CôngThương - Thêm những gương mặt mới
Mới nhất phải kể đến tập đoàn bán lẻ quốc tế đến từ Pháp - Auchan, kinh doanh chủ yếu trên lĩnh vực siêu thị và đại siêu thị. Tập đoàn thuộc sở hữu gia đình Mulliez này trước đây đã từng đến thị trường Việt Nam khảo sát nhưng khi đó do nhận thấy những bất ổn về bất động sản và chỉ số lợi nhuận dự kiến thấp nên đã phải từ bỏ thị trường Việt Nam. Lần trở lại Việt Nam này, Auchan đang có một sự quyết tâm hơn.
Theo website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Philippe Longuet, Giám đốc điều hành Tập đoàn Auchan vừa có buổi làm việc với Thứ trưởng Đặng Huy Đông, bước đầu tìm hiểu về các chính sách của Chính phủ đối với việc kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường nội địa.
Theo website trên, nhà phân phối này dự kiến sẽ đầu tư 500 triệu đô la Mỹ trong 10 năm tới. Mô hình của Auchan là song song với việc cung cấp hàng hóa tại các quốc gia, tập đoàn đã có mặt tại 15 nước trên thế giới này cũng sẽ thu mua hàng nội địa của quốc gia đó để phân phối tại các thị trường nước ngoài.
Như vậy, nếu sự quyết tâm của Auchan trong lần trở lại này thành hiện thực thì đây là tập đoàn bán lẻ thứ hai của Pháp có mặt ở Việt Nam sau Tập đoàn Casino với thương hiệu Big C được giới kinh doanh trong ngành bán lẻ đánh giá là hoạt động rất thành công với 22 siêu thị và đại siêu thị trải rộng khắp tỉnh thành trong cả nước.
Thị trường bán lẻ trong nước hiện nay cũng đang xôn xao thông tin nhà bán lẻ lớn của Singapore NTUC FairPrice sắp hoạt động trong tháng 5 này tại TPHCM. FairPrice không đi một mình mà liên doanh với nhà bán lẻ trong nước là Saigon Co.op để mở chuỗi siêu thị khác.
Theo kế hoạch, Saigon Co.op và NTUC FairPrice Singapore sẽ mở đại siêu thị tên gọi Co-op Xtra đầu tiên tại TPHCM với quy mô diện tích lớn hơn Co.opMart hiện nay.
Trong khi đó, sau một thời gian dài chuẩn bị, từ đầu năm nay, E-Mart Co – một tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc đã tìm mua hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam để chuẩn bị cho việc mở siêu thị. Trước đó, E-Mart tuyên bố sẽ mở một chi nhánh đầu tiên trong năm 2013 và có mục tiêu mở rộng thành 17 chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam trong năm 2017.
Một nhà đầu tư khác là Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản dù chưa đưa vào hoạt động trung tâm thương mại hoặc siêu thị nào, nhưng tập đoàn này mới đây lại công bố có thêm một dự án trung tâm thương mại lớn tại thành phố Hà Nội, và đây là dự án thứ ba của tập đoàn này sau hai dự án đang trong quá trình xây dựng tại TPHCM và tỉnh Bình Dương.
Mặc dù chưa vào hoạt động nhưng giới phân tích đánh giá Aeon là nhà bán lẻ đáng gờm vì đây là một tập đoàn lớn của Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm kinh doanh trung tâm thương mại cũng như nguồn lực tài chính vững mạnh để có thể từng bước thâm nhập sâu vào thị trường trong nước.
Thị trường còn hấp dẫn
Dù rời khỏi top 30 nước dẫn đầu thế giới về độ hấp dẫn kinh doanh bán lẻ cũng như bị ảnh hưởng mạnh về sức mua do nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng nhiều nhà bán lẻ, giới phân tích đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đầy tiềm năng để cho nhà đầu tư nước đến khai thác.
Bởi, dù nền kinh tế gặp khó khăn kéo dài trong hai năm nay nhưng thị trường bán lẻ vẫn tăng trưởng tốt. Cụ thể số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm 2012 đạt trên 2,32 triệu tỉ đồng, tăng 16% so với năm 2011.
Riêng 3 tháng đầu năm nay, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 636,2 ngàn tỉ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2012, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 4,5%, thấp hơn mức tăng 4,7% cùng kỳ năm trước.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, kênh bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm 20%, chính vì thế cơ hội khai thác thị trường còn rất lớn. Theo kế hoạch đến năm 2020, Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ này lên 45%.
Đánh giá của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam (AVR), thị trường bán lẻ Việt Nam 2013 vẫn chưa có dấu hiệu bão hòa nhất là về việc mở các địa điểm bán lẻ. Bởi kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu tiêu dùng luôn tồn tại. Các nhà bán lẻ cho rằng điều quan trọng là biết cách kích cầu tiêu dùng.
Điều này lý giải vì sao dù thị trường bán lẻ Việt Nam bị đánh rớt thứ hạng 4 năm liên tiếp nhưng các nhà bán lẻ nước ngoài đang có mặt tại thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục mở rộng hệ thống kinh doanh của mình như Casino (Pháp) với thương hiệu Big C, Lion Group (Malaysia) với thương hiệu Parkson, Metro Cash & Carry (Đức), Family Mart, Ministop (Nhật), Circle K (Mỹ)…
Gần đây, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cũng đã mua lại hết cổ phần của Công ty Minh Vân, trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nhằm đẩy nhanh việc mở rộng hệ thống phân phối. Tính từ thời điểm gia nhập thị trường (cuối năm 2008), đến nay, Lotte đã mở 4 trung tâm thương mại và đặt mục tiêu mở 30 trung tâm thương mại trong 10 năm tới. ..
Tính đến cuối năm 2012, trên cả nước có khoảng 130 trung tâm thương mại, 700 siêu thị, hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi. Trong số các doanh nghiệp bán lẻ lớn trên thị trường, có đến 21 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, một số doanh nghiệp liên doanh và các doanh nghệp này đang tích cực phát triển hệ thống phân phối của mình. Trong khi đó, các nhà bán lẻ nội địa tuy nhiều nhưng chỉ một số ít xây dựng được chuỗi hệ thống và tạo dấu ấn riêng, còn rất nhiều doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả đang dần phải co cụm lại. |