Đồng chí Phùng Chí Kiên đã giác ngộ, nắm bắt thông tin, tiếp cận với nhiều tư tưởng yêu nước tiến bộ, đặc biệt là tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Năm 1926, đồng chí hoạt động cách mạng, được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham gia lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp đào tạo và trở thành hội viên ưu tú, tích cực của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Sau khóa học, đồng chí được chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn, giới thiệu vào học tại Trường Quân sự Hoàng Phố để chuẩn bị nguồn cán bộ quân sự cho cách mạng Việt Nam sau này.
Từ một thanh niên yêu nước, vượt khó, không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện và trưởng thành trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, đồng chí Phùng Chí Kiên đã trở thành một trong những chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Đảng. Đồng chí cũng là người có những đóng góp lớn trong việc phát triển, hoàn thiện đường lối chiến lược, sách lược của Đảng, nhất là trong công tác xây dựng đường lối và tổ chức chỉ đạo cao trào cách mạng dân chủ (1936-1939); xây dựng, cố định và phát triển tổ chức Đảng ở khu vực biên giới Việt-Trung (1939-1941)...
Tháng 9/1940, khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra, gây tiếng vang lớn trong cả nước, làm thực dân Pháp ra sức tìm cách đối phó. Cuối tháng 6/1941, chúng mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ cách mạng nhằm bắt các đồng chí lãnh đạo Đảng, tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh và lực lượng vũ trang cách mạng mới hình thành. Chúng huy động tới 4.000 quân, đủ các sắc lính cùng bọn cường hào phản động địa phương, tổ chức tấn công khu căn cứ. Phùng Chí Kiên chỉ huy đội Cứu quốc quân Bắc Sơn chiến đấu, phá một số trận càn lớn của Pháp.
Do chênh lệch lực lượng và vũ khí, Ban lãnh đạo căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai quyết định để lại một tiểu đội chặn đối phương, còn hai tiểu đội phá vòng vây, rút lên Cao Bằng để bảo toàn lực lượng. Ngày 19/8/1941, cánh quân do đồng chí Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri (Ủy viên thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ) chỉ huy qua Pò Kép (châu Na Rì, Bắc Kạn) thì bị địch phục kích, nhưng đơn vị thoát được. Ngày 21/8, đơn vị lại bị phục kích tại xã Bằng Đức trên đường đi Cao Bằng. Mặc dù bị thương nặng, đồng chí Phùng Chí Kiên vẫn giữ chặt khẩu súng, bắn chặn quân địch để đồng đội thoát khỏi vòng vây. Bắn hết viên đạn cuối cùng, đồng chí sa vào tay giặc. Ngày 22/8/1941, đồng chí Phùng Chí Kiên đã anh dũng hy sinh ở tuổi 40.
Khu lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên ở quê hương - xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã được xếp hạng khu di tích quốc gia |
Ngày 23/9/1947, ghi nhận công lao của đồng chí Phùng Chí Kiên trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 89/SL truy phong cấp tướng cho đồng chí Phùng Chí Kiên. Đây là sắc lệnh phong tướng đầu tiên của Nhà nước ta.
Tháng 11/2003, Đảng, Chính phủ ra quyết định công nhận đồng chí Phùng Chí Kiên là nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I), cán bộ lãnh đạo quân đội cấp tướng, liệt sĩ hy sinh anh dũng trong chiến đấu.
Cuộc đời hoạt động hết sức sôi nổi và oanh liệt của đồng chí Phùng Chí Kiên cho thấy rõ đồng chí là một người cộng sản mẫu mực, nhà chính trị, quân sự song toàn. Đó là tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, giữ vững ý chí chiến đấu đến cùng.
Đồng thời trong quá trình hoạt động, đồng chí Phùng Chí Kiên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, giữ vững ý thức tổ chức kỷ luật và ý chí chiến đấu, nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nghị quyết của Đảng.
Đi cùng đó là một người cộng sản gương mẫu trong công tác, giản dị trong lối sống, gần gũi, hòa mình với đồng bào, đồng chí. Tác phong làm việc của đồng chí khoa học, sâu sắc, luôn xuất phát từ thực tiễn, bám sát phong trào quần chúng; thái độ làm việc nhiệt tình, năng nổ, không ngại khó khăn, gian khổ, việc nào cũng làm hết lòng hết sức.
Đồng chí Phùng Chí Kiên còn thể hiện rõ là nhà quân sự tài ba, lỗi lạc. Tài năng quân sự của đồng chí Phùng Chí Kiên được bộc lộ rõ nhất trong thời kỳ hoạt động ở Pắc Bó, Cao Bằng. Một trong những bài học lớn nhất và có giá trị nhất được đồng chí vận dụng một cách sáng tạo vào công việc lúc bấy giờ trên cương vị chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân là dựa vào dân, bám trụ vào dân, có dân là có tất cả.
Quá trình hoạt động của đồng chí Phùng Chí Kiên còn thể hiện đồng chí là người chiến sĩ cộng sản quốc tế, nhà chính trị sắc sảo. Là một chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi, tuy chưa được trải qua thử thách và mới được dự một khóa duy nhất ở Quảng Châu do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo, nhưng sự kiện tham gia cuộc khởi nghĩa ở Quảng Châu chứng tỏ đồng chí Phùng Chí Kiên, với lòng quả cảm, sẵn sàng hy sinh xương máu, hiến dâng tất cả cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Trung Quốc, đã khẳng định tinh thần quốc tế vô sản cao cả của những người cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Phùng Chí Kiên là tấm gương sáng về người cộng sản yêu nước, trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, anh dũng, bất khuất trước kẻ thù. Thời gian được sống, làm việc gần Lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Phùng Chí Kiên đã được thấm những bài học sâu sắc về tư cách của người đứng đầu và tấm gương đạo đức cách sáng ngời, cao đẹp của người thầy, lãnh tụ kính yêu.
Học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Người, đồng chí luôn chú trọng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần tận trung với đất nước, với Đảng, tận tuỵ với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, chấp hành tuyệt đối công việc của tổ chức; thương yêu đồng chí, đồng bào và nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng.
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Phùng Chí Kiên là dịp để ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam học tập, noi theo, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ quê hương, đất nước.
Những ngày này, cùng với cả nước, người dân xã Diễn Yên (huyện Diễn Châu, Nghệ An) - quê hương của đồng chí Phùng Chí Kiên đang hướng tới nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, của quê hương, cùng chung sức, đồng lòng, nỗ lực khắc phục khó khăn, xây dựng quê hương đổi mới đi lên.
Xã đề ra mục tiêu giá trị sản xuất bình quân 5 năm (2020 - 2025) đạt 11 - 12%/năm; thu nhập bình quân đầu người phấn đấu đến năm 2025 đạt 75 - 80 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn bình quân 5 năm tăng16 -17%; thu hút thêm các nhà đầu tư vào xây dựng khu tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại trên địa bàn xã; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 0,3% vào năm 2025.