Nhà đầu tư đã phát ngán với nhiều đợt phát hành tăng vốn của doanh nghiệp |
Doanh nghiệp có 3 kênh huy động vốn chính là vay ngân hàng, phát hành trái phiếu và phát hành cổ phiếu. Với những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả, điểm tín dụng tốt, việc tiếp cận vốn ngân hàng thường dễ dàng, thậm chí có thể nhận được ưu đãi lãi suất. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lựa chọn huy động vốn thông qua TTCK bằng việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu.
6 tháng đầu năm 2016, tổng mức huy động trên TTCK thông qua phát hành cổ phiếu (cả phát hành riêng lẻ), đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu Chính phủ đạt 223.000 tỷ đồng, tăng gần 85% so với cùng kỳ năm 2015. Con số này, cùng với việc số lượng hồ sơ doanh nghiệp niêm yết trình Ủy ban Chứng khoán xin phát hành thêm cổ phiếu nhằm tăng vốn tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm đã cho thấy, nhiều doanh nghiệp lựa chọn huy động vốn qua kênh này. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể huy động vốn thành công.
CTCP Tư vấn -Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) là doanh nghiệp liên tục phát hành thêm cổ phiếu trong 2 năm trở lại đây. Gần đây nhất, HQC chính thức quyết định sẽ hoãn không thực hiện hồ sơ phát hành 98,75 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong niên độ tài chính 2016. Thay vào đó, Công ty sẽ lùi thời gian phát hành trong niên độ tài chính 2017 hoặc trình phương án mới căn cứ trên kết hoạch sản xuất kinh doanh niên độ tài chính 2017.
Năm ngoái, HQC đã chào bán 63 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhưng chỉ hơn 1 triệu cổ phiếu được bán, tương ứng thu về hơn 10 tỷ đồng. Sau đó, Công ty phải chật vật phân phối gần 62 triệu cổ phiếu chưa bán hết cho 9 cổ đông cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức là CTCP Quản lý quỹ Thăng Long (TLCF).
Không riêng HQC, việc tìm các cổ đông lớn để phân phối số lượng cổ phiếu không chào bán hết cho cổ đông hiện hữu cũng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. CTCP Quốc tế Sơn Hà (SHI) cho biết, SHI sẽ trình Đại hội đồng cổ đông gần nhất việc hủy phương án phát hành trái phiếu kèm chứng quyền và thay thế bằng hình thức phát hành trái phiếu trơn và vay trung hạn để tài trợ cho các dự án.
Đây là lần thứ hai Công ty thay đổi kế hoạch huy động vốn. Theo phương án phát hành ban đầu đã trình tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 17/4/2015, SHI đưa ra kế hoạch phát hành 180 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền với giá trị chuyển đổi tối đa không quá 18 triệu cổ phần, sau đó Công ty nâng mức phát hành lên 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, SHI đã dời thời điểm phát hành 20 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017.
CTCP Bánh kẹo Hải Hà (HHC) cũng vừa phân phối số lượng 684.056 cổ phiếu mà cổ đông từ chối mua bằng cách chào bán cho cán bộ chủ chốt với giá 15.000 đồng/CP, cao hơn giá phát hành trước đó Công ty công bố. Trước đó, HHC dự kiến chào bán 8,21 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với mức giá 11.000 đồng/CP, tỷ lệ 1:1 nhằm tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, đạt hơn 164 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty chỉ phân phối được hơn 7,5 triệu cổ phiếu với giá chào bán 11.000 đồng/CP.
Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc nghiên cứu CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng, ở các nước phát triển, TTCK là một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Tại Việt Nam, TTCK tuy còn non trẻ nhưng cũng bắt đầu được nhiều doanh nghiệp khai thác để huy động vốn. Việc phát hành trái phiếu thường có chi phí cao hơn so với phát hành cổ phiếu. Làm một phép so sánh, lãi suất trái phiếu hiện tại dao động từ khoảng 8-12%/năm tùy doanh nghiệp, trong khi tỷ lệ dividend yield (cổ tức/giá chứng khoán) trung bình chỉ khoảng 4-7%/năm. Do vậy, nhiều doanh nghiệp ưu tiên phát hành cổ phiếu hơn trái phiếu.
Hiện tại, cổ đông, nhà đầu tư đã có hiểu biết nhất định đối với các doanh nghiệp, nên với những doanh nghiệp quy mô chưa đủ lớn hoặc có nền tảng cơ bản chưa vững, nếu số lượng cổ phiếu phát hành tăng vốn nhiều so với vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đó, mà không có phương án sử dụng vốn đủ sức thuyết phục, nhà đầu tư sẽ không tham gia.
Trước thực tế này, nếu muốn phát hành thêm cổ phiếu thành công, doanh nghiệp cần cân nhắc yếu tố thời điểm, phương án sử dụng vốn thuyết phục. Chưa kể, cần hiểu rõ việc tăng vốn quá nhanh sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp trong việc tạo lợi nhuận tương ứng, bởi cổ đông luôn đòi hỏi doanh nghiệp tạo ra hiệu quả nhiều hơn trên mỗi cổ phiếu, chứ không chỉ con số lợi nhuận tăng... từ từ.