nhiều cơ hội tuyển lao động tay nghề cao, giúp nâng cao được chất lượng sản phẩm và dịch vụ, cải thiện sức cạnh tranh. |