Chợ "online" tăng trưởng mạnh
Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng trong tình hình dịch bệnh Covid-19, hạn chế tụ tập đông người ở một địa điểm, một số cơ sở kinh doanh, siêu thị, nhà hàng, đã bắt đầu ứng dụng công nghệ để đẩy mạnh dịch vụ mua hàng trực tuyến, sẵn sàng "mang chợ về nhà" cho người tiêu dùng.
Với tiện ích trực tuyến, người tiêu dùng có thể mua bất cứ thứ gì qua mạng |
Nếu như trước đây, khách hàng thường quen với việc đến siêu thị hay cửa hàng tiện lợi để mua thực phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt thì nay chỉ cần ngồi tại nhà, với vài thao tác đơn giản như chọn sản phẩm cần mua qua web hoặc liên hệ trực tiếp qua điện thoại đã có thể mang cả “chợ” về nhà. Để dễ dàng hơn, những siêu thị lớn như Big C, Vinmart, từ khi xảy ra dịch bệnh, nhiều khách hàng đã từ bỏ thói quen mua hàng truyền thống qua kênh mua hàng không tiếp xúc trực tiếp như mua hàng qua điện thoại, mạng xã hội, dịch vụ giao hàng tận nhà hay đặt hàng trên web tăng mạnh.
Ông Trần An Khang, đại diện siêu thị BigC Vinh cho biết: “Trong khi lượng khách đến mua sắm trực tiếp giảm thì lượng khách đặt hàng trực tuyến tăng khoảng 250%. Siêu thị bố trí nhân viên trực điện thoại thường xuyên để không gián đoạn việc đặt hàng của khách; bố trí nhân viên giao hàng kịp thời và có chính sách miễn phí ship hàng cho đơn hàng giá trị từ 200.000 đồng trở lên đối với khu vực nội thành Vinh. Do đó, doanh thu của siêu thị vẫn đảm bảo, lao động khôngn phải nghỉ việc mà được luân chuyển sang các vị trí phù hợp với xu hướng mua sắm online”.
Không chỉ có các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi, tại các điểm chợ truyền thống cũng nhanh chóng chuyển hướng để không bị khách hàng bỏ rơi trong mùa dịch. Chị Nguyễn Thị Nga, tiểu thương tại chợ Quang Trung (TP. Vinh) nói, do dịch bệnh, số lượng khách đến mua trực tiếp giảm, nên chị chuyển hẳn sang bán online qua FB, Zalo và điện thoại.
“Trước đây, khách hàng chủ yếu đến mua trực tiếp, số ít đặt qua điện thoại rồi đến lấy. Nay do lo ngại dịch bệnh, nên ít người đi chợ mà chuyển sang đặt hàng qua điện thoại, tin nhắn. Mỗi ngày tôi nhận khoảng 20 - 30 đơn hàng các loại thực phẩm: Cá, giò, xúc xích, thịt… khách yêu cầu gì tôi làm nấy và giao tới tận nhà" - Chị Nga nói và cho biết, lượng đơn hàng khách đặt online tăng khoảng 3-4 lần so với thời điểm chưa có dịch.
Ngoài chương trình giao hàng tận nơi, nhiều cửa hàng kinh doanh, các siêu thị, trung tâm thương mại đã lắp thêm máy POS, thanh toán qua quét mã QR nhằm khuyến khích người tiêu dùng chuyển đổi hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hoặc chuyển khoản để hạn chế lan truyền virus.
Theo ghi nhận, hiện nay các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi thực phẩm đều triển khai chương trình bán hàng qua điện thoại hoặc đặt hàng qua ứng dụng mạng xã hội, trang web. Doanh số qua kênh bán hàng không tiếp xúc này được ghi nhận tăng mạnh, thậm chí có nơi tăng 10 lần so với bình thường.
Khuyến khích sử dụng thương mại điện tử
Với xu hướng “đi chợ tại nhà”, mua sắm online trở thành từ khoá “hot” trong thời Covid-19, ngành Công Thương Nghệ An cũng đã kiến nghị các doanh nghiệp, các siêu thị, chuỗi cửa hàng áp dụng mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử.
Trong khi lượng khách đến mua sắm truyền thống giảm thì lượng khách đặt hàng trực tuyến tăng khoảng 250% |
Bà Nguyễn Thị Thanh Hiếu - Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính – Tổng hợp, Sở Công Thương Nghệ An - cho biết: Việc thúc đẩy, mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến, huy động các doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử là một trong những kịch bản được Bộ Công Thương đưa ra. Qua đó, hỗ trợ người tiêu dùng, vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm vừa hạn chế đến chỗ đông người trong thời kỳ dịch bệnh. Ngoài cơ sở hạ tầng, dịch vụ giao nhận, các doanh nghiệp chuyển sang kinh doanh online cũng cần điều chỉnh hàng hóa phù hợp với nhu cầu của người mua hàng trong thời dịch. Họ cũng cần đầu tư vào biện pháp an toàn vệ sinh, dịch tễ tạo sự an tâm cho khách mua hàng. Ngay cả nhân viên kho vận, giao hàng cũng phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19…
Dịch Covid-19 đã và đang làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các nhà bán lẻ. Như một sự cứu cánh, mua sắm trực tuyến chiếm ưu thế và bùng nổ ấn tượng. Và xu hướng này dự kiến còn kéo dài, đặc biệt là sau khi chính quyền địa phương đã vận động người dân nên tránh tiếp xúc đám đông, tăng cường sử dụng các hình thức trực tuyến để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh.
Mua sắm trực tuyến sẽ trở thành thói quen mua sắm phù hợp với cuộc sống của nhiều đối tượng khách hàng hiện nay, nhất là trong thời đại 4.0. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, để tránh “tiền mất, tật mang”, người tiêu dùng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn các trang mạng mua sắm uy tín, có giấy phép; các trang xã hội có địa chỉ đúng, công khai danh tính rõ ràng; tham khảo phản hồi về chất lượng, giá cả của các khách hàng trước đó. Đồng thời, phản ánh kịp thời lên các lực lượng chức năng về các sự cố, các hành vi lừa đảo trong buôn bán online.