Ngày này năm xưa 16/8: Quốc dân Đại hội Tân Trào, Kế hoạch cơ cấu lại ngành Công nghiệp Việt Nam
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Vuasanca tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương và quốc tế ngày 16/8; các sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 16/08/2019, Bộ Công Thương có Công văn 6012/BCT-TTTN về việc điều hành kinh doanh xăng dầu; Quyết định 2541/QĐ-BCT bổ sung danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được.
Ngày 16/08/2018, Quyết định 2903/QĐ-BCT về "Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành Công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025".
Ngày 16/08/2016, Công điện 19/CĐ-TW hồi 18h 30 ngày 16/8/2016 về việc chủ động đối phó với diễn biến của các cơn áp thấp nhiệt đới; Công văn 7589/BCT-KH về việc tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành kế hoạch năm 2016 của toàn ngành Công Thương.
Ngày 16/08/2011, Quyết định 4119/QĐ-BCT về việc bổ sung danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được; Quyết định 4138/QĐ-BCT về việc bổ sung danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được; Quyết định 1462/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020.
Ngày 16/08/2006, Quyết định 28/2006/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) về việc ban hành quy chế quản lý kỹ thuật an toàn về giao nhận, vận chuyển khí dầu mỏ hoá lỏng bằng bồn chứa.
Ngày 16/08/2006, Bộ Công Nghiệp (nay là Bộ Công Thương) có văn bản 0331/BTM-DM Chuyển tiêu chuẩn hạn ngạch Ký quỹ/ bảo lãnh giữa các thương nhân xuất khẩu cho cùng một khách hàng nước ngoài Cat.338/339, 340/640, 341/641, 347/348, 638/639 và 647/648; Văn bản 0327/BTM-DM Hướng dẫn thực hiện quản lý đối với hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ có đơn giá thấp hơn giá quy định của Liên Bộ tại thông báo 0262/BTM-DM ngày 07/07/2006; Văn bản 0326/BTM-DM về điều hành hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may.
Ngày 16/8/1935, tại phiên họp thứ 40 Đại hội lần thứ 7 của Quốc tế cộng sản, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (lấy tên là Phan Lan) đã đọc tham luận. Bản tham luận nêu rõ phong trào đấu tranh và những thành tích của phụ nữ Đông Dương, sau đó đề cập đến vai trò phụ nữ trong cuộc đấu tranh hòa bình.
Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào, tiền thân của Quốc hội Việt Nam đã được triệu tập tại Tân Trào. Đây là dịp để những người đại biểu nói lên tiếng nói của tầng lớp mình, quyết định tương lai của đất nước, cũng là hình thức tập dượt để chuẩn bị ra đời Quốc hội trong những năm tháng tiếp theo.
Quốc dân Đại hội được triệu tập ở Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 16 đến 17/8/1945. Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu Trung, Nam, Bắc, đại biểu kiều bào ở nước ngoài, đại biểu các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc và tôn giáo... Đại hội đã quán triệt đường lối của Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương đã tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Đại hội thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh là:
1. Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập.
2. Võ trang nhân dân. Phát triển quân Giải phóng Việt Nam.
3. Tịch thu tài sản của giặc nước và của Việt gian, tùy từng trường hợp sung công làm của quốc gia hay chia cho dân nghèo.
4. Bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra; đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ.
5. Ban bố những quyền của dân cho dân: Nhân quyền; Tài quyền (quyền sở hữu); Dân quyền: Quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền;
6. Chia lại ruộng công cho công bằng, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ, cứu tế nạn dân.
7. Ban bố luật lao động; ngày làm tám giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm.
8. Xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp. Mở quốc gia ngân hàng.
9. Xây dựng nền quốc dân giáo dục; chống nạn mù chữ, phổ thông và cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ cấp. Kiến thiết nền văn hóa mới.
10. Thân thiện và giao hảo với các nước Đồng minh và các nước nhược tiểu dân tộc để giành lấy sự đồng tình và sức ủng hộ của họ.
Đại hội còn quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa. Quốc ca là bài "Tiến quân ca" và cử ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ủy ban giải phóng dân tộc giao quyền chỉ huy cho Ủy ban khởi nghĩa toàn quyền hành động.
Đại hội Quốc dân Tân Trào đã thể hiện được sự đoàn kết nhất trí và ý chí quyết thắng của cả dân tộc trong mặt trận Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Sự kiện quốc tế
Ngày 16/8/1945, Hoàng đế Mãn Châu Quốc Phổ Nghi, vị Hoàng đế cuối cùng của triều Thanh, bị Quân đội Liên Xô bắt trong lúc ông đang chuẩn bị chạy trốn sang Nhật Bản.
Ngày 16/8/1762, trong Chiến tranh Bảy năm, quân Phổ giành chiến thắng trước quân Áo trong trận Reichenbach.
Ngày 16/8/873, sau khi phụ hoàng Đường Ý Tông qua đời, Hoàng thái tử Lý Huân trở thành hoàng đế triều Đường, tức Đường Hy Tông.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 16/8/1935, Nguyễn Ái Quốc đăng ký bản khai đại biểu tham dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản trong đó nêu một số chi tiết: “... Họ, tên, bí danh trong Đại hội: Lin... Thành phần xuất thân: Gia đình trí thức. Trình độ học vấn: Tự học... Từ năm 1928, tổ chức phong trào công nhân và nông dân ở Xiêm. Năm 1930-1931, tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương... Năm 1931, bị bắt, bị tù 2 năm... Đã tham gia Đại hội V Quốc tế Cộng sản… và Đại hội Quốc tế Công đoàn...”.
Tranh vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Đại hội Quốc dân tại đình Tân Trào (Tuyên Quang). Ảnh tư liệu |
Ngày 16/8/1945, tại ngôi đình ở Tân Trào, Đại hội Quốc dân gồm 60 đại biểu thuộc nhiều tầng lớp xã hội tiêu biểu, từ nhiều địa phương trong cả nước dự, đã bầu Ủy ban Giải phóng Dân tộc do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Ngay sau ngày Nhật Bản đầu hàng Đồng minh (15/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một bức thư gửi Trung úy Giôn trong cơ quan tình báo của Mỹ (OSS) để chuyển thông điệp: “Ủy ban dân tộc giải phóng của Mặt trận Việt Minh yêu cầu nhà cầm quyền Hoa Kỳ thông báo cho Liên hợp quốc rằng: Chúng tôi đã đứng về phía Liên hợp quốc chống lại bọn Nhật. Nay bọn Nhật đã đầu hàng. Chúng tôi yêu cầu Liên hợp quốc thực hiện lời hứa long trọng của mình là tất cả các dân tộc đều được hưởng dân chủ và độc lập. Nếu Liên hợp quốc nuốt lời hứa long trọng này và không thực hiện cho Đông Dương được hoàn toàn độc lập thì chúng tôi sẽ cương quyết chiến đấu cho đến khi giành được nền độc lập hoàn toàn”.
Ngày 16/8/1951, Bác ra “Lời kêu gọi nhân dịp Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập”, nêu rõ: “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do, tự chủ.
Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta cách mạng thành công, giành được độc lập. Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy mà quân và dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn thiếu thốn, đói khổ, tang tóc, quyết một lòng đánh tan quân giặc cướp nước. Nhờ lực lượng ấy mà với tầm vông và súng hỏa mai ban đầu, chúng ta đã liên tiếp thắng địch... Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta sẽ đuổi sạch thực dân Pháp ra khỏi đất nước ta và lấy lại thống nhất và độc lập thật sự...”.
Ngày 16/8/1958, Bác gửi thư tới Đại hội Nhân dân Việt Nam bảo vệ hòa bình họp tại Hà Nội, đưa ra quan điểm: “Cho nên phong trào hòa bình phải gắn liền với phong trào độc lập dân tộc... Giữ gìn hòa bình là nhiệm vụ chung của toàn dân. Mỗi người dân Việt Nam phải là một chiến sĩ hăng hái đấu tranh cho hòa bình” .
Ngày 16/8/1965, Báo Nhân Dân đăng bài Bác trả lời phỏng vấn của nhà báo Pháp nổi tiếng Philíp Đơvile (Philippe Devilers) về giải pháp chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, với thông điệp: “Chính phủ Mỹ phải chấm dứt ngay những cuộc tiến công bằng không quân vào lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam nước chúng tôi, rút quân đội và các loại vũ khí Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Đó là “hòa bình trong danh dự”, ngoài ra không có con đường nào khác”.
Trong “Thư gửi Đại hội nhân dân Việt Nam bảo vệ hòa bình”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngày 16/8/1958, Báo Nhân Dân đăng trên số 1618, ngày 17/8/1958, có câu: “Giữ gìn hòa bình là nhiệm vụ chung của toàn dân. Mỗi người dân Việt Nam phải là một chiến sĩ hăng hái đấu tranh cho hòa bình”. Trong suốt tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước, dân tộc Việt Nam phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống lại các thế lực ngoại xâm để giành và bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trải qua nhiều cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, với biết bao mất mát, hy sinh, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam nhận rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Bởi vậy yêu chuộng hòa bình là một trong những truyền thống nổi bật, là nét đẹp văn hóa tiêu biểu và cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của mỗi người dân Việt Nam.