Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh: Gửi tình qua “Vang âm tiếng sóng”
“Vang âm tiếng sóng” là tập thơ thứ 10 của Nguyễn Hồng Vinh kể từ khi ông bắt đầu in thơ (năm 2012). Tập thơ giống như cuốn nhật ký ghi lại những cảm xúc, rung động, trăn trở của một nhà báo, nhà thơ vốn xem những chuyến đi tựa như nguồn sống quan trọng của cuộc đời.
Trong “Vang âm tiếng sóng”, Nguyễn Hồng Vinh dẫn người đọc đến với nhiều địa danh nổi tiếng của đất nước, nơi ông dừng chân; vui - buồn với những đổi thay của mỗi vùng đất, từ đó nảy ra những tứ thơ ghi lại cảm nhận của riêng mình. Vừa “Một thoáng Cần Thơ”, ông lại “Khắc khoải Sài Gòn” rồi “Thắc thỏm Cao Nguyên”: “Hết Sài Gòn đến Tây Nguyên/Một mình thăm thẳm tìm anh dặm dài/Hết nay, rồi tiếp ngày mai/Cần Giờ ơi, có thương ai ngóng chờ” (Cần Giờ),
Không chỉ chịu khó đi, thích tìm tòi, suy ngẫm, đọc “Vang âm tiếng sóng”, dễ dàng nhận thấy, Nguyễn Hồng Vinh còn là người rất bay bổng. Nay ông thẫn thờ với “Tiếng sóng quê hương”, mai ông lại xao động với “Nhịp sống nơi phố sương”, rồi ngơ ngẩn ngắm với đất trời nơi “Vành đai biên giới”…
“Nhà thờ đá ủ trong lạnh giá/Đồi chè bậc thang nối dài cô đơn” (Nhịp sống nơi phố sương). “Đời anh là cuốn sách nhiều trang/Hy vọng, tin yêu đan xen trăn trở/Anh cần mẫn như con ong làm tổ/Chắt mật đời qua những dòng văn” (Thì thầm cùng anh)
Tập thơ “Vang âm tiếng sóng” của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, do Nhà xuất bản Văn học phát hành tháng 10/2022 |
Vậy nhưng ẩn sau sự lãng mạn, bay bổng, không khó để nhận ra một nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh vẫn chộn rộn với những suy ngẫm về nhân tình, thế thái thời cơ chế thị trường:
“Thời buổi thị trường, người ta tìm cách DỰA VÀO/Dựa vào người quyền cao, chức trọng/Nhưng khi người ấy vào nhà đá/Mới thấm thía đời là hư vô….” “Mong là con người đích thực/Hãy BUÔNG tham vọng/Để đón nhận/Cái ta có thể trở thành” (Tản mạn bên trong).
Với Nguyễn Hồng Vinh, dẫu chỉ là một chút nắng thu, vài bông sen trắng, đôi trái thanh trà, một khóm mộc miên, chùm hoa sấu, nhánh hoa sưa, tán hoa ban… cũng đủ để ông khắc khoải. Những câu thơ vì thế cứ tuôn trào, lúc dịu dàng như nắng mai, khi tâm tư như cơn mưa cuối đông:
“Hoa sưa trắng nỗi niềm xưa/Sáng -trưa - chiều - tối… đón đưa em về/Hoa sưa bừng nở, còn nghe/Tiếng chim líu ríu đầu hè nhắc ai” (Hoa sưa).
“Sen cốm chen sen vàng/Như gọi mùa thu tới/Dịu cái nóng hun người/Xua gió phơn nhức nhối” (Giăng mắc tơ sen).
“Thời hoa niên ta cùng nhặt sấu rơi/Đường Bà Triệu cốm thơm lừng khắp nẻo” (Muộn mằn hoa sấu).
Có điều lạ ở “Vang âm tiếng sóng”, hơn 200 bài thơ in trong tập thơ đều được sáng tác từ năm 2020 trở lại đây - khi Nguyễn Hồng Vinh đã ở tuổi “xưa nay hiếm” - song cảm xúc của một số bài thơ lại cho thấy tác giả như đang trẻ lại, với rất nhiều phút giây bồi hồi, xao xuyến, tiếc nuối, ngẩn ngơ:
“Em rót vào anh tràn ly rượu/Hai ta lên xuống giữa trời mây/Sóng như tung lên rồi nhấn xuống/Con thuyền cứ thế ngả nghiêng say” (Tình say). Hay “Ngỡ em nhả tơ từ kiếp trước/Để anh ám ảnh một kiếp tằm/Kìa sông chảy xuôi, cá lội ngược/Đôi mình như mắc lưới tình duyên” (Nhả tơ);
Tôi không muốn đặt câu hỏi “Anh đang yêu à?” với nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, bởi tôi biết, Nguyễn Hồng Vinh chưa khi nào ngừng yêu.
Suốt những năm tháng làm báo, dọc theo dặm dài đất nước, gặp gỡ bao con người, bao mảnh đời, số phận… tình yêu với thiên nhiên, với con người, với những vùng đất của Nguyễn Hồng Vinh luôn thường trực, dâng tràn.
Nguyễn Hồng Vinh yêu và nhớ theo cách riêng của một người nặng ân tình. “Hơn 30 thu như bóng câu qua cửa sổ” song Nguyễn Hồng Vinh vẫn còn nhớ tới “bóng hồng” ông gặp trong “Một đêm trăng sao lung linh/Bãi tắm Vũng Tàu tấp nập/Hẹn gặp em bãi trước/Em lại vòng bãi sau” (Còn vang sóng biển).
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng về với chiến khu cách mạng Ba Lòng, ông lại “Bồi hồi nhớ cô giao liên dũng cảm/Dẫn đơn vị tôi vào giải phóng Đông Hà” (Ba Lòng vẽ lại dung nhan)…
Nhớ là vậy, xong Nguyễn Hồng Vinh trân trọng những ân tình, ông không để mình trôi xa và biết đâu là điểm dừng, dẫu trong lòng cuộn sóng: “Đời bao tiếng nói thầm thì/Anh cứ thản nhiên lặng lẽ/Con tim đôi lần rạn vỡ/Bề ngoài tỏ vẻ như không!” (Hư và Thực).
Hơn 200 bài thơ trong “Vang âm tiếng sóng” là hơn 200 lời tự sự cho thấy, dường như Nguyễn Hồng Vinh không quên điều gì! Ông suy ngẫm, dồn nén, gói gém vào những vần thơ và gửi vào “Vang âm tiếng sóng”…
Đọc “Vang âm tiếng sóng”, người đọc vì thế thêm một lần nữa lại phát hiện ở nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh những nhịp đập bồi hồi, những khoảnh khắc thổn thức, ưu tư, hạnh phúc vì người, vì đời, vì những xôn xao trong chính tâm hồn tác giả.