3 lĩnh vực hợp tác tiềm năng
Trong những năm gần đây, Tổ chức Pháp ngữ và các nước thành viên ngày càng nỗ lực và quyết tâm tăng cường hợp tác kinh tế, coi đây như một trụ cột quan trọng của tổ chức bên cạnh văn hóa, ngôn ngữ nhằm giúp tăng cường vị thế quốc tế của Cộng đồng Pháp ngữ.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu tại Diễn đàn |
Tại Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam - Pháp ngữ tổ chức sáng ngày 24/3, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, với 88 quốc gia và chính quyền thành viên, hiện diện ở khắp các châu lục trên thế giới, có 1,2 tỉ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại thế giới, không gian kinh tế Pháp ngữ có tiềm năng phát triển hợp tác kinh tế rất to lớn, đặc biệt là trong bối cảnh tất cả các nước thành viên đang nỗ lực hết mình để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
“Tiềm năng hợp tác trong không gian kinh tế Pháp ngữ rất to lớn song chưa được phát huy hết, còn nhiều dư địa để phát triển. Là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của Pháp ngữ, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục tích cực tham gia các nỗ lực này. Với sự quyết tâm của các chính phủ, sự tham gia, nỗ lực đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các tổ chức và đối tác quốc tế, chúng ta có thể tiếp tục làm tốt hơn nữa để thúc đẩy hợp tác kinh tế Pháp ngữ phát triển, biến các tiềm năng thành các kết quả cụ thể, thực chất, các bên cùng có lợi”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Dẫn đầu Đoàn xúc tiến kinh tế và thương mại Pháp ngữ thăm, tiềm hiểu cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, bà Louise Mushikiwabo - Tổng Thư ký OIF - cho biết, tổ chức này xác định hợp tác cùng với Chính phủ Việt Nam trên 3 lĩnh vực chủ chốt giúp tạo ra những doanh nghiệp hợp tác hoạt động trong việc tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là nông, lâm nghiệp, chế biến thực phẩm; đổi mới sáng tạo năng lượng tái tạo và chuyển đổi số.
“Chúng tôi mong muốn thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ba lĩnh vực ưu tiên này. Để làm được như vậy, nhiệm vụ của tất cả chúng ta là vượt qua những thách thức, khó khăn để tạo ra những thỏa thuận hợp tác doanh nghiệp các nước với nhau trong khuôn khổ Pháp ngữ, giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác của Cộng đồng Pháp ngữ”- bà Louise Mushikiwabo nhấn mạnh.
Theo bà Louise Mushikiwabo, việc thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp khối Pháp ngữ còn giúp nâng cao hơn nữa tỷ lệ trao đổi thương mại trong khối Pháp ngữ hiện nay là 20% và đạt được mức độ tỷ lệ cao hơn mức 16% GDP ở toàn cầu hiện nay cũng như tỷ lệ vốn đầu tư của cộng đồng Pháp ngữ trên toàn thế giới hiện là 15%. Việc thúc đẩy thỏa thuận hợp tác không chỉ phục vụ lợi ích của từng quốc gia thành viên Cộng đồng Pháp ngữ mà còn đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Tham dự Diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lương thực Gabon Charles Mve Ella, Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo... |
OIF sẽ tiếp tục là cầu nối tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và khối Pháp ngữ
Phát biểu trong phiên khai mạc điễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá cao việc OIF chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên nhằm mục đích tăng cường kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Pháp ngữ, thúc đẩy hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ, góp phần đoàn kết và thịnh vượng chung của Khối Pháp ngữ.
Đến nay, Việt Nam đã có trao đổi thương mại với 44/54 quốc gia thành viên chính thức của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, trong đó 12 quốc gia tại khu vực châu Âu - châu Mỹ và 32 quốc gia tại khu vực châu Á - châu Phi.
Trong giai đoạn năm 2017 - 2019, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên trong Khối luôn ổn định, ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn và đạt mức cao nhất là 26,71 tỷ USD năm 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên bị ảnh hưởng tiêu cực, giảm 9,5% đạt mức 24,17 tỷ USD. Tuy nhiên hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên OIF đã bật tăng trở lại một cách ấn tượng trong năm 2021 với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 32,95 tỷ USD, tăng 36,3%.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại diễn đàn |
Việt Nam đang chủ động hội nhập sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế thế giới với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA). Không gian kinh tế Pháp ngữ cũng là khu vực thị trường rộng lớn của Việt Nam bao trùm cả ba FTA thế hệ mới mà Việt Nam vừa tham gia là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). “Các FTA này sẽ mở ra không gian thương mại tự do rộng lớn giữa Việt Nam với các đối tác trên toàn thế giới đặc biệt là các đổi tác thành viên OIF”- Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh và tin tưởng OIF sẽ tiếp tục là cầu nối tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, nhằm hình thành chuỗi cung ứng - sản xuất giữa các nước thành viên và Việt Nam, giúp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu trên cơ sở tận dụng các ưu đãi từ CPTPP, EVFTA, RCEP và gián tiếp qua các FTA khác mà Việt Nam đã ký kết.
Dựa vào lợi thế không gian kinh tế đa dạng trong OIF, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, hai bên hoàn toàn có thể nghĩ đến việc xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất - tiêu thụ khép kín trải từ châu Phi - Việt Nam - châu Âu/Bắc Mỹ trong một số ngành mà các nước thành viên có thế mạnh và nhu cầu, trong đó một số nước châu Phi có thể trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu cho một số ngành xuất khẩu của Việt Nam nhắm đến các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ.
"Với tiềm năng và thế mạnh của mình, Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối của Khối Pháp ngữ với khu vực châu Á Thái Bình Dương và thế giới trong thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế Pháp ngữ, đồng thời hy vọng OIF tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong các hoạt động kết nối, thúc đẩy hợp tác kinh tế với doanh nghiệp trong khối", Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho hay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Thương mại, doanh nghiệp vừa và nhỏ Gabon trao Ý định thư giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ Gabon |
Cũng tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ, thời gian qua, với mong muốn tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, cởi mở, thuận lợi cho các nhà đầu tư, Việt Nam đã thúc đẩy đồng bộ các nỗ lực cải cách thể chế trong nước và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Việt Nam trở thành một trong những tâm điểm mạng lưới liên kết kinh tế, là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, là điểm đến đầu tư kinh doanh hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới.
“Sự tham gia đồng hành cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước, phát huy các kết quả đạt được, kết nối hai chiều giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài thời gian qua, với mạng lưới hơn 90 cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các ban bộ ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi, để hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp từ các nước Pháp ngữ, tìm hiểu cơ hội thiết lập đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng sẽ nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh ở nước ngoài, trong đó có các nước Pháp ngữ, nhất là trong lĩnh vực có nhiều tiềm năng như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo sản phẩm và dịch vụ số,...”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
OIF lần đầu tiên tổ chức Đoàn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Pháp ngữ mang tính đa phương từ ngày 21-30/3 tại Việt Nam và Campuchia. Đây là chương trình hợp tác kinh tế mới của OIF nhằm hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp Pháp ngữ mở rộng hoạt động quốc tế. |