Ngày này năm xưa 1/11: Ngày truyền thống nhiều đơn vị ngành Điện lực, Đảng ta ra nghị quyết về đổi mới mô hình tăng trưởng
Sự kiện trong nước
Ngày 1/11/2016, Đảng ta ban hành Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 1/11/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế
Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hải Tân cảng được thành lập ngày 1/11/2011 theo quyết định của Hội đồng thành viên Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn. Trải qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, vốn điều lệ của Công ty tăng từ 50 tỷ lên 150 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt gần 290 tỷ đồng.
Từ lực lượng, phương tiện ban đầu chỉ có 2 tàu đưa đón hoa tiêu và 18 nhân sự, đến nay đã phát triển với đội phương tiện thủy 12 chiếc và hơn 110 cán bộ, công nhân viên, người lao động. Địa bàn hoạt động rộng khắp tại các cụm cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa và các cảng khu vực phía Nam. Công ty hiện đang là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ lai dắt tàu biển, cứu hộ hàng hải và thực hiện nhiệm vụ lai dắt các loại tàu quân sự.
-Ngày 1/11/2009, đánh dấu sự kiện từ nền sản xuất than, Tập đoàn TKV đã mạnh dạn sử dụng nguồn nhân lực sẵn có được đào tạo từ lĩnh vực than để đầu tư các ngành nghề khác trong đó có ngành công nghiệp Điện. Dấu mốc đầu tiên rất quan trọng là từ năm 1999, TKV đã chú trọng nghiên cứu, đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện đầu tiên ở Việt Nam áp dụng công nghệ tầng sôi tuần hoàn (CFB) với chiến lược nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên than của đất nước bằng cách ưu tiên phát triển các dự án nhiệt điện đốt than có nhiệt trị thấp nằm ngay cạnh các mỏ than, nâng cao giá trị hòn than, hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Ngày 21/10/2009, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 5211 về việc thành lập Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực. Ngày 01/11/2009, Tổng công ty Điện lực - Vinacomin (nay là Tổng công ty Điện lực TKV - CTCP) chính thức đi vào hoạt động. Ngày 29/12/2015, Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của Tổng công ty Điện lực đã được tổ chức thành công. Ngày 15/01/2016, Tổng công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Việc ra đời Tổng công ty Điện lực TKV - CTCP có nhiều ý nghĩa, trước hết thể hiện chủ trương của Tập đoàn TKV về phát triển kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than. Thông qua việc đầu tư các nhà máy nhiệt điện để nâng cao giá trị của hòn than, thực hiện chiến lược phát triển bền vững của TKV, đồng thời đã góp phần quan trọng vào phát triển ngành công nghiệp điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
- Ngày 1/11/1991 Sở Điện lực Kon Tum được thành lập lại trên cơ sở Chinh nhánh Điện Kon Tum sau khi Tỉnh Gia Lai Kon Tum được chia tách theo nghị quyết của Quốc Hội. Nhà máy điện Kon Tum ra đời từ trước năm 1945, khi đó vận hành bằng máy hơi nước (Lô cô), nhiên liệu và than củi đặt gần chùa Tỉnh Hội, phục vụ cho nhà tù 30, Tòa Công sứ, quản đạo, bệnh viện.
Năm 1960 đến năm 1972 lắp đặt 6 tổ máy tại địa điểm 84 Trần Hưng Đạo Thị Xã Kon Tum hiện nay và thành lập ty Điện lực, sau đó thành Trung tâm Điện lực.
Tháng 04 năm 1975, chính quyền cách mạng tiếp quản nhà máy và đổi tên thành Ty Điện lực Kon Tum.
Từ năm 1977, cùng với sự hợp nhất hai Tỉnh Gia lai và Kon Tum thành Tỉnh Gia Lai Kon Tum. Điện lực Kon Tum trở thành một Chi nhánh thuộc sở Quản lý và phân phối Điện Gia Lai Kon Tum.
Năm 1991 tỉnh Gia Lai Kon Tum được chia tách theo nghị quyết của Quốc Hội và ngày 1/11/1991 Sở Điện lực Kon Tum được thành lập lại trên cơ sở Chinh nhánh Điện Kon Tum.
Sở Điện lực Kon Tum đổi tên thành Điện lực Kon Tum, trực thuộc Công ty Điện lực 3 Tổng Công ty Điện lực Việt Nam theo quyết định số 263 ĐVN/TCCB-LĐ ngy 8/3 /1996.
Ngày 1/11/1996, Ban Quản lý dự án điện 1 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) thành lập. Ban Quản lý dự án điện 1 (tiền thân là Ban Quản lý chuẩn bị đầu tư Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La, sau đó là Ban Quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La) đã được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như: khảo sát để xây dựng các nhà máy thủy điện, trong đó có nhiều nhà máy đã được đưa vào vận hành như Tuyên Quang, Quảng Trị,...
Trong số đó, nhiệm vụ "trọng đại" nhất của Ban Quản lý dự án điện (QLDA) 1 là chuẩn bị xây dựng và hình thành nên công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La - nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với công suất 2.400MW. Với vai trò quản lý dự án, Ban QLDA điện 1 đã nỗ lực, chủ động, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị thi công để hoàn thành dự án đúng yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng và rút ngắn thời gian xây dựng, đưa vào vận hành sớm hơn 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.
Nối tiếp thành công này, Ban QLDA điện 1 đã tiếp tục đảm nhiệm triển khai Dự án xây dựng công trình Nhà máy Thủy điện Lai Châu với công suất 1.200MW và đã đưa công trình hoàn thành vượt tiến độ 1 năm so với Nghị quyết của Quốc hội. Qua đó, cung cấp nguồn điện kịp thời cho nền kinh tế và đời sống nhân dân, mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho đất nước.
Hiện nay, Ban QLDA điện 1 đang thực hiện dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, các dự án nhà máy nhiệt điện tua bin khí hỗn hợp I, III tại Trung tâm Điện lực Dung Quất, các dự án truyền tải điện,… Ban đã chủ động trong công tác tìm kiếm thêm việc làm, thực hiện các công việc tư vấn QLDA, tư vấn giám sát tại các dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam ủy thác. Ngoài ra, Ban đã tập trung cho nhiệm vụ tái cơ cấu, quản trị, xây dựng Ban QLDA điện 1 trở thành ban quản lý chuyên nghiệp hàng đầu theo định hướng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Cảng Ba Ngòi (tiền thân của Cảng Cam Ranh ngày nay) được thành lập vào ngày 01/11/1991 trên cơ sở tách ra từ cụm cảng Nha Trang - Ba Ngòi, trực thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa, cơ quan chủ quản trực tiếp là Sở GTVT Khánh Hòa. Đến tháng 10/2007, Cảng Ba Ngòi được chuyển giao về cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trực tiếp quản lý và trở thành một đơn vị thành viên trực thuộc Vinalines. Tháng 04/2009, thực hiện mục tiêu sắp xếp lại DNNN theo quy định của Chính phủ, Cảng Ba Ngòi chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty TNHH một thành viên, đồng thời đổi tên Cảng Ba Ngòi thành Cảng Cam Ranh với tên gọi đầy đủ là Công ty TNHH một thành viên Cảng Cam Ranh. Tháng 06/2015, thực hiện Đề án tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2010 – 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng Cam Ranh đã tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào ngày 25/06/2015 với tên gọi đầy đủ là Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh.
- Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, Cục Xuất nhập khẩu,Bộ Công Thươngđã xây dựng và thực hiện cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương (tại địa chỉ //online.moit.gov.vn) ở mức độ 3 đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu kể từ ngày 1-11-2019.
Cụ thể, Bộ Công Thương bắt đầu tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến với thủ tục cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô; Cấp đổi giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô; Cấp lại giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô; Cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.
Từ 1-11-2019, Bộ Công thương bắt đầu tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến với thủ tục cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô; Cấp đổi giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô. |
Bộ cũng tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến với thủ tục cấp lại; sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam; Gia hạn giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.
- Hàm Nghi là một ông vua yêu nước, chống giặc Pháp. Tướng Pháp là Đờ Cuôcxi doạ sẽ đem quân bắt nhà vua. Trước tình thế đó, tháng 7 nǎm 1885, đại thần Tôn Thất Thuyết ra lệnh tấn công vào đồn Mang Cá và đồn quân Pháp đóng cạnh toà Khâm xứ ở Huế. Quân ta đánh rất hǎng, song vũ khí quá thô sơ, chỉ huy liên lạc non kém, nên mấy giờ sau, cuộc tấn công bị thất bại. Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi ra Quảng Trị. Tại Tân Sở, nhà vua đã chiếu Cần Vương, kêu gọi nhân dân cả nước chống giặc Pháp.
Đêm 1-11-1888, vua Hàm Nghi bị bọn phản bội ập đến vây bắt, đem nộp cho Pháp để lĩnh thưởng, lúc đó vua mới 17 tuổi. Sau đó Pháp đưa Hàm Nghi an trí ở Angiê (nước Angiêri). Hàm Nghi sống ở đó 47 nǎm, giữ vững khí tiết của một ông vua yêu nước. Nǎm 1943, ông mất, thọ 64 tuổi.
- Nguyễn Thị Minh Khai sinh ngày 1-11-1910, ở tỉnh Nghệ An. Nǎm 1927, chị gia nhập Tân Việt cách mạng Đảng, sau đó vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được phân công làm việc tại chi nhánh ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Trung Quốc. Tháng 7-1935, chị dự đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản. Sau khi về nước, chị tham gia Xứ uỷ Nam Kỳ và là Bí thư Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nǎm 1940, chị Nguyễn Thị Minh Khai bị địch bắt và sát hại nǎm 1941.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - một trong những cán bộ kiên cường lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, tháng 11/1940. |
- Từ cuối nǎm 1963 đến giữa nǎm 1965 do thắng lợi của quân và dân miền Nam và thất bại liên tiếp của địch, nội bộ ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn ngày càng hoang mang, lục đục. Đế quốc Mỹ buộc phải làm nhiều cuộc đảo chính, thay đổi tay sai.
Ngày 1-11-1963, nhóm Dương Vǎn Minh, Trần Vǎn Đôn, Lê Vǎn Kim làm đảo chính, giết anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, lập ngụy quyền theo công thức "quân sự + dân sự + không đảng phái". Nhân cơ hội này, nhân dân ở vùng nông thôn bị kìm kẹp đã nổi dậy phá hàng loạt "ấp chiến lược", mở rộng thêm vùng giải phóng.
- Ngày 1-11-1964, khai giảng khoá đầu tiên của trường Đại học Thể dục thể thao. Trường đặt tại Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, có nhiệm vụ đào tạo huấn luyện các vận động viên, huấn luyện viên các môn thể thao. Nhiều lớp vận động viên đã trưởng thành từ mái trường này và đóng góp vào nền thể dục thể thao nước nhà.
- Trước sự thất bại nặng nề ở miền Bắc và cả miền Nam, ngày 1-11-1968, Giôn-xơn phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc, sau đó chấp nhận tham gia hội nghị bốn bên tại Pa-ri.
- Ngày 1-11-1981, Nhạc sĩ giáo sư Trần Vǎn Khê, một Việt kiều yêu nước ở Pháp được nhận giải thưởng về âm nhạc nǎm 1981 của Tổ chức giáo dục, khoa học và vǎn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO) tại thành phố Budapét, thủ đô nước Hunggari.
Sự kiện về Bác Hồ
- Ngày 1-11-1922, trên tờ “Le Paria” (Người cùng khổ), Nguyễn Ái Quốc viết bài “Đảng Cộng sản và vấn đề thuộc địa” khẳng định “Những người cộng sản ở chính quốc biết được nỗi khổ của các bạn... Đảng chủ trương nỗ lực để cứu vớt tất cả những anh em ở các thuộc địa..., Đảng sẵn sàng để các bạn tuyên truyền trên báo chí của Đảng… Đảng yêu cầu nhất là các bạn đoàn kết lại... Vì hòa bình thế giới, vì tự do và sự no ấm của mọi người, những người bị bóc lột thuộc mọi nòi giống, chúng ta hãy đoàn kết lại và đấu tranh chống bọn áp bức!”, văn bản này đã được thông qua tại Đại hội II Đảng Cộng sản Pháp.
Cùng ngày, tờ “Le Paria” (Người cùng khổ) còn đăng bài “Vụ hành hạ Amđuni và Ban Benkhia” của Nguyễn Ái Quốc tố cáo tội ác thực dân ở thuộc địa Tuynidi.
- Ngày 1-11-1941, Nguyễn Ái Quốc sáng tác bài “Ca binh lính” đăng trên báo “Việt Nam Độc Lập” nhằm mục tiêu binh vận: “Hai tay cầm khẩu súng dài/Nhắm đi nhắm lại, bắn ai thế này?...” và kêu gọi sự giác ngộ: “Trong tay đã sẵn súng này/ Quyết quay đánh Nhật, đánh Tây mới đành/Tiếng thơm sẽ tạc sử xanh: “Việt binh cứu quốc” rạng danh muôn đời!”.
Ngày 1-11-1941, Nguyễn Ái Quốc sáng tác bài “Ca binh lính” đăng trên báo “Việt Nam Độc Lập” |
- Ngày 1-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Ngoại trưởng Mỹ Giêm Biếc nơ chủ động “nhân danh Hội Văn hóa Việt Nam, tôi xin được bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác... tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam” .
- Ngày 1-11-1953, Bác gửi điện mừng tới các nhà lãnh đạo Xô viết nhân kỷ niệm 36 năm Cách mạng tháng Mười Nga và nhấn mạnh: “Tình hữu hảo anh em luôn luôn thắm thiết của nhân dân Liên Xô đối với nhân dân Việt Nam là một sự nâng đỡ quý báu cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc”.
- Ngày 1-11-1959, Bác viết thư chào mừng Đại hội những người sản xuất trẻ của Thủ đô Hà Nội: “Bác thân ái chúc các cháu/ Mạnh khỏe, vui vẻ/ Đoàn kết chặt chẽ/ Luôn luôn thi đua/ Đưa cả tinh thần và lực lượng của tuổi trẻ/ Vươn lên hàng đầu trong mọi công việc xây dựng xã hội chủ nghĩa”.
- Trong bài “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc”, gửi cho Báo Pravda (Liên Xô), được Báo Nhân Dân đăng số 4952, ngày 1-11-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “…Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng XHCN đến thành công”.
Sự kiện quốc tế:
1-11-1894: Sa hoàng Nga Aleksandr qua đời, con là Nikolai bắt đầu trị vì, cũng là vị Sa hoàng cuối cùng trong lịch sử Nga.
1-11-1604: Vở kịch Othello của William Shakespeare được công diễn lần đầu tiên tại Whitehall Palace ở Luân Đôn.