Nhiệt điện Hải Phòng: Nhiều giải pháp số hóa và chuyển đổi số |
Để tìm hiểu rõ hơn nội dung trên, phóng viên Vuasanca đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Công Hoan - Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (gọi tắt Nhiệt điện Hải Phòng) thuộc Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Sau 10 năm tham gia thị trường điện cạnh tranh đâu là những lợi ích mà Nhiệt điện Hải Phòng đạt được thưa ông?
Nhiệt điện Hải Phòng tham gia Thị trường phát điện cạnh tranh từ những ngày đầu tiên (từ 1/7/2012), đến nay đã được 10 năm. Có thể khẳng định bên cạnh những khó khăn, thách thức thì công ty cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định, cụ thể;
Ông Tạ Công Hoan - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng |
Trước đây, việc huy động tổ máy hoàn toàn do cấp điều độ điều khiển quyết định dựa theo sự tối ưu toàn hệ thống. Nhưng hiện nay, nhà máy đã chủ động trong việc đưa ra quyết định kế hoạch vận hành ngày tới, chu kỳ tới liên quan đến việc lên, xuống, hòa lưới tổ máy và thay đổi công suất thông qua chào giá theo quy định.
Ngoài ra, các tổ máy phải luôn sẵn sàng để đáp ứng các yêu cầu của thị trường, yêu cầu về sản lượng hợp đồng đã phân bổ cho các chu kỳ giao dịch trên thị trường. Cùng với đó, các quy định pháp lý và hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng hoàn thiện đáp ứng các yêu cầu cao của Thị trường điện.
Về sản xuất kinh doanh, có thể khẳng định việc tham gia Thị trường điện đã thay đổi về hình thức thanh toán điện năng, thay đổi về cơ chế thanh toán của hợp đồng mua bán điện, việc điều chỉnh tỷ lệ sản lượng điện thanh toán theo giá hợp đồng đã ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty. Tỷ lệ này đang áp dụng cho các đơn vị nhiệt điện là 80% (năm 2022).
Tuy nhiên, phần này không đủ bù đắp các khoản chi phí cố định, do đó cần phải tìm kiếm doanh thu từ Thị trường điện, việc này tạo áp lực rất lớn cho công ty. Mặc dù vậy, kết quả sản xuất kinh doanh của công ty trong 10 năm qua có nhiều khả quan, doanh thu bình quân năm trên 8.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế bình quân trên 500 tỷ đồng, cổ tức bình quân trên 9%/năm.
Thưa ông, để nâng cao hiệu quả công tác chào giá, đội ngũ nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng đã được công ty đầu tư như thế nào?
Có thể nói, về hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác Thị trường điện, đã được công ty đầu tư và hoàn thiện từ những ngày đầu khi vận hành thử nghiệm Thị trường điện và thường xuyên được nâng cấp, cập nhật để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của Thị trường điện.
Đội ngũ nhân lực của công ty ngày càng trưởng thành cả về chất và lượng |
Trong khi đó, đối với đội ngũ ngồn nhân lực, công ty đã thành lập tổ Thị trường điện, bao gồm các chuyên viên, kỹ thuật viên của các đơn vị trong công ty. Các nhân sự được tham gia các khóa đào tạo về công tác Thị trường điện được Cục Điều tiết điện lực, EVN, EVNGENCO2 tổ chức.
Với mục tiêu đến năm 2025 EVN trở thành doanh nghiệp số, là một doanh nghiệp thuộc EVNGENCO2, EVN, công ty đã có những bước đi như thế nào trong công tác chuyển đổi số, thưa ông?
Thấu hiểu tầm quan trọng đặc biệt của chuyển đổi số với ngành điện, EVN đã có những chủ trương và chiến lược quyết liệt trong việc thúc đẩy chương trình chuyển đổi số trong các đơn vị thành viên của tập đoàn.
Là một đơn vị thành viên của EVNGENCO 2 trực thuộc EVN, Nhiệt điện Hải phòng đã chủ động những bước đi tiên phong trong nỗ lực chuyển đổi số.
Với 4 tổ máy nhiệt điện đốt than, bài toán chuyển đổi số của Nhiệt điện Hải phòng càng trở nên cấp bách. Nó không chỉ giúp công ty tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và hiệu lực quản lý mà còn nâng cao độ tin cậy, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn điện trong nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.
Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Hải phòng |
Để thực hiện chuyển đổi số thành công thì công ty đã xác định thực hiện theo các bước sau: Xác định mục tiêu và tầm nhìn của doanh nghiệp trong chương trình chuyển đổi số; xây dựng lộ trình chuyển đổi số một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp; thực hiện số hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình sản xuất; áp dụng công nghệ 4.0 vào quá trình hoạt động sản xuất của công ty để tối ưu hóa các công đoạn, quá trình công nghệ.
Để thực hiện các bước trên, Nhiệt điện Hải phòng đã xác định các mục tiêu chính của chương trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp gồm: Nhiệt điện Hải phòng trở thành một doanh nghiệp tiên phong trong nước và khu vực trong nắm bắt Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tiết giảm chi phí, đặc biệt là tiêu hao nhiên liệu than, để tăng lợi nhuận và giá trị tổng thể của doanh nghiệp; nâng cao hiệu suất và hiệu quả hoạt động tổng thể của nhà máy qua việc sử dụng các công nghệ số và cải thiện việc quản lý - vận hành máy móc thiết bị; nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả đóng góp của các phòng, ban đơn vị; từ đó giúp công ty vận hành đạt hiệu quả hoạt động cao hơn; đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động.
Vậy những bước đi tiếp theo của công ty trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Trong giai đoạn 2021 - 2025, công ty có kế hoạch triển khai tiếp các chương trình chuyển đổi số với nhiều đề tài và chủ đề theo chương trình chuyển đổi số của công ty và của EVNGENCO2 trên nhiều lĩnh vực.
Theo đó, chúng tôi sẽ áp dụng 9 đề tài ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực vận hành nhà máy. Đồng thời, triển khai 33 chủ đề chuyển đổi số trong các lĩnh vực sản xuất, quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng, quản trị tài chính. Thực hiện 13 giải pháp chuyển đổi số nhằm giảm thiểu suất sự cố, giảm chi phí bảo trì, giảm suất hao nhiệt và nhiên liệu.
Các chương trình chuyển đổi số sẽ được triển khai theo các giai đoạn khác nhau để đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm đảm bảo quá trình thực hiện được đúng trình tự, hiệu quả và hạn chế các rủi ro.
Với chương trình chuyển đổi số toàn diện trên mọi lĩnh vực, lãnh đạo công ty xác định rõ việc thực hiện chương trình chuyển đổi số là bước đi quan trọng và cấp thiết để giúp công ty duy trì và nâng cao hiệu quả, độ tin cậy cũng như phát triển công ty trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Xin cảm ơn ông!