Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp khu Đông TP. Hồ Chí Minh |
Tại khu vực phía Bắc, nhiều doanh nghiệp đã rất tích cực khi tham gia đầu tư các khu đô thị thông minh. Có thể kể tới nhà phát triển bất động sản trong nước Sunshine Group, đã xây dựng hàng loạt các ngôi nhà thông minh cùng hệ sinh thái hiện đại bằng cách tích hợp công nghệ mới vào các sản phẩm của họ. Nổi bật trong đó là ứng dụng Sunshine Cab có chức năng gọi xe đưa đón tương tự như Grab dành cho cư dân, các chức năng quản gia thông minh cũng như siêu thị trực tuyến cũng được tích hợp cho cư dân thông qua ứng dụng của chủ đầu tư. Mục đích tổng thể là cung cấp cho cư dân một tổ hợp công nghệ thông minh tập trung vào các dịch vụ vận chuyển, mua sắm và thư giãn.
Đầu tháng 4/2019, Vingroup - nhà phát triển bất động sản nội địa lớn nhất tại Việt Nam, đã nâng cấp dự án có quy mô lớn 280 ha của họ thành một khu đô thị thông minh năng động có tên Vinhomes Smart City tại phía Tây Hà Nội. Dự án sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) với các tính năng nhận dạng khuôn mặt và một trung tâm công nghệ nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin và dịch vụ cho cư dân, từ giám sát chất lượng không khí đến cảnh báo ô nhiễm môi trường.
Đại diện Công ty Nghiên cứu và tư vấn bất động sản JLL cho hay, một điều đáng chú ý là các khu đô thị thông minh được chào bán bởi các chủ đầu tư trong nước đạt được tỷ lệ bán khá ấn tượng. Kể từ khi ra mắt lần đầu tiên vào năm 2016, thị trường bất động sản Hà Nội đã chào đón hơn 10.000 đơn vị nhà ở thông minh với tỷ lệ bán trung bình đạt 70%.
Nhìn về triển vọng tương lai, Xuân Phạm - Bộ phận marketing của JLL - kỳ vọng sẽ có nhiều đô thị thông minh hơn gia nhập thị trường trong thời gian tới. Với những cái tên nổi bật như BRG Smart City tại Hà Nội, Ecopark Smart City tại Hưng Yên, Dragon Smart City tại Đà Nẵng và Thu Thiem Eco Smart City tại TP. Hồ Chí Minh. Những dự án này được kỳ vọng sẽ cung cấp hàng loạt tính năng công nghệ mới bao gồm cả quy hoạch cảnh quan thông minh với cơ sở hạ tầng tiên tiến, nhằm xây dựng những đô thị hiện đại và thân thiện với môi trường, nơi mà cư dân có thể tận hưởng các dịch vụ tích hợp chỉ với vài bước đi bộ.
Ở tầm lớn hơn, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai xây dựng đề án “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025" và được doanh nghiệp tích cực thực hiện. TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC Group) - cho biết, AIC đã cùng với đối tác của hơn 10 quốc gia nghiên cứu, khảo sát mô hình thành phố thông minh trên thế giới và tình hình thực tế ở Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng để từ đó đưa ra những giải pháp tương đối phù hợp cho thành phố; trong đó có những vấn đề thành phố đặc biệt quan tâm đã được nhóm nghiên cứu chú trọng như trung tâm điều hành thành phố, trung tâm dự báo tình hình kinh tế - xã hội của thành phố, các chương trình liên quan mô phỏng phòng chống ngập lụt…
Với các giải pháp tích cực này, sau hơn 1 năm đề án đô thị thông minh được công bố, thành phố đã triển khai 4 trung tâm thuộc đề án là Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội thành phố; Trung tâm an toàn thông tin của thành phố. Những kết quả này đang là động lực thúc đẩy ngày càng nhiều doanh nghiệp mạnh hơn hơn trong việc đầu tư vào đô thị thông minh.
Không thể phủ nhận rằng những đô thị hiện đại đang nở rộ đã tác động trực tiếp đến đời sống và các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam. Song các chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng có rất nhiều bài toán đặt ra cho việc phát triển đô thị thông minh cần tháo gỡ như làm sao kết nối được các nguồn lực FDI để giải quyết một loạt bài toán về giải quyết giao thông, chất lượng sống... Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi phải bám sát công nghệ hiện đại, cần phải có khả năng dự đoán, dự báo sự phát triển công nghệ, để có thể lựa chọn công nghệ mang tính mở, có khả năng chuyển đổi, tích hợp giữa công nghệ hiện tại và tương lai.