Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nghề trồng hồ tiêu, chứng kiến những vất vả cũng như nhiều lần thấy người thân và nhiều hộ nông dân lao đao vì đầu ra cho sản phẩm hồ tiêu, 2 bạn trẻ Trần Thị Thúy Trinh và Nguyễn Thị Ngọc Ánh đã cùng đăng ký và trở thành sinh viên khoa Kinh tế số và Thương mại điện tử (trường Đại học CNTT & Truyền thông Việt Hàn – Đại học Đà Nẵng) với mong muốn ứng dụng số hóa giải quyết đầu ra cho những nông dân trồng hồ tiêu tại quê nhà.
“Người mua ở xa, các hộ gia đình chủ yếu phải bán cho thương lái nên thường bị ép giá, có lúc không có ai mua. Nhiều lúc làm ra không đủ trang trải chi phí. Em thấy kinh tế số là xu hướng tất yếu, nên em muốn ứng dụng kinh tế số để giải quyết vấn đề của chính gia đình mình, quê hương mình”, Thúy Trinh bộc bạch.
Các hộ trồng hồ tiêu nói riêng, cây công nghiệp nói chung tại Việt Nam vẫn còn tình trạng được mùa mất giá, thậm chí mất mùa vẫn không được giá do khâu thương mại hóa truyền thống, bị người thu mua ép giá |
Mong muốn mãnh liệt đó được tiếp thêm động lực khi nhận được tiếp sức của nhóm bạn Mai Quỳnh Thanh Tú (sinh viên khoa Kinh tế số và TMĐT), Phạm Vũ Thu Nguyệt, Hồ Thanh Phong và Nguyễn Duy Sỹ (cùng là sinh viên khoa công nghệ thông tin – Đại học Việt Hàn) và sự ủng hộ, khích lệ của giảng viên 2 khoa. Ý tưởng về một sàn thương mại điện tử dành riêng cho hồ tiêu ra đời.
Sàn giao dịch thương mại điện tử hồ tiêu được thiết kế ý tưởng là nơi chuyên trao đổi, giao dịch mua bán sản phẩm hồ tiêu các loại. Nơi triển khai thí điểm dự án sẽ là vùng tiêu Gio Linh, các sản phẩm tiêu được bán sẽ là tiêu khô, tiêu thành phẩm.
“Chướng ngại” đầu tiên thực hiện ý tưởng đó là thương mại điện tử vẫn là một khái niệm rất mới mẻ với đại đa số người nông dân, với nhiều người thu mua truyền thống. Chính vì vậy, nhóm đã xác định giải quyết 2 vấn đề song song cùng lúc đó là làm sao để người nông dân đăng bán sản phẩm và làm sao để người mua tìm mua được sản phẩm dễ dàng nhất.
Thúy Trinh cho biết, vấn đề đăng bán sản phẩm, trước mắt, nhóm sẽ làm công tác tuyên truyền về ý tưởng dự án cho những hộ dân trồng tiêu tại Gio Linh, cùng với đó, sẽ nhờ người thân trong gia đình (con, em) biết sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính chụp hình ảnh và mô tả sản phẩm trên sàn giao dịch. Sau đó, từng bước hướng dẫn cho người nông dân cách thực hiện các bước để đăng bán sản phẩm.
Vấn đề làm sao để dễ dàng đăng bán, dễ dàng mua, nhóm sẽ tạo ra ứng dụng với 2 hạng mục: website và ứng dụng mua bán (app) hồ tiêu. Cả 2 hạng mục này, đặc biệt là app hồ tiêu sẽ được tối ưu hóa, đơn giản hóa tối đa để khi người bán và người mua nhìn vào sẽ thấy ngay tên, loại sản phẩm và giá chứ không phải sử dụng đến những tính năng hay công đoạn tìm kiếm phức tạp.
Sàn giao dịch hồ tiêu sẽ quy định mức sàn chung, cập nhập theo giá thị trường mỗi ngày. Mỗi hộ nông dân đăng ký sẽ có gian hàng riêng. Trên gian hàng sẽ hiển thị hình ảnh, giá, mô tả sản phẩm và thông tin liên hệ với người bán.
Các thành viên của dự án "sàn giao dịch thương mại điện tử hồ tiêu" bên app hồ tiêu bản demo |
Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, đặc biệt là hỗ trợ khâu thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ít được chọn nhất của các startup, tuy nhiên, nhóm các bạn trẻ lại có cái nhìn rất lạc quan khi triển khai ý tưởng khởi nghiệp.
“Mặc dù biết là sẽ có rất nhiều khó khăn khi thực hiện, nhưng nhóm vẫn quyết tâm thực hiện ý tưởng với mục đích lớn nhất là niêm yết giá sản phẩm rõ ràng, giúp người nông dân trồng hồ tiêu tìm được đầu ra cho sản phẩm mà không phải chịu ảnh bị ép giá”, Mai Quỳnh Thanh Tú - Founder dự án chia sẻ và cho biết thêm, theo khảo sát của nhóm, hiện chưa có trang thương mại điện tử nào dành riêng cho việc giao dịch hồ tiêu. “Chúng em tin những kiến thức về kinh tế số, công nghệ thông tin được học cùng với sự nỗ lực, nhóm sẽ từng bước giải quyết các khó khăn để cho ra đời sản phẩm sàn thương mại điện tử về hồ tiêu”, Thanh Tú khẳng định và nói thêm “Dự án hy vọng sẽ góp một phần để thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ khâu thương mại hóa sản phẩm nông sản thông qua các ứng dụng số, kinh tế số, từng bước giải quyết bài toán ùn ứ nông sản mà nông dân nước ta hiện vẫn đang thường xuyên phải trải qua”.
Hiện tại, các thành viên của dự án đang lên kế hoạch tổ chức những sự kiện nhỏ tại huyện Gio Linh để tuyên truyền thông tin về thương mại điện tử cũng như hướng dẫn người dân trải nghiệm bản demo sản phẩm. Cùng với đó, từng bước hoàn thành và đưa vào thí điểm ứng dụng theo góp ý của người dùng. “Bước đầu khi khảo sát mong muốn, nguyện vọng của người bán và người mua nhóm nhận được phản hồi khá tích cực, đó là động lực để chúng em tiếp tục cố gắng đi tiếp”, Thanh Tú chia sẻ.
Dự án sàn giao dịch thương mại điện tử về hồ tiêu của các bạn sinh viên Đại học CNTT & Truyền thông Việt Hàn (Đại học Đà Nẵng) đã đạt được giải nhì cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo GBA Business Challenge dành cho học sinh, sinh viên toàn quốc hồi cuối năm 2020. Đây là cuộc thi đánh giá khả năng sáng tạo, ứng dụng kiến thức chuyên môn đã được học vào giải quyết các “bài toán” thực tế. Theo TS Lê Phước Cửu Long - Phụ trách khoa Kinh tế số & Thương mại Điện tử trường Đại học Việt Hàn, việc đào tạo cho sinh viên hiện nay gắn với nhu cầu thực tiễn. Kinh tế số hiện là lĩnh vực có tính ứng dụng thực tiễn cao hướng tới đào tạo cho sinh viên các kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về quản trị kinh doanh số, kinh doanh điện tử, digital marketing theo phương thức học tập mới: học theo dự án, học thực chiến.... Theo xu hướng đào tạo theo “đơn đặt hàng” tại Đà Nẵng, doanh nghiệp sẽ trực tiếp cùng tham gia đào tạo, chia sẻ cũng như đánh giá sinh viên, để đảm bảo vừa đào tạo sát với thực tiễn vừa giải quyết việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp. |