Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Vuasanca tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và ngành Công Thương; sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các sự kiện quốc tế ngày 16/10.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 16/10/1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, Quyết nghị nêu rõ: “...Trung ương quyết định thành lập Ban kiểm tra đi xuống các khu xét xem chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát đúng không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để thu thập kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết chính sách của Đảng…”. Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên do đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng làm Trưởng ban; nơi làm việc tại đồi Pụ Miếu, xóm Phủng Hiển, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Sau này, Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII quyết định lấy ngày 16/10/1948 là Ngày truyền thống của ngành Kiểm tra Đảng.
Ngày 16/10/1990, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới.
Ngày 16/10/1996, Bộ Thương mại ban hành Thông tư số 15-TM/CSTTTN hướng dẫn về việc tổ chức và quản lý chợ.
Ngày 16/10/2000, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 100/2000/TT-BTC Quy định chế độ chi tiêu tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam và chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.
Ngày 16/10/2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 41/2006/QĐ-BGDĐT Quy định về tổ chức và các hoạt động thanh tra các kỳ thi.
Ngày 16/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
Ngày 16/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 129/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
Ngày 16/10/2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 36/2018/TT-BCT Quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực |
Ngày 16/10/2014, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 9307/QĐ-BCT về việc ban hành Chương trình hành động của Bộ Công Thương triển khai Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt nam là thành viên của Tổ chức thương mại Thế giới.
Ngày 16/10/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 38/2017//TT-BTNMT Quy định phương pháp quy đổi từ giá tính thuế tài nguyên để xác định giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Ngày 16/10/2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 36/2018/TT-BCT Quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.
Thông tư số 36/2018/TT-BCT áp dụng đối với đối tượng là tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực trong các lĩnh vực: Tư vấn chuyên ngành điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện.
Tại Điều 12 Thông tư này quy định, giấy phép hoạt động điện lực bị thu hồi trong trường hợp sau: Đơn vị điện lực vi phạm Điều 37 Luật Điện lực; Đơn vị điện lực có nhu cầu ngừng hoạt động hoặc chuyển giao hoạt động được cấp phép cho đơn vị khác; Khi có đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do đơn vị điện lực vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan; Đơn vị phát điện không thực hiện quy định tại Khoản 7, Khoản 8 Điều 15 Thông tư này; Đơn vị điện lực vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 11 Điều 15 Thông tư này.
Theo đó, giấy phép hoạt động điện lực bị thu hồi theo từng lĩnh vực, phạm vi hoạt động. Đơn vị điện lực bị thu hồi có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị sửa đổi giấy phép hoạt động điện lực phù hợp với quyết định thu hồi giấy phép. Cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động điện lực thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của mình.
Ngày 16/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định về vận tải đa phương thức.
Ngày 16/10/2019, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3138/QĐ-BCT về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ
Ngày 16/10/2020, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGTVT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đăng kiểm.
Ngày 16/10/2022, Chính phủ đã ban hành Báo cáo số 417/BC-CP về việc Tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/7/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Sự kiện quốc tế
Ngày 16/10/1945, Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc (viết tắt là FAO) ra đời. Mục tiêu cơ bản của FAO là nâng cao mức sống cũng như mức dinh dưỡng của nhân dân các nước thành viên. Ngoài ra, nâng cao hiệu quả của việc sản xuất lương thực và nông sản. Góp phần vào việc phát triển kinh tế thế giới và giải phóng nhân dân khỏi nạn đói.
Việt Nam gia nhập FAO từ năm 1950 dưới chính thể Quốc gia Việt Nam. Năm 1955 chuyển sang Việt Nam Cộng hòa rồi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1975, nhưng đến năm 1978, FAO mới chính thức mở Văn phòng đại diện tại Hà Nội. Kể từ đó đến nay, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và FAO ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực. Hỗ trợ của FAO đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và lương thực ở Việt Nam một cách có hiệu quả và thu được những thành tựu to lớn. Cho đến nay, FAO đã giúp Việt Nam thực hiện hơn 100 dự án tập trung vào các lĩnh vực lập chính sách, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, an ninh lương thực, dinh dưỡng…
Ngày 16/10/1945 tại Quebec, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc chính thức được thành lập với hơn 20 thành viên. (Ảnh: fao.org) |
Ngày 16/10/1968, ông Kawabata Yasunari trở thành người Nhật đầu tiên được trao giải Nobel Văn học. Kawabata Yasunari là tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên và người châu Á thứ ba, sau Rabindranath Tagore (Ấn Độ năm 1913) và Shmuel Yosef Agnon (Israel năm 1966), đoạt Giải Nobel Văn học vào năm 1968. Kawabata được nhận xét là một nhà văn bí ẩn, giấu cuộc sống cá nhân của mình đằng sau những áng văn xuôi đầy mê hoặc. Trong đó, mối tình đầu bi thảm và những trải nghiệm đau lòng này được cho là đã ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới quan văn học của Kawabata.
Ngày 16/10/1978, Karol Józef Wojtyła được bầu làm giáo hoàng, lấy tông hiệu Gioan Phaolô II, là giáo hoàng đầu tiên không phải người Ý kể từ thế kỷ 16.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 16/10/1925, với bút danh Nilốpxki (Nilovsky), Nguyễn Ái Quốc viết báo cáo gửi Quốc tế Nông dân về “Phong trào nông dân tỉnh Quảng Đông”. Báo cáo nêu bật sự phát triển của phong trào nông dân tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) về các mặt tổ chức, hoạt động và đấu tranh, đặc biệt là ở bốn huyện Hải Phòng, Quảng Ninh, Hoa Yên và Vệ Hoa. Nguyễn Ái Quốc cho biết, đông đảo nông dân Quảng Đông đã được tập hợp trong các hội nông dân. Hưởng ứng lời kêu gọi của hội, nông dân đã tổ chức lực lượng tự vệ của mình, xuống đường tuần hành đòi giảm tô, giảm tức, tiến hành nhiều cuộc biểu tình bày tỏ tình đoàn kết với anh em công nhân bãi công...
Bác Hồ tiếp các đại biểu nhân dân Thủ đô ngày 16-10-1954. (Ảnh tư liệu) |
Ngày 16/10/1954, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô Hà Nội. Mở đầu buổi tiếp, Người nói: "Đã 8 năm xa cách, thời gian đâu phải ngắn, ta cũng nên gặp mặt nhau. Việc quan trọng nhất trước mắt ta là: Sản xuất, khôi phục sản xuất. Nếu mọi người thực sự hoan nghênh Đảng và Chính phủ trở về thì hãy đem cái tinh thần quý báu đó vào công việc trên...". Tiếp đó Hồ Chủ tịch biểu dương những thành tích của bộ đội, cán bộ, nhân dân trong việc tiếp quản Thủ đô, trong khôi phục các hoạt động và ổn định sinh hoạt của nhân dân.
Ngày 16/10/1968, Bác gửi điện mừng tới đồng chí Enver Hoxha, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng lao động Albania nhân dịp sinh nhật lần thứ 60 của ông. Trong thư Bác thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chúc đồng chí Enver Hoxha sức khỏe để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng Lao động và nhân dân Albania anh em.