Ngày này năm xưa 26/1: Bác Hồ mong muốn ngành công nghiệp phải quyết tâm vượt mức kế hoạch Ngày này năm xưa 27/1: Ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam |
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Vuasanca tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương, quốc tế và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 29/1.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 29/01/2020, Bộ Công Thương ban hành chỉ thị về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Ngày 29/1/2015, Văn phòng Chính phủ có công văn về việc phát triển lưới điện cung cấp điện cho các trạm bơm quy mô vừa và nhỏ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ảnh minh họa |
Ngày 29/01/2013, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 669/QĐ-BCT về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin.
Ngày 29/01/2013, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 619/QĐ-BCT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Xuất nhập khẩu.
Ngày 29/01/2013, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 668/QĐ-BCT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Công tác phía Nam.
Ngày 29/01/2003, Quyết định 20/2003/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam giai đoạn 2003 - 2010 có xét triển vọng đến năm 2020.
Ngày 29/01/2002, Bộ Công nghiệp có Quyết định 11/2002/QĐ-BCN về việc giao kế hoạch năm 2002.
Ngày 29/1/1997, Bộ Công nghiệp có Quyết định 197/1997/QĐ-BCN về việc đổi tên Công ty Khảo sát và thiết kế Mỏ thành Công ty Tư vấn xây dựng Mỏ và Công nghiệp.
Ngày 29/1/1907, ngày mất nhà thơ Trần Tế Xương. Ông quê ở Vị Xuyên, tỉnh Nam Định. Mọi người thường gọi ông là Tú Xương. Phần lớn sáng tác của ông là thơ nôm, viết về con người thực, cảnh sống thực, khá tiêu biểu của một xã hội thực dân, nửa phong kiến. Nghệ thuật trào phúng trong thơ Tú Xương rất sắc sảo, ít có trong vǎn học nước nhà.
Từ ngày 29/1 - 13/2/1954, chiến dịch tiến công của Đại đoàn 308 và một bộ phận lực lượng vũ trang Pathet Lào trong Chiến cục Đông Xuân (1953-1954), nhằm phá vỡ phòng tuyến sông Nậm Hu (Thượng Lào), mở rộng vùng giải phóng của cách mạng Lào, cô lập Pháp ở Điện Biên Phủ, tiêu diệt sinh lực địch và làm lạc hướng phán đoán của địch, tạo điều kiện cho bộ đội Việt Nam chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ (từ ngày 13/3 đến 7/5/1954).
Hoàng thân Souphanouvong và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch phối hợp mở chiến dịch Thượng Lào, năm 1953 |
Chiến dịch Thượng Lào 1954 đạt trọn vẹn mục tiêu cả chiến lược và chiến dịch, làm phá sản ý định của Nava chiếm đóng Điện Biên Phủ để bảo vệ Thượng Lào, bảo vệ Luang Prabang. Pháp buộc phải tăng quân cho Mường Sài và Luang Prabang, lực lượng cơ động một lần nữa bị phân tán. Chiến dịch Thượng Lào (năm 1954) do Đại đoàn 308 tiến hành đã thu hút mạnh mẽ sự chú ý, theo dõi của quân Pháp trên chiến trường Đông Dương, nghi binh đánh lạc hướng chúng về Thượng Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ chuẩn bị tốt mọi mặt, thực hiện thắng lợi phương châm tác chiến mới. Chiến thắng Thượng Lào còn tạo điều kiện cho Trung đoàn 148 cùng bộ đội Pathet Lào giải phóng Bun Tầy, Bun Nừa, khu vực tỉnh lỵ và một vùng rộng lớn tỉnh Phongxali.
Ngày 29/1/1969, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam quyết định thưởng Huân chương Tổ quốc cho các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam.
Ngày 29/1/1980, Nghị định số 30/NĐ-CP của Chính phủ về quy chế cho tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 29/1/1990, Ban hành Điều lệ Dân quân, tự vệ.
Sự kiện thế giới
Ngày 29/1/1861, Tiểu bang Kansas trở thành tiểu bang thứ 34 của Liên bang Hoa Kỳ.
Ngày 29/1/1963, Anh quốc từ chối tham gia khối Cộng đồng Kinh tế châu Âu.
Ngày 29/1/1996: Tổng thống Pháp Jacques Chirac tuyên bố chắc chắn việc kết thúc thử nghiệm hạt nhân.
Ngày 29/1/2001, Hàng ngàn sinh viên phản đối, xông vào Văn phòng Quốc hội tại Indonesia yêu cầu Tổng thống Abdurrahman Wahid từ chức do dính líu vào tai tiếng tham nhũng.
Ngày 29/1/1860, ngày sinh nhà vǎn Nga nổi tiếng thế giới - Antôn Pavlôvich Tsêkhốp. Chặng đường sáng tác của ông có thể chia làm 3 giai đoạn. Truyện của Tsêkhốp đơn giản về kết cấu, nội dung xã hội sâu sắc, trau truốt, ngắn gọn về ngôn ngữ. Ông mất ngày 15/7/1904.
Ngày 29/1/1866, ngày sinh nhà văn Rônanh Rôlǎng (Romain Rolland). Ông là nhà vǎn lớn người Pháp. Nǎm 1903 ông viết cuốn "Sân khấu của dân chúng" và nhiều vở kịch về đề tài cách mạng Pháp. Ông còn có tác phẩm ca ngợi những nhà tư tưởng, nhà vǎn lớn của nhân loại và viết tiểu sử danh nhân. Ông còn viết một số công trình nghiên cứu âm nhạc. Ông qua đời ngày 30/12/1944.
Sự kiện về Bác Hồ
Ngày 29/1/1949, ngày mùng 1 Tết Nguyên đán năm Kỷ Sửu (1949), ở thời điểm cam go của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã làm bài “Thơ chúc Tết” mang đầy tinh thần khích lệ: “Kháng chiến lại thêm một năm mới, / Thi đua ái quốc thêm tiến tới. / Động viên lực lượng và tinh thần. / Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi. / Người người thi đua. / Ngành ngành thi đua. / Ngày ngày thi đua. / Ta nhất định thắng. / Địch nhất định thua.”
Ngày 29/1/1959, tại phiên họp toàn thể của Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt đại biểu Đảng Lao động Việt Nam đọc Lời chào mừng Đại hội. Người đánh giá cao những thành công to lớn mà nhân dân Liên Xô đã đạt được và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam trong việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn những vết thương chiến tranh, đồng thời nêu rõ những nhiệm vụ và mục tiêu phấn đấu của nhân dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô, ngày 29/1/1959 |
Kết thúc Lời chào mừng, Người nói: “Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng Đại hội lần này của Đảng Cộng sản Liên Xô sẽ mở ra những bước tiến mới của Liên Xô trên con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản, đồng thời những nghị quyết của Đại hội sẽ là một nguồn cổ vũ to lớn thúc đẩy phong trào đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới tiến lên mạnh mẽ hơn nữa”. (Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 12 - NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật).
Ngày 29/1/1960, Bác đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám và đặc biệt quan tâm đến những tấm bia tiến sĩ và gặp gỡ các học sinh trường Phan Châu Trinh.
Ngày 29/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Việt kiều ở Thái Lan mới về nước đến thăm và chúc tết Người. Người thân mật nói chuyện với các đại biểu về tình hình trong nước, những khó khăn của ta trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội và nhắc nhở kiều bào cố gắng làm việc, học tập để góp phần vào công cuộc kiến thiết đất nước.
Ngày 29/1/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Bộ Chính trị bàn về công tác giáo dục lý luận chính trị, vấn đề cải tiến nội dung, biện pháp, hình thức và mục tiêu giáo dục cho từng loại cán bộ. Người chỉ thị: Nội dung giảng dạy phải làm sao cho phù hợp với từng đối tượng, trong chương trình giáo dục nên chú trọng giáo dục “tiêu chuẩn đảng viên”. Về việc giáo dục lý luận chính trị đối với quân đội, Người tán thành đề nghị của đồng chí Trường Chinh: Mỗi tháng tập trung hai ngày thứ bảy và chủ nhật để học. (Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử).