Triều cường gây nhiều tác hại đối với cuộc sống của người dân TP.Hồ Chí Minh
CôngThương - Theo kế hoạch ứng phó với BĐKH từ nay đến năm 2015 do UBND TP.HCM ban hành ngày 15/5/2013, các hành động ứng phó với BĐKH tập trung chủ yếu vào việc nâng cao khả năng thích ứng của người dân, các cơ quan, tổ chức trước sự thay đổi của khí hậu.
Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì phối hợp với các ngành triển khai các công trình nghiên cứu về BĐKH nhằm cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn, các giải pháp hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động thích ứng với BĐKH của TP. Sở Quy hoạch kiến trúc xây dựng và thực hiện các chương trình nhằm tích hợp mục tiêu thích ứng với BĐKH trong quy hoạch đô thị và kiến trúc của TP.HCM. Lồng ghép yếu tố BĐKH trong công tác lập, quản lý quy hoạch và quản lý đô thị; rà soát, bổ sung các quy hoạch ngành trọng điểm (giao thông, thoát nước, hồ điều tiết…) theo hướng giảm thiểu tác động của BĐKH với sự vận hành của đô thị, đồng thời tăng cường năng lực quản lý và nâng cao nhận thức cộng đồng trong các vấn đề liên quan. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước có trách nhiệm chính trong việc quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước. Triển khai thực hiện tốt quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực phòng chống lụt bão, nước biển dâng, hạn hán và hạn chế xâm nhập mặn trong bối cảnh BĐKH…
Mới đây, Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH TP. Hồ Chí Minh công bố khởi động chương trình tiến ra phía biển thích ứng với BĐKH, dự kiến kéo dài trong 18 tháng với kinh phí 1 triệu euro. Theo kế hoạch, 2 năm tới, TP. HCM cùng với TP. Rotterdam (Hà Lan) xây dựng chiến lược tiến ra biển trên cơ sở rà soát lại tất cả các quy hoạch của thành phố hiện nay, kết hợp lại với nhau, phân tích điểm mạnh, điểm yếu để vạch ra các công việc cần làm để tiến ra biển. |
Bên cạnh kế hoạch thích ứng với BĐKH, TP cũng xây dựng một số nhóm nhiệm vụ phải thực hiện nhằm hạn chế và giảm bớt sự nóng lên của trái đất, tạo ra hiện tượng BĐKH. Sở Công thương được giao chủ trì thực hiện nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm năng lượng; phát triển và phổ biến các công nghệ tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng; nghiên cứu, phát triển, quy hoạch, xây dựng chính sách phù hợp để đẩy nhanh triển khai áp dụng các công nghệ sạch, thân thiện môi trường; khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học, phát triển theo hướng các-bon thấp, ít gây hiệu ứng nhà kính cho các ngành sản xuất và dịch vụ trên địa bàn.
Sở TN&MT thực hiện quản lý chất thải đô thị, chất thải công nghiệp, nguy hại và y tế theo hướng giảm thiểu chất thải, tái sử dụng và tái chế chất thải, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn; sử dụng công nghệ hiện đại nhằm thu hồi và tận dụng khí nhà kính từ các khu vực chôn lấp chất thải. Văn phòng BĐKH tăng cường vận động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ của quốc tế; phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực tự ứng phó với BĐKH cho cộng đồng; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về ứng phó với BĐKH, đặc biệt là cho cán bộ quản lý đô thị. Hiện TP.HCM đã và đang thực hiện 36 chương trình, dự án, được triển khai đến năm 2015 với tổng kinh phí trên 70.540 tỷ đồng.