Bộ Công Thương thêm “trợ lực” cho ngành ô tô Hỗ trợ nhà cung cấp ngoài hệ thống, Toyota đóng góp cho sự phát triển ngành ô tô Làm thế nào để tăng tỷ lệ nội địa hoá ngành ô tô? |
Chỉ còn khoảng 5 năm để ứng phó
Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng một ngành công nghiệp ô tô với mục tiêu sản xuất thay thế nhập khẩu và từng bước tiến tới xuất khẩu. Trong quá trình phát triển, ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ của Việt Nam đứng trước cơ hội và thách thức khi thực thi các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.
Hoàn thiện, bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu đối với ô tô sản xuất trong nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế Ảnh: TTXVN |
Đánh giá về những tác động của việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) về ô tô, TS Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương - Bộ Công Thương cho biết, hiện nay Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do FTA và được thế giới công nhận là một nền kinh tế mở. Tuy nhiên, các chính sách về thuế quan, hành lang pháp lý trong lĩnh vực ô tô và linh kiện, phụ tùng nhập khẩu chưa thực sự cân bằng giữa các thị trường.với các cam kết khá mạnh trong lĩnh vực sản phẩm ô tô, linh kiện, phụ tùng, đặc biệt là cam kết về thuế quan, EVFTA được cho là sẽ tác động mạnh tới ngành ô tô Việt Nam khi thực thi các cam kết.
Theo đó, các cơ hội đối với ngành ô tô gồm: Cơ hội nhập khẩu sản phẩm ô tô, phụ tùng, linh kiện chất lượng, công nghệ cao từ EU với giá thấp hơn, góp phần cắt giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, cơ hội xuất khẩu đối với các phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy mà Việt Nam có thế mạnh có thể trở thành đối tác đầu tư liên doanh, hoặc nhà cung cấp cho các nhà đầu tư EU sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội khai thác thị trường trong nước và khu vực…
Tuy nhiên, ông Khôi cũng chỉ ra các thách thức mà ngành ô tô sẽ phải đối mặt như: Thị trường EU là thị trường có tiêu chuẩn cao, khoảng cách địa lý khá xa Việt Nam, vì vậy cơ hội xuất khẩu sẽ khó thành hiện thực nếu doanh nghiệp không đủ năng lực tham gia mạng lưới cung ứng trong lĩnh vực ô tô, xe máy, và khả năng cạnh tranh cao.
Từ góc độ nhập khẩu, thời gian bảo hộ 7-10 năm mặc dù là tương đối dài nhưng nếu ngành ô tô, xe máy Việt Nam tiếp tục trì trệ, thiếu chủ động trong cải thiện năng lực cạnh tranh thì nguy cơ bị thua trên sân nhà vẫn rất cao. “Do đó, các doanh nghiệp ngành ô tô Việt Nam cần tìm hiểu kỹ các cam kết EVFTA, chuẩn bị các điều kiện để tận dụng các cơ hội từ Hiệp định cũng như sẵn sàng cho tương lai cạnh tranh khi hết lộ trình bảo hộ thuế quan”- Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương lưu ý.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng, sức ép từ CPTPP là xe nguyên chiếc đến từ Nhật Bản, một nước thành viên. Theo hiệp định, Việt Nam áp dụng thuế suất 0% vào năm 2029, lúc đó xe Nhật sẽ tràn vào Việt Nam tương tự xe Thái Lan, Indonesia.
Về thời gian, các hãng xe và chuỗi cung ứng Việt Nam còn khoảng 5 năm để ứng phó với làn sóng ô tô đến từ EU và Nhật Bản, thời gian bảo hộ không còn nhiều.
Bà Nguyễn Ánh Tuyết- Trưởng tiểu ban Hải quan thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cũng bày tỏ, nhờ việc thực hiện các cam kết của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với lộ trình thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam sẽ giảm khoảng 6,4%/năm, liên tục trong vòng 10 năm. Năm 2024, thuế nhập khẩu được áp dụng là 38,1%. Dự kiến đến năm 2030, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ EU xuống còn 0%.
Nêu ví dụ bà Tuyết cho hay, một chiếc xe phổ thông có giá khoảng 30.000 USD, khi nhập về Việt Nam năm 2024 phải nộp thuế nhập khẩu 38,1%, tương đương 11.430 USD, giảm 1.920 USD so với thời điểm năm 2023. Số tiền thuế còn có thể giảm hàng chục nghìn USD đối với các mẫu siêu xe nhập khẩu. Điều này có nghĩa ngày càng có nhiều người có cơ hội sở hữu các mẫu xe từ tầm trung, cao cấp cho đến xe siêu sang của các thương hiệu nổi tiếng như: Mercedes-Benz, BMW, Audi, Porsche, Ferrari, Lamborghini, Bugatti...
“Tuy vậy cũng làm các doanh nghiệp sản xuất ôtô Việt Nam ngày càng gặp nhiều áp lực để duy trì sản xuất và duy trì được thị phần trong các phân khúc đang có hiện diện” - bà Tuyết nói.
TS Trương Thị Chí Bình, Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), khi quy mô thị trường đạt 500.000 xe, sẽ có nhiều nhà cung ứng tiềm lực từ Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc sẵn sàng nhảy vào thị trường với tư cách doanh nghiệp FDI. Điều này sẽ khiến các nhà cung ứng trong nước có nguy cơ "bật bãi".
"Bởi thế, Chính phủ cần có bài toán dài hơi để các doanh nghiệp Việt không hụt hơi trong cuộc đua về giá với các doanh nghiệp FDI", bà Bình cho hay.
“Bệ đỡ” nào cho ô tô trong nước?
Liên quan đến chính sách thuế, ông Dương Bá Hải - Phó Trưởng phòng Thuế xuất khẩu, nhập khẩu - Cục quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, việc tham gia các FTA ngoài mang lại cơ hội cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam ngày càng gặp nhiều áp lực về cạnh tranh.
Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi dành cho ngành công nghiệp ôtô trong nước, trong đó có các chính sách về thuế, phí và lệ phí để thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước, phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, Chiến lược cải cách hệ thống thuế và thông lệ quốc tế.
Theo ông Hải, một số chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước đang trong quá trình thực hiện và sẽ kéo dài đến hết năm 2027. Cơ quan chức năng cũng cần tổng kết, đánh giá, điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp ô tô trong nước trước làn sóng ô tô ngoại ồ ạt vào Việt Nam.
Về vấn đề này TS Lê Huy Khôi lưu ý, cần nghiên cứu, rà soát, cải cách các chính sách thuế, phí (thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc và linh, phụ kiện; thuế tiêu thụ đặc biệt...) bảo đảm khả thi và ổn định lâu dài, phù hợp với các cam kết trong quá trình hội nhập quốc tế.
“Bảo đảm nhất quán, ổn định hệ thống chính sách trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư. Bên cạnh đó có các chính sách ưu đãi ưu đãi để khuyến khích sử dụng xe điện hóa tại Việt Nam như thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi áp dụng cho từng dòng xe điện (HEV, PHEV, BEV, FCEV) căn cứ vào mức phát thải CO2. Đồng thời giảm lệ phí trước bạ cho tất cả các dòng xe điện hóa...”- lãnh đạo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương nói.
TS. Lê Huy Khôi đã nêu hàng loạt giải pháp rất cụ thể. Đầu tiên là phải xây dựng các chương trình, đề án phát triển ngành công nghiệp ô tô, cụ thể hóa một số nội dung của chiến lược. Xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam với các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển.
Cùng với đó lựa chọn một số bộ phận quan trọng trong chuỗi giá trị cấu thành ô tô đưa vào danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm của quốc gia.
Cuối cùng là nghiên cứu thiết lập các điều kiện kinh doanh cần thiết đối với ô tô nhập khẩu đồng thời hoàn thiện, bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu đối với ô tô sản xuất trong nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế....