Chuyên mục “Ngày này năm xưa” ngày 21/12, Vuasanca tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngành Công Thương, trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 21/12.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 21/12/1954: Bác Hồ đã đến thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ và căn dặn cán bộ công nhân viên: “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa”.
Sự kiện này đã trở thành một mốc son lịch sử và ngày 12/10/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1594/QĐ-TTg lấy ngày 21/12 hằng năm trở thành Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam.
Bác Hồ đến thăm cán bộ, nhân viên Nhà máy đèn Bờ Hồ - Ảnh: QĐND |
Kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam - Ảnh: Internet |
Trong 69 năm qua, ngành Điện lực Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Từ chỗ khi tiếp quản từ chế độ cũ, công suất hệ thống điện ở miền Bắc vào cuối năm 1954 chỉ có 31,5 MW, đến nay hệ thống điện đã có quy mô đứng thứ 2 khu vực Đông - Nam Á, thứ 23 thế giới, trong đó công suất nguồn điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu là hơn 30.000 MW và hệ thống lưới điện vươn rộng toàn bộ đất nước, bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.
Trong nhiều năm qua, ngành Điện lực Việt Nam luôn được gắn liền với những công trình điện lớn, mang tầm quốc tế và khu vực. Đặc biệt, trong giai đoạn một thập kỷ gần đây, EVN đã có những bước phát triển nhanh chóng và có nhiều thành tựu quan trọng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ ngày 21 đến ngày 27/12/1965: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa III họp Hội nghị lần thứ 12.
Hội nghị đã định ra nhiệm vụ, chủ trương, phương châm thích hợp với tình hình mới, động viên cả nước kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ
Hội nghị đề ra nhiệm vụ: "Động viên lực lượng của cả nước kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất cứ tình huống nào để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước..."
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 12 là một văn kiện lịch sử quan trọng về lý luận cũng như thực tiễn trong cuộc đấu tranh Cách mạng của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ.
Ngày 21/12/1972: Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ra "Tuyên bố về bước leo thang chiến tranh mới của chính quyền Níchxơn" với quy mô và mức độ tàn phá chưa từng thấy và vạch trần thủ đoạn lật lọng xảo quyệt của chính phủ Mỹ không chịu ký Hiệp định "chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam" như đã thỏa thuận.
Ngày 21/12/2012: Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21/CT-TW về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ngày 21/12/2020: Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành 07 Thông tư về các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực hóa chất, gồm:
1. Thông tư số 45/2020/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2020 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hàm lượng thủy ngân trong đèn huỳnh quang (QCVN 02A: 2020/BCT).
2. Thông tư số 46/2020/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2020 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng natri hydroxit công nghiệp (QCVN 03A: 2020/BCT).
3. Thông tư số 47/2020/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2020 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp (QCVN 04A: 2020/BCT).
4. Thông tư số 48/2020/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2020 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm (QCVN 05A: 2020/BCT).
5. Thông tư số 49/2020/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2020 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng Poly Aluminium Chloride (PAC) (QCVN 06A: 2020/BCT).
6. Thông tư số 50/2020/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2020 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng Amôniắc công nghiệp (QCVN 07A: 2020/BCT).
7. Thông tư số 51/2020/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2020 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng chì trong sơn (QCVN 08: 2020/BCT).
Sự kiện quốc tế
Ngày 21/12/1937: Lần đầu công chiếu phim Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn tại Mỹ.
Ảnh: Disney |
Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn là phim hoạt họa màn ảnh đại vĩ tuyến được sản xuất năm 1937, phim hoạt hình điện ảnh đầu tiên của Walt Disney. Mặc dù không phải phim hoạt ảnh đầu tiên được sản xuất, đây vẫn là bộ phim hoạt hình điện ảnh đầu tiên thành công rộng rãi trong cộng đồng nói tiếng Anh và là phim đầu tiên sử dụng âm thanh trên phim.
Ngày 21/12/1949: Thành lập Giải thưởng Quốc tế Stalin
Có 4 người Việt Nam đã từng nhận được giải thưởng này là các đồng chí Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Định, Lê Duẩn và Nguyễn Hữu Thọ.
Ngày 21/12/1972: Đông Đức và Tây Đức ký hiệp định chính thức chấm dứt hai thập kỷ thù địch trong thời kỳ chiến tranh lạnh
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 21/12/1941: Báo Việt Nam Độc lập đăng bài “Thế giới đại chiến và phận sự dân ta” của Nguyễn Ái Quốc. Sau khi phân tích nguy cơ chiến tranh, bài báo nêu câu hỏi “Thế thì dân ta nên làm sao để tránh khỏi cái nạn ấy?” và trả lời: “Dân ta nên làm hai việc: 1 là - Bất kỳ quân đội nào tới gần vùng mình, dân ta phải làm cách “nhà không vườn trống”... Chỉ bao giờ Việt Minh có lệnh giúp cho quân đội nào thì dân ta sẽ giúp cho quân đội ấy. 2 là - Dân ta phải mau mau tổ chức lại. Nông dân phải vào “Nông dân Cứu quốc hội”. Thanh niên phải vào “Thanh niên Cứu quốc hội”. Phụ nữ vào “Phụ nữ Cứu quốc hội”... Các bậc phú hào văn sĩ vào “Việt Nam Cứu quốc hội”... Hỡi đồng bào! Cơ hội giải phóng đến rồi, mau mau đoàn kết lại!!!”.
Bác Hồ đã sống cả cuộc đời thanh bạch từ ăn, ở đến phương tiện sử dụng phục vụ công việc hàng ngày. Đây là hình ảnh bữa cơm đạm bạc của Bác Hồ và các chiến sỹ ở Tân Trào - Ảnh: QĐND |
Ngày 21/12/1946: Hơn một ngày sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ trên cả nước, Bác viết thư “Gửi dân chúng Việt Nam, dân chúng Pháp, dân chúng các nước đồng minh”. Trong đó nêu rõ: “Dân tộc Việt Nam nay bị đặt trước hai đường: một là khoanh tay, cúi đầu trở lại nô lệ; hai là đấu tranh đến cùng để giành lấy tự do và độc lập. Không! Dân tộc Việt Nam không để cho người ta trở lại thống trị nữa. Không! Dân tộc Việt Nam không bao giờ muốn trở lại nô lệ nữa. Dân tộc Việt Nam thà chết chứ không chịu mất độc lập và tự do... Tất cả quốc dân Việt Nam phải đứng dậy bảo vệ Tổ quốc!”.
Ngày 21/12/1951: Báo Cứu Quốc đăng bài “4 thành 0, 6 thành 4” của Bác kêu gọi: “Quân ta hăng hái thi đua giết giặc lập công. Dân ta hăng hái thi đua nộp thuế nông nghiệp để nuôi bộ đội giết giặc. Thì giặc Pháp sẽ hết ngõ, cùng đường”.
Ngày 21/12/1954: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy điện Yên Phụ và Nhà máy điện Bờ Hồ (nay là Công ty điện lực Hà Nội). Ở hai nhà máy, Bác Hồ đã thăm hỏi sức khoẻ, tình hình sinh hoạt, công việc của công nhân, cán bộ. Bác nói:
"Bác thay mặt Chính phủ khen ngợi và cảm ơn các cô, các chú. Bây giờ nhà máy thuộc về các cô, các chú, tất cả các cô, các chú phải đoàn kết chặt chẽ hăng hái thi đua để xứng đáng là người chủ của nhà máy".
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân là một việc làm cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất độc lập, dân chủ và giàu mạnh" - Ảnh: QĐND |
Ngày 21/12/1954: Bác viết bài “Đế quốc Mỹ ráo riết phá Hội nghị Giơnevơ nhưng chúng đã thất bại nhục nhã” đăng trên Báo Nhân Dân, khẳng định: “Thành công của Hội nghị Giơnevơ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Đông Dương, nhân dân Pháp và nhân dân thế giới”.
Ngày 21/12/1956: Hồ Chủ tịch gửi thư Quân đội nhân dân Việt Nam nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân.
Trong thư Bác căn dặn, “Quân đội ta cần phải phát huy truyền thống cách mạng anh dũng và vẻ vang, nâng cao chí khí phấn đấu, giữ vững kỷ luật, đoàn kết trên dưới, đoàn kết quân dân, ra sức làm tròn mọi nhiệm vụ do Đảng và Chính phủ giao phó cho”.
Ngày 21/12/1960: Báo Nhân Dân đăng bài có nhan đề “Tiết kiệm” của Bác với lời kết luận: “Thực hành tiết kiệm tức là trực tiếp góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Đồng bào ta nên luôn luôn ghi nhớ điều đó!”.