Kéo điện về vùng sâu, vùng xa
CôngThương - Điện - Thiếu và yếu
Theo Sở Công Thương các tỉnh miền núi Bắc bộ, như: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, hiện nay nhiều vùng còn “đói” điện. Điển hình như tỉnh Lào Cai, ông Nguyễn Thanh Dương - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, sản xuất lạc hậu, kinh tế hàng hóa không có sức cạnh tranh. Địa bàn tỉnh này, hiện rất nhiều điều thiếu, trong đó điện vẫn là vấn đề quan trọng và thiếu nhất. Tính đến nay còn 140 thôn của tỉnh Lào Cao chưa có điện, thực tế những thôn, bản không có điện lại có tiềm năng về du lịch, sản xuất hàng hóa, tiềm năng về khoáng sản, nông sản, lâm sản... nhưng không có điện để phát huy, dẫn tới lãng phí tiềm năng của từng vùng miền, trong khi đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây lại đói nghèo.
Với tỉnh Yên Bái, đại diện Sở Công Thương tỉnh này cho biết, mặc dù lưới điện quốc gia đã phủ 156/159 số xã trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên vẫn còn 175 thôn bản vùng sâu, vùng xa chưa có điện. Trong đó có nhiều thôn bản của đồng bào vùng lòng hồ Thác Bà di dời đến.
Tỉnh Điện Biên, Cao Bằng cũng không nằm ngoài tình trạng trên. Ở Điện Biên dân số không có điện hiện còn tới 24%, Cao Bằng 27% dân số không có điện...
Ông Trương Xuân Quý- Phó Giám đốc Sở Công Thương Tuyên Quang cũng than phiền, đặc trưng điện Tuyên Quang là rất yếu, đổi nguồn liên tục nên việc mất điện thường xuyên, ảnh hưởng lớn đến các DN sản xuất. Theo báo cáo của một số DN, trong 6 tháng đầu năm, Công ty cơ khí hóa chất 13 mất điện 55 lần, Công ty CP Xi măng Tân Quang mua lưới điện 110 KV mất điện 47 lần; Công ty cơ khí chính xác Z129 mất điện 67 lần. Cũng theo ông Quý, thực trạng trên đã ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn. Dự báo, tỉnh Tuyên Quang năm 2013 sẽ không hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế, phần lớn do ảnh hưởng mất điện. Do đó, ảnh hưởng đến các dự án đầu tư vào Tuyên Quang, ngay cả dự án phôi thép đã xây dựng xong và chưa đi vào sản xuất vì vấn đề điện khó khăn.
Năm 2015 sẽ khai thông nguồn điện cho vùng sâu, vùng xa
Liên quan đến việc đầu tư điện nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa của các tỉnh trên cả nước nói chung, ông Nguyễn Văn Thành - Vụ trưởng Vụ lưới điện và điện nông thôn- Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết: Bộ Công Thương đã tập hợp toàn bộ nhu cầu đầu tư của các địa phương, trên cơ sở tính toán để phân tích các giải pháp đầu tư và đã trình Thủ tướng Chính phủ chương trình đầu tư phát triển điện nông thôn miền núi, hải đảo “giai đoạn 2013 - 2020” từ tháng 9/2012.
Theo ông Đỗ Xuân Hạ - Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương), tổng nhu cầu vốn của chương trình đầu tư điện nông thôn khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn đầu là 9.000 tỷ. Bộ Công Thương trình Chính phủ cần khoảng 7000 tỷ vốn ngân sách Nhà nước, trong đó vốn kế hoạch trung hạn 2011 đến 2015 đã được thông qua Quốc hội 900 tỷ. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã thu xếp được 2.000 tỷ vốn ODA cho các dự án. Hiện còn thiếu 4.000 tỷ, vì vậy các tỉnh đề nghị Chính phủ cần tăng ngân sách Nhà nước có mục tiêu để đầu tư cho điện nông thôn. Hiện nay các tỉnh đang rất khó khăn, nên Chính phủ đã giao Bộ Công Thương tìm kiếm nguồn vốn. Ông Hạ cho hay, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã liên hệ với các tổ chức quốc tế giúp đỡ, có khả năng trong thời gian tới cũng lo được khoảng 500 - 700 triệu đô la, hy vọng nếu được sẽ tháo gỡ cho điện nông thôn.
Tổng Cục Năng lượng cho biết năm 2015 mới có thể khai thông được điện về vùng sâu, vùng xa - nơi chưa có điện và nâng cấp nguồn điện áp yếu.
Ông Nguyễn Văn Thành - Vụ trưởng Vụ lưới điện và điện nông thôn - Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết: “Bộ Công Thương đang tìm hướng đàm phán với các nước hỗ trợ nguồn vốn ODA. Do đó cũng cần có thời gian để chúng ta tiếp tục đưa ra các giải pháp trên cơ sở tập hợp đề nghị của các tỉnh, hy vọng sẽ nâng cấp điện áp và đưa điện về thắp sáng vùng sâu, vùng xa”. |