Chuyên mục Ngày này năm xưa trên Vuasanca tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương, quốc tế và các sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 14/5.
Sự kiện trong nước
Ngày 14/5/1951: Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ký Sắc lệnh số 21 - SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Trải qua 72 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, ngành Công Thương đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, khẳng định vị trí đặc biệt trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp quan trọng cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Cùng ngày theo Sắc lệnh số 22 – SL, thành lập trong Bộ Công Thương một cơ quan kinh doanh lấy tên là Sở Mậu dịch; bãi bỏ Cục Ngoại thương và Sở Nội thương. Sở Mậu dịch có các nhiệm vụ: Tổ chức việc buôn bán trong nước; tổ chức buôn bán trao đổi với nước ngoài; tổ chức việc đấu tranh mậu dịch với địch.
Ngày 2/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1418/QĐ-TTg quyết định lấy ngày 14/5 hàng năm là "Ngày truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam”.
Ngày 14/5/2011: Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ngày 14/5/1946: Bộ trưởng Bộ Nội vụ duyệt y chia thành phố Hà Nội ra làm 17 khu, mỗi khu có tên riêng: Khu Trúc Bạch, khu Đồng Xuân, khu Thăng Long, khu Đông Thành, khu Đông Kinh Nghĩa Thục, khu Hoàn Kiếm, khu Văn Miếu, khu Quán Sứ, khu Đại Học, khu Bẩy Mẫu, khu Chợ Hôm, khu Lò Đúc, khu Hồng Hà, khu Long Biên, khu Đồng Nhân, khu Vạn Thái, khu Bạch Mai.
Ngày 14/5/1976: Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 109/QĐ-QP thành lập Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Ngày 14/5/1992: Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng phát động Phong trào "Tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa" trong cả nước, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân với những người có công với nước.
Ngày 14/5/1996: Ngày mất của nhạc sĩ Xuân Hồng. Ông tên thật là Nguyễn Hồng Xuân, sinh năm 1928. Các ca khúc của ông như Bài ca may áo, Xuân chiến khu, Chiếc khăn tay, Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, Người mẹ của tôi, Mùa xuân bên cửa sổ… được nhiều người yêu thích. Ông được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Ngày 14/5/2016: Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngày 14/5/2018: Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025”.
Ngày 14/5/2011: Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 13/2014/TT-BCT quy định về hoạt động công vụ của công chức quản lý thị trường. Thông tư quy định những việc công chức quản lý thị trường không được làm trong hoạt động công vụ.
Ngày 14/5/2015: Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4665/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất sản phẩm cao su Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Quy hoạch nhằm xây dựng và phát huy các nguồn lực để phát triển sản xuất sản phẩm cao su Việt Nam đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm tỷ trọng nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu.
Ngày 14/5/2015: Bộ Công Thương công bố quy trình thí điểm cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua internet, cụ thể thông qua hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử cấp độ 4 – eCosys của Bộ Công Thương tại địa chỉ .
Ngày 14/5/2020: Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 09/2020/TT-BCT quy định về lộ trình áp dụng cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu đối với hàng hoá kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan.
Ngày 14/5/2020: Bộ Công Thương ban hành Văn bản hợp nhất 54/VBHN-BCT hợp nhất Nghị định quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Nghị định này áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Sự kiện quốc tế
Ngày 14/5/1771: Ngày sinh của Robert Owen là một nhà xã hội không tưởng người Anh. Ông mất ngày 17/11/1858. Với khả năng trí tuệ nhạy bén và môi trường hoạt động, ông đã làm nhiều việc để cải thiện điều kiện lao động và đời sống của công nhân. Ông có những suy nghĩ sâu sắc về xã hội tư bản và những dự định cải tạo xã hội đó. Ông chuyển dần từ chủ nghĩa từ thiện sang chủ nghĩa xã hội không tưởng.
Ngày 14/5/1936: Mặt trận nhân dân do Đảng Cộng sản Pháp làm nòng cốt đã giành thắng lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử năm 1936.
Ngày 14/5/1948: Israel tuyên bố là một nhà nước độc lập và thành lập chính phủ lâm thời. Ngay sau khi tuyên bố, Israel bị các quốc gia Ả rập lân cận tấn công, gây ra cuộc chiến tranh Ả rập - Israel.
Ngày 14/5/1955: Các nước Liên Xô, Bulgaria, Hungary, Cộng hòa Dân chủ Đức, Ba Lan, Romania, Albania và Tiệp Khắc đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ tại Warszawa (Ba Lan), đánh dấu sự ra đời của Tổ chức Hiệp ước Warszawa - một liên minh quân sự - chính trị của các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu.
Ngày 14/5/1973: Skylab, trạm không gian đầu tiên của Hoa Kỳ được phóng lên vũ trụ.
Ngày 14/5/1996: Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã ký lệnh chấm dứt việc coi Việt Nam là khu vực chiến sự sau 21 nǎm quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Sắc lệnh của Mỹ quy định Việt Nam là khu vực chiến sự được ban hành từ ngày 24/4/1965.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 14/5/1922: Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc biểu tình phản đối chiến tranh do Đảng Cộng sản Pháp và Công đoàn Cách mạng quận “Seine” tổ chức tại Paris.
Ngày 14/5/1924: tập san “Inprekor” của Quốc tế Cộng sản đăng bài “Sự phá sản của chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc. Nhân việc Albert Sarraut, nguyên Toàn quyền Đông Dương và từng là Bộ trưởng Bộ Thuộc địa phải rời khỏi Chính phủ Pháp, bài viết đưa ra lời bình luận: “Việc cách chức này một lần nữa lại chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng chế độ thực dân Pháp đã phá sản”.
Ngày 14/5/1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Hội đồng Chính phủ tiếp tục nghe phái đoàn Chính phủ từ Hội nghị trù bị ở Đà Lạt trở về báo cáo tình hình và bàn về một số vấn đề ngoại giao. Trong ngày, Bác gửi điện đến Cao ủy Đô đốc Pháp D’ Argenlieu cảm ơn việc Chính phủ và Quốc hội Pháp đã đón tiếp trọng thị Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã đến nước Pháp.
Ngày 14/5/1954: Bác trả lời các câu hỏi của Hãng thông tấn Nam Dương Antara (Indonesia) phỏng vấn một tuần sau Chiến thắng Điện Biên Phủ và vào thời điểm Hội nghị Geneve đang họp. Bác nêu rõ quan điểm: “Nhân dân Việt Nam anh dũng chiến đấu mục đích là thực hiện một nước hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do... Nhân dân Việt Nam luôn luôn muốn giành độc lập và giải phóng nước Việt Nam bằng con đường hoà bình...”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu học sinh Hà Nội đến chúc thọ Người (tháng 5/1956) - Ảnh: Đinh Đăng Định |
Ngày 14/5/1961: Báo Nhân Dân đăng Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thiếu niên, nhi đồng cả nước nhân kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong (15/5). Người căn dặn các cháu cố gắng thực hiện tốt 5 điều: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào - Học tập tốt, lao động tốt - Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt - Giữ gìn vệ sinh - Thật thà, dũng cảm”. Bác cũng dặn: “Mai sau, các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Sự kiện trong ngày 14/5/2023
Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023 - SEA Games lần thứ 32 tiếp tục các nội dung thi đấu (đến 17/5/2023).
Khai mạc Tuần Văn hoá, Du lịch tỉnh Hà Năm năm 2023 tại Khu du lịch Tam Chúc và Chương trình giao lưu nghệ thuật truyền thống Việt Nam – Nhật Bản nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (21/9/2023).