Chính sách tiền tệ là ngắn hạn, hạn chế giải quyết vấn đề dài hạn Chính sách kinh tế mới nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 2 |
Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong AJCEP
Ngày 23/12/2022, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 37/2022/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP). Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2023.
Thông tư 37/2022/TT-BCT quy định, hàng hóa được coi là có xuất xứ của một nước thành viên nếu hàng hóa đó: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên đó; đáp ứng các quy định trong trường hợp sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ; được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên đó chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ của một hay nhiều nước thành viên.
Ngoài ra, thông tư này cũng nêu rõ quy định hàng hóa có xuất xứ thuần túy.
(Ảnh minh họa: Nhật Sinh) |
Quy định mới về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức
Có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023, Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/1/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Thông tư 04/2023/TT-BTC quy định, việc mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Đối với quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo: Người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.
Quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tín ngưỡng: Người đại diện cơ sở tín ngưỡng tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.
Quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích thuộc sở hữu tư nhân: Chủ sở hữu di tích tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.
Trình tự thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh của tổ chức tín dụng phi ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 27/2022/TT-NHNN ngày 31/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập và hoạt động ngân hàng.
Theo đó, trình tự thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh của tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng quy định tại Thông tư 53/2018/TT-NHNN được sửa đổi tại Thông tư 27/2022/TT-NHNN như sau:
TCTD phi ngân hàng lập 1 bộ hồ sơ gửi NHNN chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, NHNN chi nhánh có văn bản yêu cầu TCTD phi ngân hàng bổ sung, hoàn thiện.
Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định, NHNN chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh có văn bản gửi TCTD phi ngân hàng chấp thuận hoặc không chấp thuận việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh; trường hợp không chấp thuận, văn bản phải nêu rõ lý do.
Trường hợp thay đổi địa chỉ đặt trụ sở chi nhánh do thay đổi địa giới hành chính (không thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh), TCTD phi ngân hàng có văn bản đề nghị NHNN chi nhánh xác nhận thay đổi địa chỉ đặt trụ sở chi nhánh, gửi kèm các tài liệu chứng minh về việc thay đổi địa chỉ nêu trên.
Trong 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, NHNN chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh có văn bản gửi TCTD phi ngân hàng xác nhận việc thay đổi địa chỉ đặt trụ sở chi nhánh.
Thông tư 27/2022/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ 1/3/2023.
Hướng dẫn mới về quản lý tài chính đối với VCCI
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 10/2023/TT-BTC ngày 8/2/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 133/2015/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Thông tư số 10/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/3/2023.
Thông tư số 10/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung quy định về "Thanh toán kinh phí ngân sách nhà nước" (Điều 20) như sau:
Việc thanh toán kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với VCCI thực hiện theo hình thức rút dự toán, Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi. Mã đơn vị quan hệ ngân sách cấp cho các chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị trực thuộc VCCI và Ủy ban chuyên trách quan hệ với Đài Loan (UBĐL) theo quy định tại Thông tư số 185/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký, cấp và sử dụng mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách.
Cơ quan VCCI tại Hà Nội, các chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị trực thuộc VCCI và UBĐL thực hiện thủ tục mở tài khoản, đăng ký mẫu dấu chữ ký tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước và Thông tư số 18/2020/TT-BTC.