Cuộc truy lùng 10 năm đối với trùm khủng bố Osama bin Laden kết thúc tại ngôi nhà 3 tầng ở thành phố nghỉ mát của Pakistan.
CôngThương - Mỹ đã hành động một mình trong vụ đột kích hôm thứ hai vừa qua, không thông báo cho Pakistan cho đến khi sứ mệnh kết thúc và rõ ràng là cũng không cám ơn Pakistan khi sứ mệnh thành công tốt đẹp. Tất cả những điều này dự báo một mối quan hệ có thể căng thẳng hơn nữa trong tương lai giữa Mỹ và Pakistan, mối quan hệ vốn đã gặp nhiều trục trặc bởi Mỹ chỉ trích người Pakistan hỗ trợ cho chiến binh Afghanistan và bởi sự bất bình của người Pakistan trước các vụ tấn công bằng máy bay không người lái cũng như các hoạt động gián điệp của Mỹ trong lãnh thổ nước này.
Trong suốt nhiều năm, tình báo phương Tây cho rằng bin Laden chắc chắn ẩn náu trong chiếc hang sâu nào đó dọc biên giới Pakistan – Afghanistan, vùng xa xôi với rừng núi hiểm trở mà quân đội Pakistan ít hiện diện. Nhưng cuộc tìm kiếm 10 năm đối với tên trùm khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới lại kết thúc trong ngôi nhà 3 tầng, quét vôi trắng trong khu trung lưu tại Abbottabad, thành phố nghỉ mát rợp bóng cây với 400.000 dân, nép mình bên dưới những ngọn đồi thông rậm rạp, cách thủ đô Islamabad chưa đầy 60km.
Thượng nghị sỹ Carl Levin, chủ tịch Ủy ban vũ trang Thượng viện Mỹ, cho biết nơi ẩn náu của bin Laden đồng nghĩa với việc người Pakistan phải “giải thích rất nhiều”.
“Tôi cho rằng điều này một lần nữa cho chúng ta biết rằng thật không may, có lúc Pakistan đã chơi trò nước đôi”, Thượng nghị sỹ Susan Collins, thành viên của Ủy ban trên cho hay.
Tuy nhiên, một quan chức tình báo cấp cao của Pakistan phủ nhận nước này bảo vệ cho bin Laden. “Chúng tôi không cần giải thích. Chúng tôi không biết…”, ông nói và từ chối cho biết tên với báo chí.
Tại hiện trường ngôi nhà Osama bin Laden bị tiêu diệt vẫn còn xác của một trong những chiếc trực thăng Mỹ bị đâm trong vụ đột kích. Người dân cho biết nghe thấy tiếng đạn và tiếng loảng xoảng của cánh quạt trực thăng cùng hai tiếng nổ lớn khi vụ đột kích diễn ra.
Hiện chưa rõ bin Laden cùng các thành viên trong gia đình mình đã ở trong ngôi nhà bao lâu. Từ bên ngoài, ngôi nhà giống với nhiều ngôi nhà khác ở Pakistan, thậm chí còn có một lá cờ (có vẻ như là cờ Pakistan) bay phấp phới từ chiếc cột trong vườn. Nó có bức tường rào, với dây thép gai bên trên, bao quanh, ít cửa sổ và nằm trong khu vực với những ngôi nhà nhỏ, cửa hàng, và đường phố với những tán cây phủ bụi cùng những khu đất trống dùng để trồng rau.
Khu nhà ước tính có trị giá khoảng 1 triệu USD.
Những người hàng xóm cho biết đã nhìn thấy những chiếc xe Landcruiser cỡ lớn và những chiếc xe đắt tiền khác đi vào trong khu nhà, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy có người nước ngoài đang sống bên trong. Salman Riaz, một diễn viên, cho biết 5 tháng trước anh và đoàn làm phim đã quay phim ở cạnh ngôi nhà, nhưng sau đó bị hai người đàn ông bước ra từ căn nhà bảo họ dừng quay. “Họ nói với tôi là quay phim bị cấm trong đạo Hồi”, diễn viên cho biết.
Một đoạn video do ABC News đăng tải cho thấy hình ảnh bên trong căn nhà, với những phòng ngủ bị xới tung, sàn nhà dính những vũng máu lớn, và rải rác giấy tờ, quần áo. Đoạn video cũng cho thấy một con đường bụi bẩn bên ngoài căn nhà với một phía là các bức tường trắng lớn và một vườn trồng rau xanh ở phía bên kia.
Khi màn đêm buông xuống vào ngày thứ hai, không có một ánh đèn nào phát ra từ căn nhà.
Một số người dân tỏ ra sợ hãi. “Chúng tôi rất lo ngại cho thành phố này. Đây là một nơi rất an toàn. Nhưng giờ al-Qaeda có thể ở khắp nơi”, Naeem Munir cho hay.
Một quan chức trong chính quyền Obama cho biết khu nhà được chủ đích “xây dựng để giấu ai đó quan trọng”, và nằm cách Học viện quân sự Kakul có 1km. Đây là một trong rất nhiều cơ sở quân sự ở trong thành phố này.
“Cá nhân tôi cảm thấy rằng hắn ta (Bin Laden) phải nghĩ đây là nơi an toàn nhất”, Asad Munir, cựu lãnh đạo cơ quan Tình báo liên ngành Pakistan (ISI) cho hay. “Abbottabad là nơi mà không ai có thể tưởng tượng hắn ta có thể tới sống”.
Nghi ngờ Pakistan dung túng cho các chiến binh đã là lý do chính gây mất lòng tin giữa CIA và ISI của Pakistan, mặc dù hai cơ quan này đã hợp tác để bắt giữ các thủ lĩnh al-Qaeda kể từ sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, trong đó có nhiều thành phố và thị trấn bên ngoài khu vực biên giới.
“Vì sao Pakistan không phát hiện ra hắn ta đang sống trong một khu du lịch xinh đẹp ngay bên ngoài Islamabad?”, Gareth Price, nhà nghiên cứu tại cơ quan phân tích Chatham House, London, đặt câu hỏi nghi vấn. “Có vẻ như hắn ta được Pakistan bảo vệ. Nếu đúng vậy, sẽ rất khó cho đôi bên (Mỹ - Pakistan) tiếp tục hợp tác. Nếu Pakistan không thể giải thích vì sao họ không biết, mối quan hệ giữa hai bên sẽ trở nên khó khăn”.
Mối quan hệ giữa cơ quan tình báo lớn nhất của Paksitan và CIA đã rất căng thẳng trong những tháng gần đây, sau khi một nhà thầu CIA bắn chết 2 người Pakistan vào tháng 1 đầu năm, khiến sự tức giận của người Pakistan bùng phát. Kể từ đó, một quan chức Pakistan cho hay hoạt động phối hợp đã bị ngừng và cơ quan tình báo nước này đang yêu cầu Mỹ cắt giảm các vụ tấn công của máy bay không người lái ở khu vực biên giới.
Một trong những cáo buộc mạnh mẽ nhất đối với ISI che giấu bin Laden xuất phát từ Afghanistan, nơi Tổng thống Karrzai liên tục cho rằng Mỹ cần phải tập trung hơn nữa ở biên giới với Pakistan. “Trong suốt nhiều năm chúng tôi đã nói rằng cuộc chiến chống khủng bố không phải nằm ở các làng và các ngôi nhà ở Afghanistan”, ông Karzai nói. “Và hôm nay, điều đó đã được chứng thực”.
“Có rất nhiều người trong chính phủ Pakistan và tôi sẽ không nghi ngờ ai hay liệu họ có biết trước nơi ở của bin Laden tại Abbottabad hay không, nhưng chắc chắn vị trí của ngôi nhà nằm ngay bên ngoài thủ đô sẽ gây ra những câu hỏi nghi ngờ”, cố vấn chống khủng bố Nhà Trắng John Brennan cho hay.
Tuy nhiên một số nhà phân tích lại cho rằng Pakistan không có lợi lộc gì khi che giấu bin Laden. Họ ý thức rất rõ sự khác nhau giữa thủ lĩnh al-Qaeda và thủ lĩnh Taliban ở Afghanistan, những người mà Pakistan coi là đồng minh hữu hiệu ở Afghanistan một khi Mỹ rút đi. Hơn nữa, trong những năm gần đây, al-Qaeda tiến hành hàng loạt vụ tấn công bên trong lãnh thổ Pakistan.
Tháng trước, Đô đốc Mỹ Mike Mullen, Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cáo buộc cơ quan tình báo quân sự Pakistan duy trì quan hệ với mạng lưới Haqqani, một chi nhánh lớn của Taliban Afghanistan. Vài giờ sau, tuyên bố của quân đội Pakistan đã phủ nhận cái gọi là “chiến dịch tuyên truyền ác ý” của Mỹ, trong khi người đứng đầu quân độiAshfaq Parvez Kayani cho rằng hàng loạt cuộc tấn công của quân đội nước này chống các nhóm phiến quân tại tây bắc là bằng chứng rõ nhất về sự cam dự của Pakistan đối với cuộc chiến chống khủng bố.