Chuyên mụcNgày này năm xưa trên Vuasanca tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước; ngành Công Thương; quốc tế và sự kiện, kỷ niệm về Bác Hồ ngày 11/2.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 11/2/1910, ngày sinh nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát
nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát bắt đầu sáng tác từ trước nǎm 1945 và đã viết nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Con cò đi ǎn đêm, Mầu thời gian (thơ Đoàn Phú Tứ), Tiếng chuông nhà thờ, Hát mừng bộ đội chiến thắng, Theo lời Bác gọi (thơ Lê Kỳ Vǎn), Ngành y ta đó... ông là một trong những người đặt nền móng cho việc nghiên cứu âm nhạc chèo, ca trù và âm nhạc dân tộc cổ truyền. Ông là Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam trong nhiều nǎm, đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Ngày 11/2/1976, kho 858 (Quân chủng Hải quân) được thành lập. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, thực hiện Quy hoạch kho quân khí chiến lược ở miền Nam, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật ra Quyết định số 30/QĐ-KT tách Kho đạn Đồng Bà Thìn thuộc Căn cứ liên hợp Cam Ranh, thành lập Kho 858 trực thuộc Cục Quân khí.
Kho 858 đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất năm 2016 |
Năm 2004, Kho 858 được nâng cấp thành Kho cấp 1 chiến lược của Quân chủng Hải quân, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong bảo đảm đạn dược, vật tư kỹ thuật cho quân chủng và các đơn vị quân đội khu vực phía Nam Trung Bộ.
Ngày 11/2/1984, nhà cách mạng Khuất Duy Tiến qua đời. Ông sinh năm 1910 tại ở xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây. Nǎm 1928, ông gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội hoạt động trong phong trào công nhân ở Nam Định, sau đó vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 3/1930, ông là Tỉnh uỷ viên Tỉnh uỷ Nam Định, tháng 11 nǎm đó là Uỷ viên thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ. Từ nǎm 1931 đến 1936 và từ tháng 9/1939 đến tháng 3/1945 ông bị đế quốc Pháp cầm tù. Ông nguyên là Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, đại biểu Quốc hội khoá I.
Ngày 11/2/1998, Chính phủ ban hành Quyết định số 34/1998/QĐ-TTg thành lập Trường đào tạo các chức danh tư pháp (tiền thân của Học viện Tư pháp ngày nay).
Đến ngày 25/2/2004, Học viện Tư pháp được thành lập theo Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg ngày của Thủ tướng Chính phủ với sứ mệnh, nhiệm vụ chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp.
Ngày 11/2/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2011/NĐ-CP về an toàn công trình dầu khí trên đất liền. Nghị định này đã được Chính phủ sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 25/2019/NĐ-CP ngày 7/3/2019.
Ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 |
Nghị quyết số 55-NQ/TW đưa ra những mục tiêu tổng quát như: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ngành năng lượng phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN.
Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.
Ngày 11/2/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP về triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Nghị quyết này đã được Chính phủ sửa đổi, bổ sung bằng Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 8/9/2022.
Ngày 11/2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết thúc chuyến thăm tốt đẹp Singapore và Brunei Darussalam
Sự kiện quốc tế
Ngày 11/2/660 Trước công nguyên, đây là ngày hàng năm Nhật Bản coi là ngày Quốc Khánh Nhật Bản hay Ngày kỷ niệm Kiến Quốc. Đó là một ngày lễ quốc gia tại Nhật Bản để kỷ niệm truyền thuyết thần thoại của Nhật Bản và sự xuất hiện của hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản, Thiên hoàng Jimmu tại Kashihara gu vào ngày 11/2/660 Trước công nguyên.
Ngày 11/2/1650, ngày mất nhà tư tưởng, nhà triết học Rơnê Đêcáctơ (Rene Descartes). Ông là người tiên phong trong toán học hiện đại nửa đầu thế kỷ XVII. Ông là người đã sáng tác ra phép tính vi phân và tích phân, hình học giải tích và nhiều phương pháp toán học khác. Ngoài ra ông còn có những cống hiến về cơ học, thiên vǎn học... Ông sử dụng khoa học để xây dựng hệ thống triết học mới và phê phán triết học kinh viện của giáo hội. Tác phẩm của ông đã bị giáo hội liệt vào "danh mục sách cấm". Vì vậy cuộc đời của ông phần lớn thời gian phải sống ở nước ngoài để tránh sự khủng bố của giáo hội.
Nhà phát minh khoa học Thomas Alva Edison |
Ngày 11/2/1847, ngày sinh nhà phát minh khoa học Thomas Alva Edison. Ông là người đã sáng chế ra máy điện báo tự động phát tín hiệu, máy đánh chữ, đĩa hát, máy chiếu hình và bộ phận tiếp sóng của radio. Khám phá của ông về "Hiệu ứng Edison" giúp chế tạo ống đèn điện tử hiện đại, làm nền tảng cho máy phát sóng radio, điện thoại đường dài, phim có tiếng động, máy truyền hình, mắt điện tử, tia X... Trong lịch sử khoa học ứng dụng, ông là người chiếm kỷ lục về phát minh (gồm khoảng 1200 bằng phát minh).
Thomas Alva Edison qua đời ngày 18/10/1931.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 11/2/1920, Nguyễn Ái Quốc diễn thuyết về đề tài “Chủ nghĩa Bolshevik ở châu Á” tại Hội nghị những thanh niên cộng sản tại Paris.
Ngày 11/2/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II và đọc Báo cáo Chính trị đặt ra yêu cầu cấp bách “chúng ta phải có một Đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và tình hình trong nước, để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi, Đảng đó lấy tên Đảng Lao động Việt Nam”.
Hồ Chủ tịch đọc Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Việt Bắc. |
Đảng Lao động Việt Nam sẽ kết nạp những công nhân, nông dân, lao động trí óc, thật hăng hái, thật giác ngộ cách mạng; stheo chủ nghĩa Mác-Lênin; tổ chức theo chế độ dân chủ tập trung; có kỷ luật sắt, đồng thời là kỷ luật tự giác; dùng lối phê bình và tự phê bình để giáo dục đảng viên, giáo dục quần chúng; đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng Lao động Việt Nam phải là một Đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để... Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”.
Ngày 11/2/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài nói chuyện tại Hội nghị đại biểu những người tích cực trong phong trào văn hóa quần chúng. Trong bài phát biểu, Người nhấn mạnh, muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hoá và nhiệm vụ của người cán bộ văn hoá là phải dùng văn hoá để tuyên truyền cho việc cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.
“Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, trình độ văn hoá của cán bộ và nhân dân còn thấp, do đó, còn hạn chế nhiều kết quả trong công tác, trong sản xuất. Nhiệm vụ các cô, các chú là phải cố gắng hơn nữa, góp phần nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân” - Người nhấn mạnh.
Cũng trong ngày này, báo Nhân Dân đăng bài “Không để một khe hở” biểu dương những người dân bình thường phát hiện cho báo Đảng những hiện tượng lãng phí và cho rằng “họ đáng làm gương cho một số người được Nhà nước giao cho trông nom hoặc sử dụng của cải chung mà chưa làm trọn trách nhiệm”.
Ngày 11/2/1952, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đăng thư Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi bộ đội, dân công nhân dịp Tết. Trong thư Bác đã khen ngợi và gửi lời chúc mừng năm mới vệ quốc quân, bộ đội địa phương, dân quân du kích đã thi đua giết giặc lập công, và toàn thể đồng bào đã tham gia dân công phục vụ chiến dịch. Bác cũng nêu tên một số tấm gương thanh niên kiểu mẫu trong bộ đội và trong các đội thanh niên xung phong.
Ngày 11/2/1967, Bác họp Bộ chính trị để bàn việc trả lời Giáo hoàng Pôluýt VI và Tổng thống Mỹ L.B.Johnson. Trước đó, trong ngày 8/2/1967, vị giáo chủ của Toà thánh Vatican đã gửi điện ( lần thứ ba) đến Chủ tịch Hồ Chí Minh “tỏ ý muốn sớm có giải pháp hoà bình ở Việt Nam” và Tổng thống Mỹ đã viết một bức thư gửi người đứng đầu Nhà nước Việt Nam nêu những điều kiện chấm dứt chiến tranh.