Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 121/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022.
Nghị quyết nêu rõ: Thời gian tới, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát tiếp tục ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực và các vấn đề địa chính trị khu vực, toàn cầu. Ở trong nước, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực nhưng có khả năng khó khăn hơn vào cuối năm 2022 và năm 2023; áp lực lạm phát còn cao; dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Tiếp tục thực hiện "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm, 1 kiên quyết không"
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục quán triệt phương châm điều hành "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm, 1 kiên quyết không" đã được Chính phủ thống nhất tại Phiên họp thường kỳ tháng 7 năm 2022; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2022.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022 (ảnh Chính phủ) |
Trong đó, các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 755/CĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2022, nhất là đẩy mạnh tiêm vaccine. Khẩn trương khắc phục có hiệu quả tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số cơ sở khám chữa bệnh; tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp.
Các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, trong nước, nhất là tình hình lạm phát, giá cả các mặt hàng nhiên liệu, vật tư chiến lược để phân tích, dự báo, kịp thời có giải pháp phù hợp ứng phó với các vấn đề phát sinh. Các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả để kịp thời có giải pháp ổn định thị trường, bình ổn giá cả.
Các bộ, cơ quan ngang bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý trong tháng 9 năm 2022. Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ xây dựng, trình Chính phủ trước ngày 30 tháng 9 năm 2022 để ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Phát huy hiệu quả vai trò của các thương vụ
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương có giải pháp phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của các thương vụ, đại diện xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài; tăng cường xuất khẩu chính ngạch, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam.
Đồng thời, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp có các giải pháp cụ thể, đồng bộ để ngăn chặn gian lận thương mại, tránh việc áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng ván ép gỗ cứng từ Việt Nam, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan liên quan, bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, chủ động điều hành giá xăng dầu theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật, bảo đảm ổn định thị trường, giá cả, nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống; sử dụng linh hoạt, hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.