Hai bên ký biên bản cuộc họp
CôngThương - Chưa xứng với tiềm năng
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hai chiều năm 2012 giữa Việt Nam và Slovakia đạt 307,4 triệu USD; trong đó Việt Nam xuất khẩu 90,9 triệu USD, nhập khẩu 16,4 triệu USD.
2 tháng đầu năm 2013, trị giá trao đổi hàng hóa giữa hai nước đạt 48,394 triệu USD, tăng 53% so cùng kỳ năm 2012.
Mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam vào Slovakia chủ yếu là giày dép, dệt may. Còn Việt Nam nhập khẩu từ Slovakia chủ yếu gỗ, máy móc thiết bị.
Về đầu tư, hiện nay Slovakia mới có 5 dự án đầu tư ở Việt Nam, đứng thứ 31 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có dự án nào của Việt Nam đầu tư sang Slovakia.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa phát biểu tại cuộc họp
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá: Mặc dù Hiệp định về hợp tác kinh tế cùng nhiều hiệp định khác về điều tiết các hoạt động kinh tế, thương mại đã được hai bên ký kết, nhưng kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước trong nhiều năm qua vẫn chỉ dừng ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và cán cân thanh toán nghiêng về phía Việt Nam.
Vì vậy, “hai bên cần thúc đẩy việc trao đổi hàng hóa trên cơ sở lợi thế của mỗi nước bằng việc khuyến khích và tạo thuận lợi cho giới doanh nghiệp của hai nước tiếp cận thị trường, trao đổi các đoàn doanh nghiệp, tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành tại mỗi nước.”- Thứ trưởng Thoa đề nghị.
Hợp tác mang tính khả thi
Tại cuộc họp, hai bên đã nhìn nhận một cách thực tế hơn về tiềm năng của mỗi nước, trên cơ sở đó định hướng những vấn đề hợp tác mang tính khả thi.
Slovakia có thế mạnh trong lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, luyện kim, chế tạo thiết bị cơ khí, công nghiệp hóa chất, dược phẩm, chế biến thực phẩm cũng như lâm nghiệp...
Thứ trưởng Bộ Kinh tế Slovakia Pavol Pavlis
Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Pavaol Pavlis muốn có sự hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực trên nhất là trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng. Đặc biệt là nâng cao hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại để cán cân thương mại hai nước cân bằng nhau.
Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng nhất trí, hai nước cần tập trung vào hợp tác, đầu tư trong những lĩnh vực mà hai bên có lợi thế như công nghiệp năng lượng, công nghiệp cơ khí điện tử, phương tiện vận tải và hợp tác lao động. Việt Nam sẵn sàng và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư CH Slovakia tham gia vào lĩnh vực phát triển hạ tầng, khai thác khoáng sản, xây dựng các nhà máy điện và sản xuất phương tiện vận tải.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Slovakia vẫn tiếp tục hợp tác và giúp đỡ Việt Nam trong các dự án xây dựng các nhà máy liên doanh tại mỗi nước để sản xuất chế biến và cung cấp cà phê, chè, hoa quả hộp và sản phẩm thủy sản để xuất khẩu sang các thị trường lân cận.
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Thứ trưởng Thoa cũng mong muốn thúc đẩy ký kết Biên bản ghi nhớ MOU giữa hai nước về trao đổi thông tin và hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử.
Nhằm thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư giữa hai nước, “phía Slovakia đơn giản hóa các thủ tục cấp thị thực cho các doanh nghiệp Việt Nam vào Slovakia với mục đích kinh doanh.”- Thứ trưởng Thoa đề nghị.
Cũng tại cuộc họp, Cục xúc tiến thương mại và SARIO đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác.