GDP cả năm tăng 7,08%, cao nhất kể từ năm 2011
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP quý IV năm 2018 ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,9%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,65% và khu vực dịch vụ tăng 7,61%.
Tính chung cả năm, GDP tăng 7,08% - là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây ở trên cả 3 khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ. Ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – cho rằng, kết quả này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành, địa phương cùng nỗ lực thực hiện. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6%; khu vực dịch vụ tăng 7,03% đóng góp 42,7%.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012- 2018, tăng 2,89%. Điều này khẳng định xu thể chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, mặt khác giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này. Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, là mức tăng cao nhất của giai đoạn 2012 – 2018, đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,46%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng 6,01% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,05 điểm phần trăm.
Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp năm 2018 duy trì mức tăng trưởng khá với 8,79%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng cao 12,98%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng các năm 2012 – 2016.
Khu vực dịch vụ năm nay cũng duy trì tăng trưởng tốt, tăng 7,03%, tuy thấp hơn mức tăng 7,44% của năm trước, nhưng cao hơn so với các năm 2012 – 2016.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu kinh tế khác đã cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Theo báo cáo của Nikkei, tâm lý kinh doanh vẫn lạc quan khi chỉ số nhà quản trị mua hàng luôn ở mức mở rộng. Chỉ số này tăng từ mức 51,6 điểm trong tháng 3, tăng cao 55,7 điểm trong tháng 6 và đạt đỉnh 56,5 điểm trong tháng 11. Cũng theo Nikkei, số lượng đơn đặt hàng xuát khẩu mới tiếp tục trăng trong tháng 11, khuyến khích các nhà sản xuất tăng sản lượng, tạo thêm nhiều việc làm mới.
Ông Dương Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) – nhận định, những thành quả phát triển kinh tế của năm 2018 tiếp tục là động lực quan trọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2019. Nền kinh tế trong năm tới sẽ được bổ sung thêm nhiều năng lực sản xuất mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Nổi bật như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi sơn, Lò luyện cốc gang thép Formosa, Nhà máy Xử lý Hóa chất lỏng Cà Mau… sẽ được hoàn thành và đi vào sản xuất vào năm 2019.
Giải ngân FDI đạt kỷ lục
Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 35,46 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017. Ước tính các dự án FDI đã giải ngân 19,1 tỷ USD.
Đánh giá về điểm sáng của khu vực FDI, ông Nguyễn Việt Phong – Vụ trưởng Vụ thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê) – cho rằng, vốn giải ngân năm nay của các dự án FDI đã đạt đỉnh mới, đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017, mặc dù vốn đăng ký giảm. Cụ thể, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 35,46 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Việc vốn giải ngân tăng cao nhưng vốn đăng ký lại tăng thấp, có thể thấy rằng Chính phủ đã kiên định mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, ưu tiên thu hút dự án FDI trong những ngành công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, không thu hút FDI bằng mọi giá như trước đây. Do vậy vốn đăng ký giảm, tuy nhiên chất lượng đưa vốn có tăng thêm” – ông Nguyễn Việt Phong nhận định.
Thực tế, chất lượng giải ngân và chất lượng đưa vốn vào nền kinh tế có tăng thêm thể hiện người đứng đầu Chính phủ trong thời gian vừa qua đã tham gia một số hội nghị xúc tiến đầu tư như: Diễn đàn Kinh tế thế giới, xúc tiến đầu tư Nhật Bản và 1 số hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước… đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp FDI. Đây chính là 1 trong những động lực thu hút và giải ngân vốn FDI trong những năm tới.
Số doanh nghiệp đăng ký mới tăng mạnh
Ông Phạm Đình Thúy – Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê)- thông tin, năm 2018 là năm số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với con số kỷ lục, đạt 131.275 doanh nghiệp và tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 141,% về số vốn đăng ký so với năm 2017. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%. Nếu tính cả 2.408,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2018 là 3.886,9 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 34.010 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm nay lên gần 165,3 nghìn doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đi kèm với số doanh nghiệp đăng ký mới tăng kỷ lục thì số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và hoàn thành giải thể tăng cao. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 90.651 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với năm trước, bao gồm 27.126 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 63.525 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 16.314 doanh nghiệp, tăng 34,7% so với năm trước.
Ông Nguyễn Bích Lâm lý giải nguyên nhân số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể tăng cao do tháng 4/2018 các phòng đăng ký kinh doanh trên cả nước đang rà soát, chuẩn hóa dữ liệu, loại bỏ các doanh nghiệp không còn hoạt động trong thời gian dài nữa.
Mặc dù có nhiều mảng sáng trong bức tranh kinh tế, tuy nhiên với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt. Đồng thời, với quy mô kinh tế nhỏ, việc ứng phó với các biến động trong tương lai của Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn hơn bởi dư địa tài chính, tiền tệ hạn hẹp. Để phát huy hiệu quả của các động lực tăng trưởng, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, theo ông Nguyễn Bích Lâm, năm 2019, Chính phủ và các địa phương cần tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển. Chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế. Ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh
“Để nền kinh tế có thể hòa nhập, không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ cần đổi mới phương thức thu hút FDI, tập trung thu hút các nhà đầu tư hàng đầu thế giới, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, ngăn ngừa việc dịch chuyển các dòng vốn gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu vào Việt Nam” – ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.