Nguồn vốn từ kiều hối đóng góp khoảng 6% GDP
PGS.TS. Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Đây cũng là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Chính sách kiều hối của Việt Nam trong thời gian qua - Thực trạng và giải pháp” tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 10/10, do Học viện Ngân hàng phối hợp với Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh tổ chức.
Tại Việt Nam, dòng kiều hối có sự gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Cùng với hơn 500 nghìn lao động xuất khẩu, khoảng 4 triệu người Việt Nam (tương đương 4,5% dân số quốc gia) đang sinh sống tại nước ngoài như Mỹ (55%), Pháp (7,5%) và Australia (7,5%) thường xuyên gửi số lượng lớn kiều hối về Việt Nam.
Theo đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, trong suốt 22 năm qua, dòng kiều hối tăng khoảng gần 100 lần từ 0,14 tỷ USD năm 1993 lên 11 tỷ USD năm 2013, khoảng 13,2 tỷ USD vào năm 2015 và có xu hướng gia tăng lên hàng năm do hiệu quả của chính sách xuất khẩu lao động cũng như các chính sách để thu hút dòng kiều hối của Chính phủ. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép hoạt động chi trả kiều hối cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chi trả kiều hối với mạng lưới rộng khắp cả nước. Ngoài ra, dịch vụ chuyển tiền kiều hối ngày càng phát triển, chất lượng được nâng cao với sự đa dạng các hình thức chi trả như chi trả tại nhà, chi trả tại quầy, chi trả qua hệ thống ngân hàng và dịch vụ chăm sóc khách hàng... Bên cạnh chính sách quản lý ngoại hối, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng là một chính sách quan trọng không kém trong thu hút dòng kiều hối chảy vào Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, kiều hối đóng một vai trò khá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia đang phát triển và cần rất nhiều vốn như Việt Nam. Giai đoạn 2002-2015, dòng kiều hối chiếm khoảng 6,0% GDP trong khi đó dòng vốn FDI và ODA vào Việt Nam lần lượt là 7,7% và 3,0% GDP.
Dòng kiều hối ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, bù đắp thâm hụt thương mại và đóng góp vào quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia. Có hơn 70% kiều hối chuyển về đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh; khoảng gần 22% đầu tư vào bất động sản và chỉ khoảng 7% là hỗ trợ thân nhân, gia đình trang trải sinh hoạt, mua sắm, chữa bệnh, xây dựng nhà cửa.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực của dòng kiều hối đến kinh tế xã hội, không thể không nói đến những tác động tiêu cực đó là kiều hối và tình trạng đôla hóa; kiều hối và vấn đề tiêu dùng quá mức; kiều hối và hoạt động rửa tiền...
Việc thu hút và phát huy tối đa hiệu quả của nguồn vốn từ kiều hối luôn là mối quan tâm của các cơ quan quản lý. Song để thực hiện tốt việc này, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng cần phải có chính sách thu hút kiều hối và sử dụng có hiệu quả kiều hối. Đồng thời phải có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong thu hút và sử dụng kiều hối cho phát triển kinh tế xã hội, chính sách quản lý ngoại hối, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, chính sách phát triển dịch vụ tài chính…