Những đảng viên xả thân trong giặc lửa vì Hà Nội máu và hoa Bài 1: Gương đảng viên “đi trước” và văn hoá truyền thống chiến sĩ phòng cháy Thủ đô |
Bức tượng đài nhắc nhở trách nhiệm chúng ta nhìn vào thực tại, khắc phục những bất cập trong xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và giành tình cảm lớn cho Thủ đô, vì vậy, Người viết: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khoẻ cả về vật chất và tinh thần”. Thấm nhuần lời huấn thị của Bác Hồ, nhân dân Thủ đô Anh hùng nói chung và lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy nói riêng đã không tiếc máu xương để bảo vệ và xây dựng Thủ đô giàu mạnh như ngày nay theo đúng tâm nguyện của Người.
Cảnh sát PCCC cùng nhân dân sơ tán xăng dầu |
Lời Bác Hồ dạy năm xưa với nhân dân và cảnh sát PCCC Thủ đô
Những ngày này, sự hi sinh của những đảng viên, Cảnh sát PCCC trẻ, những “thiên thần áo xanh trong lửa đỏ” xả thân vì dân đã và đang rung động hàng triệu trái tim đồng bào thủ đô và nhân dân cả nước. Là một công dân thủ đô, một người nghiên cứu khoa học, nghĩ về các anh, tôi lại liên tưởng đến hình ảnh các chiến sĩ PCCC năm xưa được Bác Hồ ngợi khen và những lời Bác căn dặn đồng bào Thủ đô.
Ngay từ những ngày đầu chuẩn bị và tiếp quản khi Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy hết ý nghĩa lời cảnh báo của V.I.Lênin: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”. Người viết bài “Giữ gìn trật tự, an ninh”, đăng trên báo Báo Nhân Dân, số 236, từ ngày 9 đến ngày 10/10/1954, trong đó nhấn mạnh: “Quân đội Pháp đã rút khỏi Hà Nội. Chính phủ ta đã về Thủ đô. Hiện nay, việc quan trọng nhất của Thủ đô là giữ vững trật tự, an ninh. Có giữ vững trật tự, an ninh, thì nhân dân Thủ đô mới an cư, lạc nghiệp”.
Lực lượng Cảnh sát PCCC chữa cháy kho xăng Thượng Lý (Hải Phòng) |
Người còn chỉ rõ, chủ thể và lực lượng giữ vững trật tự, an ninh của Thủ đô là mọi tổ chức, mọi lực lượng, song lực lượng nòng cốt là quân đội và công an: “Giữ gìn trật tự, an ninh trước hết là việc của công an, bộ đội, cảnh sát. Nhưng chính quyền ta là chính quyền dân chủ, bất kỳ việc to việc nhỏ đều phải dựa vào lực lượng của nhân dân để phụng sự lợi ích của nhân dân. Việc giữ gìn trật tự, an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của nhân dân”. Đồng thời, Người chỉ rõ tính tất yếu phải phát huy sức mạnh tổ hợp trong giữ vững trật tự, an ninh của Thủ đô và giải thích rất rõ ràng: “Mọi người công dân, bất kỳ già trẻ gái trai, bất kỳ làm việc gì, đều có nhiệm vụ giúp chính quyền giữ gìn trật tự an ninh, vì trật tự, an ninh trực tiếp quan hệ đến lợi ích bản thân của mọi người”.
Đối với lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành tình cảm đặc biệt. Trong “Thư khen đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Sở Công an Hà Nội”, gửi ngày 3/8/1966, Người viết: “Trong việc phòng cháy, chữa cháy, các đồng chí đã bình tĩnh, tích cực và dũng cảm. Các đồng chí đã phối hợp tốt với lực lượng quần chúng. Do đó các đồng chí luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù trong những điều kiện khó khăn. Bác rất vui lòng khen ngợi tất cả cán bộ và chiến sĩ”.
Không những vậy, Người còn căn dặn: “Nhân đây, Bác dặn thêm mấy điều này: - Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn. - Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân. - Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc phòng cháy, chữa cháy. - Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí”.
Không ai khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người “đặt nền móng” cho sự ra đời, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cả nước khi là Chủ tịch nước đầu tiên ký Lệnh số 53-LCT, ngày 4/10/1961, công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy; và ngày 4/10 là Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo Quyết định số 369/1996/QĐ-TTg, ngày 4/10/1995 về việc lấy ngày 4/10 hàng năm là “Ngày phòng cháy, chữa cháy toàn dân” và Quyết định số 5490/QĐ-BCA-X11, ngày 22/9/2015 của Bộ Công an xác định ngày 4/10/1961 là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy.
Bức tranh của họa sĩ Anbecks về sự hi sinh của 3 chiến sĩ PCCC khiến nhiều người xúc động. Ảnh: FBNV |
Hơn thế nữa, Người còn rất quan tâm đến công tác chính sách cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy khi ký các lệnh quan trọng: Lệnh số 17-LCT, ngày 5/4/1963, công bố Pháp lệnh quy định cơ quan phụ trách quản lý công tác phòng cháy và chữa cháy; chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan phòng cháy và chữa cháy; Lệnh số 103-LCT, ngày 29/11/1965, thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba cho Đội phòng cháy và chữa cháy thuộc Ty Công an Nghệ An và Đội Công an thị trấn Hồ Xá thuộc khu vực Vĩnh Linh đã lập thành tích xuất sắc trong các trận chiến đấu chống máy bay Mỹ ngày 8/2 và những ngày 10, 11 và 12/5/1965; Lệnh số 112-LCT, ngày 23/12/1966, thưởng 4 Huân chương Chiến công cho 2 đơn vị và 2 chiến sĩ công an đã dũng cảm bảo vệ tài sản Nhà nước và nhân dân trong các trận chiến đấu tháng 4 và tháng 8/1966; truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba cho đồng chí Trần Thị Phương, thuộc Đội phòng cháy, chữa cháy phố Nam Dân, xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn, Ninh Bình, đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Huy hiệu Bác Hồ, sự hi sinh, nỗi đau và trách nhiệm
Thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ chiến sỹ |
Mùa thu 1954, trong những ngày đầu Thủ đô giải phóng, Đội Cứu hoả thuộc Phòng Trị an dân cảnh Sở Công an Hà Nội được thành lập để tham gia tiếp quản, thực hiện nhiệm vụ phòng hoả cứu hoả, bảo vệ thành quả cách mạng. Ngày 11/10/1954, lực lượng này tiếp nhận 7 xe chữa cháy, 2 máy bơm Ghinard và nhiều phương tiện, dụng cụ chữa cháy khác từ Đội Cứu hoả trực thuộc xưởng Công chính của Sở Giao thông công chính Hà Nội. Số nhân viên, lính cứu hỏa được giác ngộ từ trước, lại được giáo dục lời căn dặn của Bác Hồ đã nhanh chóng hòa mình vào dòng chảy cách mạng, đấu tranh tích cực giữ lại toàn bộ máy móc thiết bị, tham gia phục vụ tiếp quản Thủ đô thành công.
Với tinh thần và khí thế chiến thắng, chỉ trong vòng một tháng sau tiếp quản, Đại đội Cứu hỏa đầu tiên được chính thức thành lập ở Hà Nội cùng các lực lượng khác trong Công an Thủ đô đã ổn định các mặt công tác, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự địa bàn.
Từ đó đến nay, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Thủ đô không ngừng vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Trong thời bình, đặc biệt những ngày qua, Nhân dân Thủ đô và cả nước hết sức cảm phục và vô cùng thương tiếc khi 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hy sinh trong cuộc chiến với “giặc lửa” để cứu sống các nạn nhân của vụ cháy ở số nhà 231 Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội chiều ngày 1/8/2022. Đó là tấm lòng quả cảm khi mọi người chạy ra, thì các đồng chí xông pha vào biển lửa, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để cứu người. Bởi họ là những tấm gương tiêu biểu nhất và hành động có sức lan tỏa nhất trong “những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu anh dũng, không quản hiểm nguy, đặt sự an toàn của nhân dân lên trên hết, trước hết” - như lời Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định khi tới thăm, động viên gia đình các anh chiều 2/8/2022. Sự hy sinh trong thời bình của 3 đồng chí đã góp phần xây dựng truyền thống cao quý “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của lực lượng Công an nhân dân Anh hùng.
Tượng đài Công an nhân dân - ảnh: Cấn Dũng. |
Sinh thời, Bác Hồ rất trân trọng sự cống hiến, hi sinh của những chiến sĩ PCCC. Cuối năm 1959, Bác Hồ đã đề nghị và được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để Người tặng thưởng huy hiệu mang tên “Huy hiệu Bác Hồ” đối với những gương làm việc tốt mà Bác đọc được trên báo chí. Đối với mỗi người dân Việt Nam, sự kiện được Bác Hồ trao tặng Huy hiệu là niềm vinh dự lớn lao đặc biệt. Người lính PCCC nhận được vinh dự trên là đồng chí Hồ Bá Thọ - Phó Phòng Cảnh sát PCCC - Công an Quảng Bình. Đầu năm 1965 đến tháng 8/1965, đồng chí Hồ Bá Thọ được phân công phụ trách Đội PCCC thuộc Phòng Cảnh sát nhân dân, Ty Công an tỉnh Quảng Bình. Đồng chí đã cùng 3 chiến sỹ xây dựng được 21 Đội Chữa cháy nghĩa vụ gồm 600 người. Bản thân trực tiếp tham gia cứu chữa 8 vụ cháy.
Cũng trong năm 1965, khi địch đánh vào thị xã Đồng Hới, đồng chí Thọ đã dũng cảm lao vào đào bới hầm sập đưa 14 người ra ngoài. Một bà mẹ bị lửa vây kín không ra ngoài được, đồng chí đã nhanh trí lấy nước dội ướt người mình và xông vào bế xốc bà cụ ra. Được giao nhiệm vụ bảo vệ nhân dân đi sơ tán khỏi vùng đánh phá ác liệt của địch, Hồ Bá Thọ đã tổ chức đưa các cháu bé, các cụ già đi ra khu vực an toàn chu đáo. Đọc được bài viết về tấm gương dũng cảm của đồng chí Hồ Bá Thọ trên Báo Công an nhân dân số 462 ra ngày 27/5/1969, Bác Hồ đã gửi tặng thưởng Huy hiệu của Người. Trong những năm kháng chiến ác liệt, Huy hiệu Bác trao là động lực để người chiến sỹ Hồ Bá Thọ kiên trung không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ngày 25/8/1970, đồng chí Hồ Bá Thọ được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…
Thêm một câu chuyện cảm động nữa về người chiến sĩ PCCC Thủ đô, đó là gia đình người lính chữa cháy Trương Từ Thức được Bác Hồ “xông đất” đêm Giao thừa năm Canh Tý (1960). Chuyến “vi hành” đặc biệt của vị Chủ tịch nước đêm Giao thừa năm Canh Tý (1960) là niềm xúc động và vinh dự lớn lao không chỉ với đối với đồng chí Trương Từ Thức mà còn đối với lực lượng Cảnh sát PCCC. Tết năm Canh Tý (1960), giữa đêm mưa phùn và giá lạnh, Người đã đến thăm và chúc Tết gia đình đồng chí Trương Từ Thức – Đội trưởng Đội PCCC Hà Nội lúc bấy giờ. Không “trống giong cờ mở”, Người lặng lẽ trong mưa phùn và gió lạnh cùng một vài đồng chí đến nhà người cảnh sát PCCC trong niềm xúc động vỡ oà.
Chiều 4/8, người dân mang hoa tưởng niệm các đồng chí Cảnh sát PCCC đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. ảnh: Cấn Dũng |
Câu chuyện về sự quan tâm của Bác Hồ tới cảnh sát PCCC Thủ đô năm xưa càng nhắc nhở chúng ta ngày hôm nay, phải biết trân trọng công lao và sự hi sinh của những chiến sĩ trên tuyến đầu chống giặc lửa. Hành động tự nhiên của nhiều người dân thủ đô hiện nay mỗi ngày đến đặt hoa dưới chân tượng đài cảnh sát PCCC là những nghĩa cử, tình cảm cao đẹp tiếp nối thực hiện điều Bác Hồ căn dặn. Nhưng hơn thế, cùng với sự tri ân phải là những hành động thực tiễn của toàn dân.
Sự hy sinh của Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt, Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc là tổn thất lớn đối với gia đình và lực lượng Công an nhân dân, đồng thời cũng tỏa sáng hình ảnh của những công dân Thủ đô; từ đó cũng đặt ra trách nhiệm trong bảo vệ sự bình yên của nhân dân và xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại xứng tầm với vị thế của Thủ đô như luật định cho những người ở lại.
Chuyện cái bể nước và hành động thực tiễn
Còn nhớ năm năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Trong giai đoạn này, công tác PCCC được Đảng, Nhà nước quan tâm và đưa vào phong trào bảo vệ trị an, thể hiện rõ nhất với khẩu hiệu 3 phòng: “Phòng gian – Phòng hoả – Phòng tai nạn”. Ngày 01/01/1955, trong buổi lễ mít tinh chào mừng Đảng và Chính phủ sau 9 năm kháng chiến trở về Thủ đô, Đội Cứu hỏa gồm 7 người do đồng chí Lục Văn Giỏi làm chỉ huy tham gia bảo vệ lễ đài trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Sau cuộc mít tinh, Bác đã đi từ lễ đài xuống, ân cần bắt tay từng người trong Đội Cứu hỏa và chúc: “Nhân dịp năm mới, Bác chúc các chú thất nghiệp!” Tất cả đều ngỡ ngàng và thấm thía trước lời chúc đặc biệt của Bác dành cho Đội Cứu hỏa mùa Xuân năm ấy nhưng cũng đặt ra trăn trở cho chúng ta ngày hôm nay khi trong suốt 10 năm qua, lực lượng PCCC của chúng ta chưa “thất nghiệp” mà còn nhiều vất vả với không ít vụ cháy lớn, hi sinh, thiệt hại tính mạng của cả cảnh sát PCCC và nhân dân… Với một đô thị lớn và đông dân, cháy nổ xảy ra khó tránh khỏi nhưng vẫn còn không ít vấn đề bất cập trong quản lý cần phải khắc phục và với quận Cầu Giấy, những vụ cháy lớn thiệt hại nghiêm trọng về người và của không phải lần đầu.
Thêm một kỷ niệm nữa về Người nhắc nhở chúng ta hôm nay. Năm 1958, Phủ Chủ tịch có một bể nước cần phá đi để đảm bảo yêu cầu công tác. Khi được xin ý kiến chỉ đạo, Bác yêu cầu phải hỏi ý kiến các đồng chí làm công tác PCCC. Người cẩn trọng và tinh tế trong từng chi tiết nhỏ với vai trò và trách nhiệm của một công dân đối với công tác PCCC chứ không đứng trên cương vị Chủ tịch nước để giải quyết mọi tình huống liên quan đến công tác PCCC đặt ra.
Để không còn những vụ cháy thương tâm, để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, rõ ràng còn rất nhiều công việc phải làm và công tác phòng cháy chữa cháy phải được nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, trước hết từ người đứng đầu như Bác Hồ năm xưa quan tâm từ cái bể nước và công tác PCCC cả thành phố.
Đó có lẽ cũng là những hành động thiết thực để cụ thể hoá, tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội.