Ông Nguyễn Xuân Sơn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí |
Đánh giá của đồng chí về vai trò Nghị quyết của Đảng đối với Chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí?
Trước tiên tôi phải khẳng định rằng, không phải quốc gia nào trên thế giới có nhiều dầu mỏ là sẽ có ngành công nghiệp dầu khí phát triển. Cũng không phải quốc gia nào có ngành công nghiệp dầu khí phát triển thì có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật hùng hậu. Nói như vậy để thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng, của Bác Hồ, để đến hôm nay, Việt Nam tuy không phải là nước có nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào nhưng đã có ngành công nghiệp dầu khí phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ, từ thăm dò, khai thác đến công nghiệp khí, điện, đạm, chế biến và dịch vụ với gần 6 vạn người lao động, trong đó rất đông chuyên gia kỹ thuật tay nghề cao đang hoạt động hiệu quả ở mọi miền đất nước và ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Từ năm 1959, khi thăm Liên Xô, Bác Hồ đã chính thức đề nghị với bạn: "Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được, tôi hy vọng và tin rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, rồi thì giúp khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu ngày nay". Từ đó, các chuyên gia Liên Xô lần lượt sang Việt Nam giúp phát triển ngành dầu khí.
Trong lịch sử phát triển ngành dầu khí, cứ mỗi lần Đảng ban hành nghị quyết lại là tạo ra bước phát triển mới.
Năm 1975, ngay khi nước nhà vừa thống nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 244 về tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Nghị quyết 244 đã tạo bước nhảy vọt: Đưa nước ta từ nước không có dầu trở thành nước khai thác dầu, xuất khẩu dầu thô, đóng góp lớn cho ngân sách, đặc biệt trong những năm khó khăn 80- 90.
Năm 1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 15 về phương hướng phát triển ngành dầu khí, đã tạo bước phát triển nhảy vọt thứ hai của ngành dầu khí. Bên cạnh sản xuất dầu thô, chúng ta sản xuất chế biến khí, cung cấp khí cho điện (30% công suất điện chạy từ khí), sản xuất LPG phục vụ công nghiệp và dân dụng.
Năm 2006, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 41 về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí, tạo ra bước nhảy vọt thứ ba. Bên cạnh khai thác dầu thô, cung cấp và chế biến khí, sản xuất điện, đạm, chúng ta đã chế biến ra nhiều sản phẩm: xăng, dầu các loại, trên 70% phân đạm cả nước, nhựa polypropylen, xơ sợi; phát triển mạnh dịch vụ cơ khí chế tạo, đẩy mạnh đầu tư tìm nguồn dầu khí ở nước ngoài.
Năm 2014, Tập đoàn Dầu khí đã hoàn thành toàn diện và về đích trước kế hoạch từ 1- 2 tháng tất cả các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Trong đó, nổi bật là sản lượng khai thác dầu thô vượt kế hoạch gần 1,2 triệu tấn đã góp phần quan trọng cùng cả nước đạt mức tăng trưởng GDP 5,98%, nộp ngân sách nhà nước vượt 37,6 ngàn tỷ đồng, có ý nghĩa đặc biệt đối với cân đối ngân sách của nhà nước trong bối cảnh khó khăn do giá dầu thô giảm nhanh, giảm sâu từ quý IV năm 2014. |
Sự lãnh đạo của Đảng đã tác động như thế nào đến tiến trình hội nhập quốc tế của Tập đoàn, thưa đồng chí?
Có thể nói, các Nghị quyết của Đảng đã tạo điều kiện để Tập đoàn Dầu khí đi tiên phong trong hội nhập quốc tế. Với tư duy và tầm nhìn chiến lược, 30 năm trước, Hiệp định Liên chính phủ Việt Nam- Liên Xô đã cho ra đời Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro (nay là Liên doanh Vietsovpetro). Đến nay, Tập đoàn đã triển khai hoạt động dầu khí ở trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những dự án lớn về quy mô và tổng vốn đầu tư, bước đầu có kết quả rất khích lệ tại Liên bang Nga, Pêru, Angieria, Malaysia... và đang hợp tác với hàng chục tập đoàn dầu khí trên thế giới đến từ Nga, Mỹ, Pháp, Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc, Canada..., triển khai trên 60 hợp đồng dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam.
Việc hợp tác quốc tế đã góp phần quan trọng đảm bảo chính sách an ninh năng lượng, tăng cường vốn, bổ sung nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ dầu khí Việt Nam, đào tạo và xuất khẩu cán bộ, kỹ sư có trình độ cao, cập nhật cũng như chia sẻ những thành tựu khoa học và kinh nghiệm quản lý tiên tiến trong lĩnh vực dầu khí.
Chia sẻ của đồng chí về kế hoạch của Tập đoàn trong năm 2015?
Bác Hồ của chúng ta đã dạy: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Chiến lược phát triển ngành Dầu khí không thay đổi, nhưng sách lược cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Trong bối cảnh khó khăn, thách thức sẽ xuất hiện các thời cơ, cơ hội tốt để phát triển, mua mỏ/dự án, chuẩn bị cho khai thác khi giá dầu tăng trở lại. Hiện tại là thời điểm tốt để củng cố liên minh chiến lược với các đối tác truyền thống, tin cậy. Ví dụ: Tận dụng tốt thời cơ này, chúng ta có thể đón được dòng dịch chuyển đầu tư “hướng Đông, hướng Nam” của Nga trong lĩnh vực dầu khí.
Đồng thời, tập trung triển khai hàng loạt các giải pháp cụ thể như chính sách “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm tối đa các chi phí thuê ngoài, các nhiệm vụ chưa thật sự cấp bách; phát triển các sản phẩm trong chuỗi giá trị dầu khí có giá trị gia tăng cao để bù đắp từng phần cho sự chi phối từ sản phẩm dầu khai thác và các giải pháp trong thăm dò, khai thác, đầu tư ra nước ngoài.
Xin cảm ơn đồng chí!