Ngân hàng ANZ tại TP. Hồ Chí Minh |
Mới đây nhất ngày 24/3 Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận về nguyên tắc cho phép NH Public Bank Berhad (PBB) của Malaysia lập NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Đây sẽ là NH 100% vốn nước ngoài thứ 6 hoạt động tại Việt Nam sau HSBC, ANZ, Standard Chartered, Shinhan Vietnam và Hong Leong Bank. Cũng gần đây, Kasikorn- một trong những NH hàng đầu của Thái Lan đã khai trương hai văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh sau một thời gian xây dựng mạng lưới dịch vụ ở Việt Nam thông qua việc hợp tác với VietinBank và Agribank. Trước NH Kasikorn Thái, đã có sự hiện diện của NH liên doanh Việt Thái (Vinasiam Bank) và chi nhánh của NH Bangkok tại Việt Nam. Theo ông Preedee Dawchai- Tổng giám đốc NH Kasikorn- sự có mặt chính thức tại Việt Nam sẽ giúp tăng cường sự linh hoạt trong quản lý kinh doanh của khách hàng khi có nhu cầu mở rộng thị trường sang Việt Nam.
Nếu như những năm trước, đa phần những NH nước ngoài của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan mặt tại Việt Nam đều là những quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng vốn đầu tư vào Việt Nam dẫn đầu thì hiện nay các NH của các quốc gia khu vực ASEAN đang “đổ bộ” mạnh mẽ vào thị trường tài chính Việt Nam. Điều này cho thấy các tổ chức tín dụng trong khu vực đã chuẩn bị sẵn sàng đón đợi cơ hội từ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành cuối năm nay. Bởi AEC đã hướng tới mục tiêu hội nhập ngành NH nội khối vào năm 2020, tạo ra một hệ thống NH mở cho phép các NH ASEAN được hoạt động một cách bình đẳng với NH sở tại của bất kỳ thành viên nào trong khối.
Bên cạnh đó, việc tăng cường hiện diện của các NH nước ngoài tại Việt Nam sẽ đem lại cho Việt Nam một lượng vốn cần thiết, tạo động lực để phát triển. Tuy nhiên, việc này cũng tạo áp lực cạnh tranh rất lớn trong hệ thống NH.
Có thể thấy việc nhìn nhận tương lai nền kinh tế Việt Nam tiếp tục rộng mở, cơ hội lớn từ hội nhập mang lại như AEC được hình thành, cộng với hàng loạt FTA với EU, TPP… được ký kết đã trở thành động lực để các NH nước ngoài gia tăng số vốn đầu tư theo các hướng khác nhau, bám trụ lâu dài với nền kinh tế Việt Nam. |
Thực tế hiện nay cho thấy khối ngân hàng TMCP quốc doanh tập trung chủ yếu vào cho vay các tập đoàn, DN nhà nước, trong khi khối NH cổ phần tập trung cho vay DN nhỏ và vừa, khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, thị phần dường như đang có sự cạnh tranh quyết liệt. Bởi khối DN FDI nắm tới gần 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và các khách hàng tiềm năng này gần như nằm trọn trong tay NH ngoại. Không chỉ có thế, khối NH ngoại còn nhắm tới cả khối DN trong nước.
Trong Đề án tái cấu trúc hệ thống NH, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra mục tiêu hướng tới xây dựng 1 - 2 NH có quy mô ngang tầm khu vực. Song hiện quy mô của các NH lớn của Việt Nam vẫn còn thua xa so với các NH lớn trong khu vực. Vì vậy, để có thể cạnh tranh, xứng tầm khu vực, giải pháp khả dĩ nhất hiện nay là các NH phải có kế hoạch đa dạng hóa dịch vụ, mua bán, sáp nhập để mở rộng quy mô hoạt động.