Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng phát biểu khai mạc |
Tham dự hội thảo, ngoài đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, một số đại biểu Quốc hội các tỉnh phía Nam... còn có đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia môi trường, doanh nghiệp năng lượng trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, trong những năm qua, cùng với các nguồn điện khác, nhiệt điện đã có đóng góp quan trọng trong việc cung cấp điện cho nền kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Cho đến nay, trong số gần 40.000 MW tổng công suất nguồn thì nhiệt điện than chiếm gần 33%, nhiệt điện khí chiếm khoảng 19%, thủy điện chiếm trên 40%, còn lại là các dạng năng lượng khác. Về điện sản xuất và cung cấp cho nền kinh tế, nhiệt điện than chiếm khoảng 30%, nhiệt điện khí là 29%.
Để đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng 7%/năm, Bộ Công Thương đã xây dựng trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát triển hệ thống điện với tốc độ tăng trưởng phụ tải điện khoảng 16% cho giai đoạn từ nay đến 2020, khoảng 8,5% giai đoạn 2021-2025 và 7,5% giai đoạn 2025-2030. Như vậy đến 2020, hệ thống nguồn điện phải đạt trên 63.000 MW và đến năm 2030 phải đạt 120.000 MW.
Toàn cảnh hội thảo |
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng trả lời các câu hỏi của báo chí |
Trong vòng 4 năm nữa, Việt Nam cần phải có thêm trên 23.000 MW nguồn điện. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn và thách thức nhất là trong bối cảnh các nguồn thủy điện đã cơ bản khai thác hết, nguồn năng lương tái tạo vẫn còn gặp khó khăn do tiềm năng có hạn, chi phí đầu tư cao, nguồn lực kinh tế cho đầu tư còn hạn chế; điện hạt nhân còn nhiều vấn đề mà xã hội quan tâm; nguồn khí cho phát triển điện khí cũng sẽ cạn kiệt vào năm 2023 và phải nhập khẩu nguồn khí hóa lỏng.... do đó phát triển nhiệt điện than là điều quan trọng. Đây cũng là xu thế chung của nhiều quốc gia trong khu vực, trong 10-15 năm tới. Vấn đề đặt ra là sẽ phát triển như thế nào để vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường bền vững. Đây cũng là lý do Bộ Công Thương tổ chức hội thảo này với mong muốn có cái nhìn đầy đủ, khách quan, toàn diện về bức tranh nhiệt điện than tại Việt Nam, cùng nhau tìm ra giải pháp phát triển trong thời gian tới.
Chia sẻ tại hội thảo, giáo sư tiến sĩ Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam - cho rằng, cần nhìn nhận vai trò của nhiệt điện than một cách nghiêm túc, khách quan. Tuy nhiên, gần đây có nhiều tổ chức xã hội đã cung cấp những thông tin chưa đầy đủ, chuẩn xác cho cơ quan truyền thông khiến dư luận hiểu lầm. Đơn cử như việc đưa tin Mỹ đóng cửa 165 nhà máy nhiệt điện than nhưng lại không nói rõ đó là những nhà máy đã hết niên hạn...
Cũng theo ông Nghĩa, về cơ bản công nghệ áp dụng trong các nhà máy nhiệt điện than là công nghệ hiện đại, phổ biến trên thế giới, đáp ứng yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng và vận hành ban đầu cũng có 1 số nhà máy đã để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường cần phải xem xét, xử lý, khắc phục.
Trên cơ sở phân tích các số liệu khoa học, giáo sư Nghĩa cũng chỉ ra rằng, với sự phát triển công nghệ hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được ô nhiễm khói bụi, nước thải trong quá trình làm mát hay xử lý tro bay, xỉ than của các nhà máy nhiệt điện.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ thông tin về tình hình xử lý tro xỉ than; đại diện Công ty Điện lực Hàn Quốc chia sẻ thông tin về xây dựng, vận hành, xử lý môi trường tại các nhà máy nhiệt điện than tại Hàn Quốc.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, phát triển nhiệt điện than vẫn là giải pháp quan trọng, chủ yếu nhằm đảm bảo đủ điện cho đất nước, nhất là trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn khó khăn. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than; lắng nghe các ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, cộng đồng xã hội để có những quyết sách phù hợp; tiếp tục quy định áp dụng các công nghệ tiên tiến, tối ưu nhất, nâng cao hiệu suất của tổ máy, giảm thiểu tác động đến môi trường; phối hợp cùng các cơ quan quản lý liên quan xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sử dụng sản phẩm từ nguồn tro xỉ thải; các quy định xử lý vấn đề môi trường toàn diện, hiệu quả.