Thanh Hóa: Xử phạt trang trại lợn gây ô nhiễm môi trường gần 100 triệu đồng Thái Nguyên: Một trại lợn xả thải bừa bãi, trăm người dân phải chịu đựng |
Dòng kênh N2 qua địa phận xã Tân Lập (huyện Vũ Thư) ô nhiễm nghiêm trọng, nước sông đen xì, bốc mùi hôi thối. Ảnh: Hà Vi |
Mất ngủ vì mùi phân lợn
Những ngày qua, PV Lao Động đã về hai xã Tân Lập và Bách Thuận (huyện Vũ Thư) để xác minh phản ánh của người dân về việc một số trang trại, gia trại nuôi lợn trên địa bàn xã Bách Thuận (huyện Vũ Thư) trong quá trình hoạt động đã xả thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân sống quanh khu vực kênh N2 (hay còn gọi là kênh tiêu vùng trũng Bách Thuận chạy qua địa bàn xã Tân Lập).
Ông T.V.H (41 tuổi, ở thôn Tăng Bổng, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư) cho biết: “Khu trang trại, gia trại nuôi lợn ở xã Bách Thuận thường xuyên gây ô nhiễm môi trường như xả thải phân chuồng ra sông Đồn, rồi chảy qua địa bàn xã Tân Lập; gây ô nhiễm nước sông, không khí. Hằng ngày mùi phân lợn phát ra rất khó chịu gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân”.
Theo người dân quanh khu vực, kênh N2 là kênh tiêu vùng trũng Bách Thuận nhưng lại chảy qua địa phận xã Tân Lập, sau đó, đổ ra dòng sông Kiến Giang (thường gọi là sông Pari) dẫn về trung tâm TP. Thái Bình.
"Chỉ khi nào cống Tân Đệ mở cửa, có dòng chảy lưu thông qua, nước chảy ra sông Kiến Giang thì hôm đó khu vực này mới đỡ mùi, còn màu nước kênh cứ đen xì quanh năm, có khi còn đặc quánh" - ông P.V.T (44 tuổi, ở xã Tân Lập, huyện Vũ Thư) nói.
Theo ông Đ.VT (người dân xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư): "Không những gây ô nhiễm không khí, chúng tôi phát hiện có trang trại còn nhiều lần xả thải trực tiếp ra sông Đồn".
Đã có trang trại bị xử phạt vì gây ô nhiễm môi trường
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Lao Động, ông Trần Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Tân Lập - cho biết: "Việc phản ánh của bà con là đúng, chúng tôi cũng rất bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường này và đã có kiến nghị lên cấp trên.
Người dân sống dọc bờ kênh tiêu vùng trũng Bách Thuận qua địa phận xã Tân Lập đã có ý kiến rất nhiều về việc môi trường bị ô nhiễm rất nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân.
Trước đó, chính quyền địa phương đã cho nạo vét, khơi thông dòng chảy, tuy nhiên phía đầu nguồn xã Bách Thuận có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi. Có thể nói việc xử lý phân chăn nuôi của các trang trại này chưa tốt, gây ô nhiễm trực tiếp nên việc nạo vét khó được triệt để".
Còn ông Nguyễn Kim Sáu - Chủ tịch UBND xã Bách Thuận - xác nhận, địa phương đã nắm bắt được thông tin liên quan đến tình trạng ô nhiễm từ các trang trại, gia trại nuôi lợn trên địa bàn. Hiện nay, toàn xã có tổng đàn lợn chiếm hơn 10% quy mô chăn nuôi lợn của toàn huyện Vũ Thư, với tổng số đầu lợn của các trang trại, gia trại trong toàn xã là khoảng 8.000 con. Khu vực cống qua đê Bách Thuận hiện có khoảng 4 trang trại nuôi lợn.
"Năm 2022, đã có trang trại chăn nuôi trên địa bàn bị xử phạt vì gây ô nhiễm môi trường. Trước tình trạng trên, chúng tôi đang từng bước cải thiện, đem lại môi trường xanh - sạch - đẹp và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ địa phương, tìm ra giải pháp để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, giúp địa phương phát triển bền vững" - ông Sáu cho biết thêm.
Trao đổi với PV, ông Trần Thanh Hải - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) - cho hay: "Tại các kỳ tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã được nghe ý kiến phản ánh của người dân xã Tân Lập về tình trạng này. Năm nay, huyện vừa ban hành kế hoạch để yêu cầu kiểm tra 6 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện. Trong đó, có 1 cơ sở chăn nuôi lớn thuộc xã Bách Thuận và kiểm tra, rà soát để có phương án giải quyết, xử lý theo quy định".