Thông tin được các đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý, các KCX, KCN và doanh nghiệp cho biết, trong Hội thảo "Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất" diễn ra ngày 21/5, tại TP. Hồ Chí Minh.
Dự án Khu lưu trú công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận - TP. Hồ Chí Minh |
Nhu cầu nhà ở cho người lao động, công nhân rất bức thiết
Hiện trên cả nước có hàng trăm KCX, KCN đang hoạt động, nhưng người lao động đặc biệt là công nhân và các chuyên gia làm việc tại đây rất khó để kiếm chỗ ở phù hợp và đạt chất lượng.
TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều nhất người nhập cư đến làm việc tại các KCX, KCN nhưng cũng chỉ mới giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu nhà ở cho công nhân.
Theo ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý các KCN - KCX TP. Hồ Chí Minh (Hepza), hiện thành phố (TP) có khoảng 285.000 công nhân đang làm việc tại 17 KCX, KCN, nếu tính thêm các cụm công nghiệp bên ngoài với số lượng 1.600 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, thì số lượng người lao động có thể lên đến khoảng 380.000 người.
Ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý các KCN - KCX TP. Hồ Chí Minh (Hepza) phát biểu tại hội thảo |
Trong số 285.000 người lao động đang làm việc tại các KCX, KCN thì có khoảng 65% có nhu cầu về nhà ở. Hiện TP mới chỉ đáp ứng cho khoảng 15.000 người. Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn các công nhân đều thuê phòng trọ để giải quyết chỗ ở.
Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh cũng đã đầu tư chỗ ở cho công nhân nhưng đến nay con số này mới chỉ đáp ứng được nhu cầu rất nhỏ. Lý giải về điều này, ông Khanh cho biết, do TP thiếu quỹ đất làm nhà ở cho lao động trong KCX, KCN. Nguồn cung về chỗ ở cho công nhân hiện nay tại TP có ba nguồn để thực hiện nhà ở cho người lao động trong KCX, KCN đó từ chủ sử dụng lao động, các công ty đầu tư hạ tầng và từ các doanh nghiệp tư nhân. Cùng với đó là một lượng rất lớn các hộ gia đình đầu tư nhà trọ để cho công nhân thuê ở. Theo thống kê trên địa bàn TP có 12 nhà lưu trú cho công nhân được huy động từ nhiều nguồn.
Long An nằm giáp ranh với TP. Hồ Chí Minh cũng rơi vào tình trạng tương tự, có các KCN nhưng có rất ít khu nhà ở phục vụ cho công nhân, chuyên gia và người lao động. Ông Nguyễn Văn Tình, nguyên Trưởng phòng Đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An - cho hay, trên địa bàn Long An hiện có 31 KCN có quy mô 11.391 ha với 140.000 người lao động. Bên cạnh đó, Long An còn có một khu kinh tế nhưng chỗ ở cho người lao động mới đáp ứng được 6.000 chỗ.
Thực tế trên địa bàn Long An, nhiều KCN không thu hút được nhà đầu tư do không đáp ứng được chỗ lưu trú cho công nhân. "Trước nhu cầu nhà ở bức thiết cho người lao động, công nhân, đặc biệt nhằm thu hút các nhà đầu tư, DN vào KCN, mới đây, Long An được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép điều chỉnh một phần diện tích khoảng 5-10% đất KCN để làm khu dân cư phục vụ nhu cầu ở cho người lao động” - Nguyễn Văn Tình cho biết.
Ông Trần Quốc Đạt, Phó trưởng Phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh phát triển tại hội thảo |
Cần có cơ chế, chính sách nhà ở cho người lao động
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng nhà lưu trú công nhân tập trung cần phát huy nhiều hơn nữa. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ DN và cả tổ chức, cá nhân xây nhà lưu trú trong khu dân cư để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người lao động.
Đặc biệt, Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần quy hoạch, lập vị trí các quỹ đất xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. Sau đó, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư với chính sách ưu đãi, hỗ trợ; đồng thời tạo điều kiện phát triển nhà trọ đạt tiêu chuẩn trong khu dân cư.
Theo ông Trần Quốc Đạt, Phó trưởng Phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, tại TP trong các đồ án quy hoạch KCN, KCX đều bắt buộc có quy hoạch khu dân cư phục vụ cho công nhân, chuyên gia nhưng quỹ đất eo hẹp nên rất khó. Do đó, Sở Xây dựng đang trình UBND TP. Hồ Chí Minh thu hồi quỹ đất do nhà nước sử dụng không hiệu quả để lựa chọn nhà đầu tư làm nhà lưu trú cho công nhân.
Ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Trần Anh Group: Mong muốn của DN là chính quyền đơn giản thủ tục, thậm chí là thủ tục xét duyệt tiêu chí đối với người mua nhà |
Hiện TP có 47ha với 15 dự án đã và đang triển khai xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, nhưng chủ yếu do DN thực hiện với quy mô 95.000 chỗ ở. “Muốn có nhiều nhà lưu trú cho công nhân, Nhà nước thực hiện ưu đãi thuế cho DN trong KCN. Đồng thời, huy động vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay xây dựng nhà ở xã hội…” - ông Đạt nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, các ngành chức năng nên có tiêu chí xây dựng nhà trọ, hỗ trợ người dân thủ tục, vốn vay để xây dựng nhà lưu trú công nhân. Đồng thời, quy hoạch nhà ở lưu trú cho công nhân ngay tại các KCX, KCN.
Về phía DN, ông Trần Đức Vinh - Tổng giám đốc Trần Anh Group - cho hay, tại Long An có một số KCN nhưng lại thiếu dự án nhà lưu trú cho công nhân. Do đó, Trần Anh Group đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 800 căn nhà lưu trú, nhưng do gặp nhiều khó khăn trong thủ tục nên có lúc nản lòng. Nếu được chính quyền hỗ trợ thì không chỉ 800 căn mà công ty sẽ đầu tư tới 10.000 nhà lưu trú công nhân.
"Mong muốn của DN là chính quyền đơn giản thủ tục, thậm chí là thủ tục xét duyệt tiêu chí đối với người mua nhà. Do lợi nhuận đầu tư nhà ở xã hội rất thấp nên khi kéo dài thời gian mua nhà sẽ không khuyến khích phát triển phân khúc nhà ở cho công nhân" - ông Trần Đức Vinh nhấn mạnh.
Trong năm 2019, theo kế hoạch TP. Hồ Chí Minh phấn đấu phát triển thêm 710.000 m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội; trong đó có 120.000 m2 sàn xây dựng nhà lưu trú công nhân. |